Hướng tới mục tiêu thúc đẩy hoạt động dầu khí
Theo TS. Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, năm 1993, Luật Dầu khí ra đời với mục tiêu tiếp tục thúc đẩy hoạt động dầu khí; bao trùm các hoạt động dầu khí vào trong khuôn khổ pháp lý mà trước đây chưa có. Từ khi có Luật Dầu khí 1993, nước ta đã đẩy mạnh được hoạt động đầu tư thăm dò, khai thác dầu khí, tiếp tục thu hút được đầu tư nước ngoài để gia tăng sản lượng khai thác. Ở vào đỉnh cao của hoạt động khai thác dầu khí vào năm 2014, nước ta khai thác khoảng 27 - 28 triệu tấn dầu quy đổi mỗi năm. Tuy nhiên, đến nay, chỉ còn khoảng 17 - 18 triệu tấn dầu khí quy đổi, thấp hơn so với giai đoạn đỉnh cao đến 10 triệu tấn.
Ông Nguyễn Quốc Thập cho biết thêm, Luật Dầu khí đã sửa đổi 2 lần vào năm 2000 và 2008, nhưng thực chất những lần sửa đổi này không lớn, chủ yếu là nhằm tích hợp với sự thay đổi của những Luật khác, đặc biệt là liên quan đến Luật Thuế và Luật Đầu tư. Đến năm 2015, mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 95/2015/NĐ-CP nhằm cụ thể hóa Luật Dầu khí, nhưng với sự biến đổi của thị trường dầu khí và khủng hoảng giá dầu cũng như hiện trạng tài nguyên, tình hình địa chính trị thế giới và khu vực đã khiến thu hút đầu tư vào ngành dầu khí sụt giảm.
Từ năm 2015 đến nay, số lượng các hợp đồng dầu khí mới được ký kết rất ít ỏi. Theo đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chỉ ký được 8 hợp đồng dầu khí mới, chưa bằng 1/3 so với giai đoạn 2010 - 2015 (27 hợp đồng). Một trong những nguyên nhân chính là các điều khoản không còn đủ hấp dẫn trong điều kiện mới đã có nhiều thay đổi và công tác triển khai trên thực địa gặp nhiều khó khăn, thách thức hơn.
Một bất cập nữa là mặc dù có cơ hội để đẩy nhanh hoạt động khai thác các mỏ khí nhưng vì đặc thù dự án khí là dự án phát triển theo chuỗi nên vẫn đang gặp rất nhiều vướng mắc về thủ tục. Thực tế, có những cụm khí phát hiện năm 1997 đến thời điểm hiện nay vẫn chưa đưa vào phát triển khai thác. Một điều nữa dễ dàng nhận thấy là các luật mới ra đời sau 2008 như Luật Đầu tư, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp cũng có những xung đột và có cả khoảng trống với Luật Dầu khí. Hàng loạt những bất cập cho thấy rất cần phải điều chỉnh, sửa đổi toàn diện Luật Dầu khí.
Không để Luật "lạc điệu" với thực tế
Theo các chuyên gia, ngay sau khi Quốc hội đưa Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh 2022, đã có nhiều buổi hội thảo, lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật và đến nay, Dự thảo Luật đã có sự tích hợp, tiếp thu, chỉnh sửa từ các góp ý chính đáng, thiết thực và cho ra được một sản phẩm công phu, khoa học.
Đặc biệt, dự thảo Luật đã bổ sung 1 chương mới về hoạt động điều tra cơ bản. Theo đó, căn cứ chiến lược, quy hoạch về năng lượng, tài nguyên khoáng sản và đề xuất của các tổ chức, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường; các bộ, cơ quan có liên quan xây dựng danh mục đề án điều tra cơ bản về dầu khí, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Mặt khác, dự thảo luật cũng đã quy định chính sách ưu đãi áp dụng đối với các lô, mỏ dầu khí được thực hiện thông qua hợp đồng dầu khí; tính toán rất nhiều đến cơ chế chia sẻ rủi ro, đặc biệt ở khâu điều tra, thăm dò. Vấn đề phân cấp, phân quyền của các bên liên quan trong hoạt động dầu khí được quy định rõ ràng hơn, minh bạch hơn, gắn với trách nhiệm của cơ quan chủ trì, đầu mối và thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan liên quan, bảo đảm tính khả thi cao; khắc phục được tình trạng quy định chung chung, thiếu rõ ràng, phối hợp không hiệu quả và kéo dài thời gian.
Dưới góc độ là những người chứng kiến hoạt động dầu khí từ trước khi Luật Dầu khí 1993 ra đời đến nay, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho rằng, trước rất nhiều những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách đã cản trở hoạt động dầu khí, mong rằng Luật Dầu khí (sửa đổi) sẽ được ban hành và thật sự đi vào thực tiễn; giải quyết được những vướng mắc và phục vụ hiệu quả cho sự phát triển của ngành dầu khí nước nhà.
Chỉ rõ 3 điểm khác biệt của Luật Dầu khí so với luật thông thường, ĐBQH Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế cho biết, đó là có tính rủi ro, tính quốc tế và tính đặc thù. Hoạt động dầu khí chịu rủi ro lớn, do tính chất, cấu tạo địa chất, các tích tụ dầu khí, nằm sâu dưới lòng đất, địa chất phức tạp, ngoài đại dương... Do đó, thể chế, chính sách điều chỉnh hoạt động dầu khí cần phải được thiết kế tính đến những rủi ro này, nhằm thúc đẩy hoạt động dầu khí.