Triển khai đồng bộ các hạng mục công trình
Cho ý kiến về việc triển khai các dự án theo chuỗi đồng bộ, ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) cho biết, dự thảo Luật quy định về việc triển khai các dự án theo chuỗi đồng bộ các hạng mục công trình thiết bị dầu khí trên đất liền và trên biển.
Cụ thể, trong quá trình lập kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí, nếu xét thấy cần thiết xây dựng chuỗi đồng bộ các hạng mục công trình, thiết bị dầu khí trên đất liền và trên biển ngoài diện tích hợp đồng ban đầu phục vụ khai thác, xử lý và vận chuyển dầu khí để sản xuất ra dầu khí thương phẩm, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của dự án phát triển mỏ dầu khí; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam báo cáo Bộ Công thương thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương thực hiện dự án phát triển mỏ dầu khí có chuỗi đồng bộ các hạng mục công trình, thiết bị dầu khí trên đất liền và trên biển.
Theo ĐBQH Cầm Thị Mẫn, quy định này là hành lang pháp lý để các nhà thầu dầu khí đề xuất triển khai đồng bộ các hạng mục công trình dầu khí, nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động dầu khí, tuy nhiên ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung làm rõ khái niệm "chuỗi đồng bộ các hạng mục công trình, thiết bị dầu khí trên đất liền và trên biển ngoài diện tích hợp đồng ban đầu".
Khẳng định việc thực hiện các chính sách ưu đãi trong lĩnh vực dầu khí đã được quy định tại Điều 54 của dự thảo Luật là bước tiến mới trong quá trình xây dựng luật, góp phần cải thiện đáng kể môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí. Song, các ĐBQH cho rằng, để bảo đảm tính khả thi của việc thực hiện các chính sách ưu đãi này, cần bổ sung trường hợp các nhà thầu dầu khí đã ký kết hợp đồng dầu khí và đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mà các chính sách ưu đãi đầu tư tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thấp hơn chính sách ưu đãi đầu tư tại Điều 54 của dự thảo Luật, thì nhà thầu được quyền đề xuất để hưởng chính sách ưu đãi đầu tư tại Điều 54.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc bổ sung quy định này là phù hợp với chính sách bảo đảm đầu tư cho các nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, đồng thời phù hợp với hệ thống pháp luật quốc tế về bảo đảm đầu tư. Ngoài ra, việc bảo đảm đầu tư, kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật là cần thiết để tránh việc các nhà đầu tư, nhà thầu dầu khí có khiếu kiện với Chính phủ sau này, do quyền lợi đầu tư không được bảo đảm.
Làm rõ phạm vi điều chỉnh hoạt động dầu khí thượng nguồn
Không bổ sung hoạt động dầu khí trung và hạ nguồn vào dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) là góp ý của ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa). Theo đại biểu, phạm vi điều chỉnh của Luật là hoạt động dầu khí thượng nguồn, đó là những hoạt động về thăm dò, khai thác mỏ dầu khí. Còn hoạt động dầu khí trung nguồn và hạ nguồn nên thực hiện theo quy định của các luật đã có và các luật có liên quan.
Theo đại biểu Thịnh, dự thảo Luật cần tập trung cho các hoạt động thượng nguồn. Bởi vì, đầu tư thượng nguồn là đầu tư rủi ro, đánh giá thẩm định không thể có thời gian lâu như ở trên bờ, vì thế, quy trình đầu tư phải nhanh chóng, mỗi ngày tàu khoan đợi ngoài khơi có thể tiêu tốn hàng trăm nghìn USD. Tuy nhiên, quy định tại Luật cũng cần lưu ý để tránh nguy cơ lạm dụng quy trình rút gọn, gây thất thoát, lãng phí, tham nhũng.
Do tính chất đặc thù của hoạt động đầu tư thượng nguồn, ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh đồng ý theo hướng quy định rõ tại khoản 1 Điều 4 dự thảo Luật về các trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Dầu khí và luật khác về cùng một vấn đề cụ thể liên quan đến điều tra cơ bản về dầu khí thì áp dụng Luật Dầu khí.
Thống nhất cao với nhiều nội dung trong dự án Luật, theo ĐBQH Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông), đối với phần giải thích từ ngữ, cần bổ sung nội dung về chi phí hoạt động dầu khí. Cụ thể, chi phí hoạt động dầu khí là tất cả chi tiêu do nhà thầu thực hiện và gánh chịu theo chương trình công tác và ngân sách đã được phê duyệt, để tiến hành hoạt động dầu khí, được xác định và được phép thu hồi, phù hợp với các quy định của hợp đồng dầu khí, nhằm mục đích làm rõ chi phí liên quan đến tiêu thụ sản phẩm dầu khí không được coi là chi phí hoạt động dầu khí.