Kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo - phù hợp với mục tiêu xây dựng nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa
Theo PHÓ CHỦ NHIÊM ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI BÙI SỸ LỢI cử tri rất đồng tình, ủng hộ việc Hiến pháp (sửa đổi) tiếp tục khẳng định rõ vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước. Quy định như vậy là rất đúng và hoàn toàn phù hợp với mục tiêu xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của chúng ta.
Kỳ họp thứ Sáu, QH Khóa XIII đã làm được nhiều việc lớn
- Kết thúc các cuộc tiếp xúc cử tri, báo cáo kết quả Kỳ họp thứ Sáu, nhiều ĐBQH đã chia sẻ rằng, cử tri đánh giá rất cao kết quả Kỳ họp và ủng hộ các quyết định của QH tại Kỳ họp này. Với cử tri Thanh Hóa – nơi Phó chủ nhiệm ứng cử thì cử tri có cảm nhận như thế nào?
- Ngay sau Kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành tiếp xúc cử tri, báo cáo kết quả Kỳ họp thứ Sáu, QH Khóa XIII. Theo đánh giá của cử tri Thanh Hóa, Kỳ họp thứ Sáu, QH Khóa XIII đã làm được nhiều việc lớn, có tác động lâu dài đối với sự phát triển của đất nước, đối với đời sống của nhân dân. QH đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi), văn bản chính trị - pháp lý có ý nghĩa quan trọng nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng nhu cầu, điều kiện của một xã hội phát triển đáp ứng được yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước trong tình hình mới; thông qua Luật Đất đai (sửa đổi); quyết định chính sách phát triển KT - XH năm 2014, 2015; giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế và ban hành Nghị quyết về chuyên đề giám sát này... Cử tri cũng đặc biệt ghi nhận nỗ lực của QH, Chính phủ khi đã bảo đảm thực hiện các chính sách an sinh xã hội trong bối cảnh kinh tế - xã hội gặp rất nhiều khó khăn vừa qua.
Nhiều cử tri cũng đánh giá cao việc QH đã dành thời gian thảo luận, đánh giá tình hình triển khai thi hành luật, pháp lệnh, Nghị quyết (bao gồm cả các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của QH, UBTVQH) được ban hành từ đầu nhiệm kỳ QH Khóa XIII đến hết tháng 7.2013 của Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Đây là đổi mới trong hoạt động của QH nhằm khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản luật, nhất là văn bản hướng dẫn thi hành luật hay còn gọi là tình trạng tồn kho thể chế mà lâu nay các ĐBQH đã phản ánh nhiều lần; từ đó, QH đã ban hành Nghị quyết yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm phải thực hiện tốt hơn việc tổ chức triển khai, xây dựng, thẩm định hệ thống pháp luật và thực hiện theo đúng tinh thần của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
- Hiến pháp (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi) – được xem là hai dấu ấn về lập pháp của Kỳ họp thứ Sáu, cử tri Thanh Hóa có cùng cảm nhận này không, thưa Phó chủ nhiệm?
- Cử tri Thanh Hóa đánh giá cao về Hiến pháp (sửa đổi), đặc biệt là quá trình xây dựng và hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã được tiến hành hết sức công phu, khoa học và dân chủ, từ việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo đến Dự thảo cuối cùng trình QH thông qua đã kết tinh được trí tuệ, mong muốn và nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân ta. Còn với Luật Đất đai (sửa đổi) – cử tri cũng đánh giá Luật đã đưa ra rất nhiều quy định mới. Tất nhiên, cử tri cũng chia sẻ rằng, không kỳ vọng Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ khắc phục được triệt để những vướng mắc, yếu kém trong quản lý đất đai hiện nay nhưng chắc chắn Luật này sẽ góp phần quan trọng bảo đảm sự công khai, minh bạch và chặt chẽ hơn trong quản lý đất đai, hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo của người dân đối với lĩnh vực này.
