Ngày 1.11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV cùng Đại sứ quán Úc tại Việt Nam tổ chức hội thảo và triển lãm bên lề “Diễn đàn thực hành môi trường tốt nhất sẵn có cho các trang trại chăn nuôi hướng tới nền nông nghiệp tuần hoàn”.
Diễn đàn nhằmtăng cường đối thoại chính sách và công nghệ trong quản lý môi trường ngành chăn nuôi theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính và chuyển dịch năng lượng.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát biểu tại Diễn đàn. Nguồn: ITN
Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, chăn nuôi đóng góp 25,26% vào GDP của ngành nông nghiệp và là một trong những phân ngành nông nghiệp phát triển nhanh nhất, kể cả trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Năm 2023, ngành chăn nuôi tiếp tục tăng giá trị sản xuất từ 5,5 - 6% so với năm 2022.
Năm 2022, vốn FDI vào ngành chăn nuôi chiếm 12% tổng số vốn FDI đầu tư vào Việt Nam với các khâu trong chuỗi giá trị sản phẩm chăn nuôi: giống, thức ăn chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ chăn nuôi.
Hiện tại, ngành chăn nuôi lợn nước ta đứng thứ 5 thế giới về số lượng đầu con, và đứng thứ 6 về sản lượng thịt lợn.
Bên cạnh những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, ngành chăn nuôi cũng đặt ra nhiều thách thức cho vấn đề bảo vệ môi trường và phát thải khí nhà kính.
Nếu chất thải chăn nuôi không được kiểm soát tốt và sẽ phát thải gần 15 triệu tấn CO2 hàng năm. Mỗi năm có trung bình 61 triệu tấn phân và trên 304 triệu m³ nước thải chăn nuôi được thải ra từ các loại vật nuôi chính. Một phần trong số đó (khoảng trên 20%) được xử lý, tái sử dụng (làm khí sinh học, ủ phân phục vụ cây trồng, nuôi giun, cho cá ăn,… ).
Trong Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi là một trong 5 đề án ưu tiên. Theo đó các địa phương cần tập trung triển khai và mở ra hướng mới cho chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn, đảm bảo phát triển chăn nuôi hiệu quả, góp phần hình thành nền nông nghiệp phát thải thấp nhằm đạt mục tiêu của Chính phủ trong phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Chính vì vậy, Thứ trưởng mong muốn, các cơ quan quản lý Trung ương, địa phương, các nhà khoa học và các doanh nghiệp sẽ có những đối thoại về chính sách và công nghệ nhằm triển khai quyết liệt các giải pháp quản lý hiệu quả môi trường ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng ở quy mô trang trại theo hướng nông nghiệp tuần hoàn.
Tại Hội thảo, các diễn giả tập trung thảo luận về chính sách, pháp luật và công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi hiệu quả, các quy định pháp luật về giảm phát thải khí nhà kính, cũng như cơ hội tiếp cận tài chính xanh. Làm rõ, trao đổi những vướng mắc, bất cập trong triển khai các quy định tại phương và các cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại. Bên cạnh đó, đề xuất các giải pháp công nghệ xử lý nước thải, chất thải rắn, khí biogas cũng đã được các nhà khoa học, các doanh nghiệp thảo luận nhằm tìm ra các giải pháp phù hợp, hiệu quả cho các trang trại chăn nuôi.
Trong khuôn khổ sự kiện, Triển lãm bên lề có sự tham gia của 14 doanh nghiệp vừa và nhỏ cung cấp dịch vụ máy phát điện biogas, thiết bị và các sản phẩm xử lý nước thải, chất thải, phân bón hữu cơ và cung cấp giải pháp năng lượng tái tạo...