Phát biểu tại Hội thảo, Phó Giám đốc Học viện Tài chính PGS. TS Nguyễn Mạnh Thiều nhận định, tình hình kinh tế thế giới 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục gặp nhiều rủi ro, bất ổn, tác động tiêu cực đến tăng trưởng bền vững. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; Căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự leo thang ở một số quốc gia làm suy yếu hệ thống thương mại đa phương, cản trở đầu tư, làm tăng biến động thị trường, giá cả... tác động xấu tới cả sản xuất và tiêu dùng.
Bên cạnh đó, mức độ nghiêm trọng của thiên tai đã tăng lên theo thời gian và còn tiếp tục tăng hơn nữa do biến đổi khí hậu đã đe dọa an ninh lương thực, an ninh năng lượng, bất ổn xã hội... Mặc dù vậy, tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng tích cực nhờ nhu cầu hàng hóa tăng trở lại, áp lực lạm phát giảm dần. Tính tới cuối tháng 6 năm 2024, các tổ chức quốc tế đưa ra những dự báo lạc quan hơn về kinh tế thế giới năm 2024, điều chỉnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu với mức tăng thêm từ 0,1 - 0,3% so với các dự báo đưa ra trước đó.
“Trước bối cảnh đó, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5.1.2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024; Nghị quyết số 02/NQ- CP ngày 5.1.2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024. Các Bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ, giải pháp, từ đó tạo được sự tin tưởng, ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2024 của Việt Nam tiếp tục theo xu hướng tích cực, quý sau tốt hơn quý trước; Các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho các quý tiếp theo... Những giải pháp kịp thời này đã góp phần quan trọng giúp cho kinh tế - xã hội Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 đạt được những kết quả quan trọng, giúp Việt Nam tiếp tục là điểm sáng về kinh tế trong khu vực và trên thế giới”, PGS. TS. Nguyễn Mạnh Thiều khẳng định.
Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng đánh giá, 6 tháng đầu năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đã có nhiều điểm sáng, GDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,42% (chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của cùng kỳ năm 2022 trong giai đoạn 2020 - 2024); CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4,08% so với cùng kỳ năm 2023, đây là mức tăng cao hơn của bình quân các năm 2015, 2016, 2018, 2019, 2021, 2022, 2023 và gần cao bằng mức tăng CPI bình quân của năm 2017, 2020 trong giai đoạn 10 năm qua (2015 – 2024); Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 2,75% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung khá nhiều...
Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính PGS.TS Vũ Duy Nguyên dự báo, CPI bình quân năm 2024 so với năm 2023 sẽ tăng ở mức khoảng 3,7% - 4,2%. Do tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều thuận lợi. Cầu tiêu dùng trong nước vẫn còn thấp, chưa thực sự được phục hồi trong khi năng lực sản xuất để cung hàng hóa trong nước và hàng nhập khẩu tiếp tục được cải thiện. Chính sách kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì theo hướng chính sách tài khóa lỏng, kết hợp chính sách tiền tệ lỏng. Triển khai phương án cải cách chính sách tiền lương, trợ cấp xã hội từ ngày 1.7.2024…
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, việc bám sát mục tiêu kiểm soát lạm phát và linh hoạt trong điều hành giá là nhiệm vụ cho các cơ quan quản lý nhà nước để đạt được ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế trong năm 2024 là năm bản lề trong việc thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.
Các chuyên gia dự báo, thời gian tới, áp lực lạm phát trong nửa cuối năm rõ nét và mạnh hơn so với nửa đầu năm và công tác quản lý, điều hành giá tiếp tục chịu áp lực lớn do ảnh hưởng từ tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó dự báo. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn… tiếp tục làm gia tăng áp lực đối với công tác quản lý, điều hành giá trong 6 tháng cuối năm 2024.
Bên cạnh đó, thị trường trong nước những tháng cuối năm cũng đã xuất hiện những yếu tố rõ nét gây áp lực lên mặt bằng giá như việc thực hiện lộ trình giá thị trường, tính đúng tính đủ chi phí trong giá các hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá tiếp tục là vấn đề cần xem xét thực hiện trong năm 2024. Giá mặt hàng năng lượng biến động khó lường; Rủi ro về thiên tai và thời tiết bất lợi có thể làm tăng giá cục bộ một số mặt hàng thiết yếu tại những địa phương bị ảnh hưởng…
Trước tình hình đó, các chuyên gia cũng chỉ ra, để ổn định giá cả thị trường từ nay tới cuối năm, đặc biệt trước thông tin về chủ trương cải cách tiền lương và quán triệt thực hiện Công điện số 61/CĐ-TTg ngày 22.6.2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Cần chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá thời gian tới để đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, bình ổn giá đi kèm ổn định kinh tế vĩ mô.