Sau nhiều lần chỉnh sửa, dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đã quy định, ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng dầu khí và các tài liệu kèm theo hợp đồng là tiếng Việt và tiếng Anh hoặc một thứ tiếng nước ngoài thông dụng khác do các bên thỏa thuận. Việc sửa đổi quy định này đã nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia.
Theo ông Nguyễn Minh, Trưởng ban pháp lý và thương mại Eni Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài muốn có hai ngôn ngữ khi ký kết hợp đồng dầu khí. Bởi nếu hợp đồng dầu khí giữa hai công ty Việt Nam ký kết với nhau là ngôn ngữ tiếng Việt nhưng đến khi công ty nước ngoài muốn tham gia vào, khi đó phải chỉnh sửa lại sẽ rất khó khăn. Mặt khác, nếu chỉ có ngôn ngữ tiếng Việt, hoặc được dịch sang tiếng Anh mà trong bản hợp đồng được dịch lại, không có chữ ký của các bên, sẽ rất khó thuyết phục được đối tác là những công ty nước ngoài đang muốn tham gia vào hợp đồng dầu khí.
Ông Đỗ Ngọc Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dầu khí Việt Nhật cũng cho rằng, hoạt động của ngành dầu khí trên thế giới xoay quanh ngôn ngữ tiếng Anh. Trong đó, có rất nhiều từ ngữ chuyên ngành có thể sẽ không thể giải nghĩa một cách chính xác trong tiếng Việt. Hợp đồng dầu khí được ký kết ngay từ ban đầu bằng tiếng Anh là rất cần thiết, điều này cũng đã trở thành một thông lệ quốc tế, là một điểm tạo thuận lợi thu hút đầu tư nước ngoài.
Theo các chuyên gia, đặc thù của hoạt động dầu khí là mang tính quốc tế cao, ngành dầu khí nước ta vẫn sử dụng ngôn ngữ trong hợp đồng dầu khí bằng tiếng Việt và tiếng Anh; thực tiễn cũng không có vướng mắc, khó khăn gì. Vì vậy, việc dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đến nay đã chỉnh lý quy định này là rất phù hợp với đặc điểm của hoạt động dầu khí, đồng thời tạo điều kiện cho các nhà thầu dầu khí tiềm năng tiếp cận với hợp đồng dầu khí.
Bên cạnh đó, việc sửa đổi còn xuất phát từ thực tế, đặc điểm của hoạt động dầu khí là chi phí rất lớn, rủi ro cao, việc tham gia hoạt động dầu khí đòi hỏi phải có trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, kỹ thuật cao, do đó, cần chú trọng, thu hút được nguồn lực tài chính và kỹ thuật của quốc tế đầu tư vào ngành dầu khí của Việt Nam. Để thu hút đầu tư nước ngoài trong hoạt động dầu khí, tạo điều kiện cho các đối tác tiềm năng có thể tiếp cận với hoạt động dầu khí nhanh nhất, thuận lợi nhất, đặc biệt là đối với việc nhận chuyển nhượng quyền lợi tham gia tại các hợp đồng dầu khí mà các nhà thầu Việt Nam đã ký kết; ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng dầu khí và các tài liệu kèm theo hợp đồng phải là tiếng Việt và tiếng Anh hoặc một thứ tiếng nước ngoài thông dụng khác. Đặc biệt, các bản tiếng Việt và tiếng Anh hoặc bản tiếng nước ngoài phải có giá trị pháp lý ngang nhau.
Một số ý kiến đề nghị cân nhắc điều chỉnh quy định về thẩm quyền phê duyệt hợp đồng chia sản phẩm dầu khí. Tuy nhiên, theo các ĐBQH, hợp đồng chia sản phẩm dầu khí là thỏa thuận pháp lý quan trọng giữa Nhà nước và nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí (nhà đầu tư dầu khí), ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia thực hiện hoạt động tìm kiếm thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí quốc gia, có tính chất dài hạn, có nhiều nội dung đặc thù có liên quan đến quốc phòng, an ninh, chủ quyền, mặt biển... Vì vậy, cần thiết quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ nội dung hợp đồng dầu khí, kế thừa quy định của Luật Dầu khí hiện hành.
Khẳng định hợp đồng chia sản phẩm dầu khí là thỏa thuận pháp lý quan trọng giữa Nhà nước và nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cho rằng, nếu hoạt động dầu khí diễn ra tại Việt Nam thì trong hợp đồng dầu khí cần làm rõ luật áp dụng là Luật Việt Nam và giải quyết tranh chấp bằng trọng tài Việt Nam, hoặc cũng có thể cho phép thỏa thuận trọng tài nước ngoài, nếu tranh chấp phát sinh với các nhà đầu tư nước ngoài.