- Đó là sự ghi nhận, đánh giá của cử tri, còn với Phó chủ nhiệm, cảm nhận của Phó chủ nhiệm về Hiến pháp (sửa đổi) như thế nào?
- Tôi đặc biệt đánh giá cao việc Hiến pháp (sửa đổi) lần này đã tiếp tục khẳng định kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đánh giá cao là vì trước đó, trong quá trình thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có rất nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Cũng có không ít ý kiến cho rằng quy định vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước sẽ làm hạn chế sự phát triển của nền kinh tế thị trường; làm mất sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Nhưng cuối cùng, Hiến pháp đã giữ quy định của Hiến pháp năm 1992; khẳng định rõ vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước. Tôi cho rằng, quy định như vậy là rất đúng và hoàn toàn phù hợp với định hướng xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của chúng ta. Khi đi tiếp xúc cử tri, chúng tôi cũng đã giải thích cho cử tri rõ: kinh tế nhà nước không đồng nghĩa với doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước chỉ là một bộ phận của kinh tế nhà nước. Kinh tế nhà nước trong đó có ngân sách nhà nước và các nguồn lực nhà nước gánh vác trách nhiệm đầu tư cho phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, bảo trợ xã hội, giúp đỡ những người nghèo, người già cả neo đơn, không nơi nương tựa... Hơn nữa, thực tế phát triển của nền kinh tế thị trường cho thấy không phải lĩnh vực nào, ngành nghề nào các thành phần kinh tế khác cũng sẵn sàng đầu tư, tham gia ví dụ những lĩnh vực phi lợi nhuận. Nếu kinh tế Nhà nước không đứng ra đầu tư thì ai sẽ làm? Thực ra, khi đọc Hiến pháp (sửa đổi) một số cử tri cũng băn khoăn nhưng khi được giải thích, làm rõ nội hàm của khái niệm kinh tế nhà nước thì tôi thấy cử tri rất đồng tình với Hiến pháp (sửa đổi).
- Một nội dung quan trọng được cử tri quan tâm trong sửa đổi Hiến pháp và sửa đổi Luật Đất đai lần này là chế định về thu hồi đất và đền bù đất. Phó chủ nhiệm đánh giá như thế nào về chế định này?
- Thu hồi đất và giá đất là hai điểm cốt lõi để quản lý đất đai có hiệu quả, tránh được khiếu nại, tố cáo và đáp ứng được yêu cầu của nhân dân. Về thu hồi đất, Điều 54 của Hiến pháp (sửa đổi) đã khẳng định: Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật. Trong Hiến pháp (sửa đổi) lần này, chúng ta đã quy định chặt chẽ hơn chế tài thu hồi đất, không được thu hồi một cách tràn lan, tùy tiện; thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội phải gắn trực tiếp với mục tiêu vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích công cộng. Các quy định của Hiến pháp đã được nghiên cứu, thể chế hóa vào Luật Đất đai (sửa đổi) tại Điều 61, Điều 62. Luật Đất đai (sửa đổi) cũng khẳng định nguyên tắc việc thu hồi đất phải bảo đảm được lợi ích của 3 bên: lợi ích của người có đất bị thu hồi, lợi ích của doanh nghiệp, hoặc của cơ quan tổ chức thu hồi để phục vụ các mục đích quốc gia, công trình công cộng và lợi ích của nhà nước.
Một nội dung quan trọng liên quan đến thu hồi đất nữa là phải xử lý được câu chuyện về giá đất và khung giá đất. Luật Đất đai (sửa đổi) quy định thay vì ban hành khung giá đất hàng năm thành quy định giá đất định kỳ 5 năm. Trong thời gian thực hiện giá đất, nếu giá đất trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá tối đa, hoặc giảm 20% trở lên so với giá tối thiểu trong khung giá đất quy định thì Chính phủ điều chỉnh giá đất cho phù hợp. Với quy định này, Luật sẽ đưa giá đất đền bù, giải phóng mặt bằng tiệm cận với giá thị trường, bảo đảm được quyền lợi của người dân. Quy định giá đất định kỳ 5 năm một lần cũng giúp tránh được việc hàng năm phải thay đổi giá đất, gây ra sự chênh lệch lớn về giá đất giữa các năm.
Xác định rõ HĐND là cơ quan quyền lực Nhà nước, cơ quan đại diện của nhân dân địa phương là hoàn toàn đúng đắn, bảo đảm dân chủ xã hội
- Phó chủ nhiệm đánh giá như thế nào về chế định về Chính quyền địa phương trong Hiến pháp (sửa đổi)?
- Chúng ta đã thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường ở một số tỉnh, thành phố, cho đến nay, vẫn chưa có tổng kết để quyết định xem có nên bỏ HĐND cấp huyện, quận, phường hay không. Vì vậy, Hiến pháp (sửa đổi) tiếp tục kế thừa Hiến pháp hiện hành và có quy định mở về các cấp chính quyền ở một số đơn vị hành chính mang tính đặc thù nhằm bảo đảm sự thống nhất, ổn định về tổ chức chính quyền địa phương đồng thời cũng tạo điều kiện để một số đơn vị hành chính đặc thù có thể vận dụng sáng tạo hơn trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Điều cần khẳng định ngay là, trong cấu trúc chính quyền của nước ta, trong thể chế chính trị của nước ta, dứt khoát, ở đâu có cơ quan hành chính thì ở đó phải có HĐND - cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, cơ quan đại diện cho nhân dân địa phương.
- Theo Phó chủ nhiệm, chế định về chính quyền địa phương trong Hiến pháp (sửa đổi) có ý nghĩa như thế nào đối với việc phát huy dân chủ?
- Chính quyền địa phương hiện nay vẫn đang được tổ chức theo mô hình gồm có HĐND và UBND. Việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường cũng chỉ được thực hiện ở một phạm vi rất nhỏ và đến nay, như tôi đã nói, vẫn chưa khẳng định được là kết quả sẽ thế nào. Thực tế cho thấy, HĐND là cơ quan dân cử, cơ quan thay mặt nhân dân giám sát việc thực thi quyền lực nhà nước của các cơ quan hành pháp. Việc xác định rõ tính chất và giữ nguyên thiết chế HĐND là cơ quan quyền lực Nhà nước, cơ quan đại diện của nhân dân địa phương là hết sức cần thiết nhằm bảo đảm quyền phúc quyết của người dân, bảo đảm dân chủ xã hội. Dân bầu ra đại biểu HĐND để gửi gắm niềm tin, tâm tư nguyện vọng, bỏ HĐND thì ai phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân?
- Để có được một bản Hiến pháp (sửa đổi) thành công như hiện nay, QH, các ĐBQH, các tầng lớp nhân dân đã trải qua một chặng đường khá vất vả. Việc đưa Hiến pháp vào cuộc sống, hiện thực hóa các tư tưởng, quan điểm của Hiến pháp vào đời sống cũng không đơn giản, thưa Phó chủ nhiệm?
- ĐBQH có vai trò quan trọng khi tham gia, nghiên cứu xây dựng Hiến pháp, phát huy vai trò này, ĐBQH phải tiếp tục tuyên truyền, giải thích rõ các quy định, các quan điểm, tư tưởng mới của Hiến pháp (sửa đổi) cho người dân. Xây dựng Hiến pháp đã khó, việc thể chế hóa Hiến pháp, hiện thực hóa Hiến pháp trong đời sống còn khó hơn. Do vậy, không chỉ ĐBQH, các cơ quan của QH mà tất cả cơ quan, tổ chức, đơn vị cũng cần làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ Hiến pháp và thực thi Hiến pháp, bảo đảm tính thượng tôn của Hiến pháp.
- Xin cám ơn Phó chủ nhiệm!