Hoạt động dầu khí mang tính đặc thù, rủi ro
Về vấn đề “lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ dầu khí”, TS. Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho biết, dầu khí có đặc thù là có một số lô nằm trong vùng đặc biệt không được phép đấu thầu quốc tế, mà chỉ đấu thầu hạn chế trong nước... Do đó, việc dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) có quy định về lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí là rất cần thiết, góp phần bảo đảm nguyên tắc công bằng, cạnh tranh minh bạch, hiệu quả.
Đại diện Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh nhận định, theo dự thảo Luật, Chính phủ quy định chi tiết hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí; trong khi đó, Luật Đấu thầu đã được Quốc hội thông qua và áp dụng, Chính phủ đã ra các văn bản quy phạm hướng dẫn Luật, vì vậy, cần xem lại các quy định về lựa chọn nhà thầu cho phù hợp, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Khẳng định hoạt động trong lĩnh vực dầu khí mang tính đặc thù, rủi ro cao, khác với các ngành nghề truyền thống, ông Nguyễn Thành Long, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh lại cho rằng, quy định về thực hiện lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí cần được thể hiện trong dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) (không thực hiện theo Luật Đấu thầu) do những đặc thù riêng của ngành dầu khí.
Tuy nhiên, thực tế quy định về đấu thầu rất phức tạp, đa dạng về các hình thức tổ chức lựa chọn nhà thầu cũng như tình huống về đấu thầu. Do đó, cần nghiên cứu, đánh giá và có báo cáo đối chiếu giữa việc quy định lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí theo Luật Dầu khí hay Luật Đấu thầu, từ đó đưa ra phương án khả thi, phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành. Đồng thời, cần làm rõ, bảo đảm cả việc tiếp cận hoạt động đầu tư dầu khí phù hợp theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (nếu có quy định liên quan).
Bảo đảm tính nguyên tắc và chặt chẽ
Cho rằng các quy định về lựa chọn nhà đầu tại Chương 3 dự thảo Luật còn mang tính nguyên tắc, thiếu cụ thể, ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đề nghị, cần quy định chi tiết hơn về bảo đảm dự thầu… Theo đó, dự thảo Luật có quy định việc hoàn trả tiền bảo đảm dự thầu, vấn đề đặt ra là nếu bảo đảm dự thầu bằng các hình thức khác không phải là tiền thì có được hoàn trả không? Nếu nhà thầu vi phạm quy định về đấu thầu thì có được hoàn trả bảo đảm dự phòng không cũng là băn khoăn của đại biểu Trần Văn Tiến.
Có ý kiến cho rằng, dự thảo luật đã quy định tiêu chí lựa chọn nhà thầu, bao gồm: năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu; điều kiện kỹ thuật phù hợp với từng lô dầu khí; điều kiện kinh tế phù hợp với từng lô dầu khí. Dự thảo cũng quy định, điều kiện tham gia đấu thầu lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí là có đủ năng lực tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm trong hoạt động dầu khí; nhưng lại bổ sung trường hợp tổ chức, cá nhân không đáp ứng điều kiện này thì phải liên danh với các tổ chức, cá nhân khác để có đủ điều kiện tham gia đấu thầu. Vì vậy, cần xem xét lại quy định trong dự thảo, nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.
Liên quan đến các hành vi bị nghiêm cấm, ĐBQH Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét bổ sung đối với hành vi làm giả hồ sơ, tài liệu liên quan đến đấu thầu, thông tin, số liệu khai thác dầu khí, điều tra cơ bản hợp đồng mua bán dầu khí…
Theo các chuyên gia, đối với nhà thầu tư nhân ký kết hợp đồng dầu khí (nhà đầu tư dầu khí tư nhân), việc lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ, hàng hóa dầu khí để phục vụ hoạt động dầu khí được thực hiện theo quy chế riêng của nhà thầu. Để bảo đảm quản lý chặt chẽ quá trình triển khai các dự án dầu khí trên lãnh thổ Việt Nam, ngoài quy định về một trong số những nội dung chính phải có trong hợp đồng dầu khí là nguyên tắc lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ, hàng hóa dầu khí; cần quy định rõ ràng, cụ thể về nghĩa vụ báo cáo việc tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhằm bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả.