Thu thập và bảo tồn tư liệu di sản
Nghiên cứu của ThS. Lê Thị Thanh Nhàn, Trung tâm Thông tin Học liệu và Truyền thông, Đại học Đà Nẵng cho thấy, một trong các thư viện có vai trò lớn trong việc thu thập, bảo tồn tư liệu di sản là Thư viện Quốc gia Australia (NLA). Tại đây các nguồn tài liệu có ý nghĩa quốc gia liên quan đến đất nước và người dân cũng như các tài liệu quan trọng không phải của Australia được thu thập, bảo quản và có thể truy cập thông qua Thư viện hoặc qua các thỏa thuận hợp tác với các thư viện và nhà cung cấp thông tin khác. Một bộ quy định của NLA chi phối việc tiếp cận và sử dụng đối với tài sản của Thư viện cũng như các tài liệu của Thư viện.
Ưu tiên chiến lược của NLA thời gian tới là kết nối tất cả người Australia với các bộ sưu tập quốc gia, làm phong phú thêm hiểu biết của họ về việc họ là ai, vị trí của họ trên thế giới. Để thành công, NLA phát triển năng lực kinh doanh, trong đó ưu tiên chiến lược phác thảo cách tiếp cận và các sáng kiến phát triển khả năng kinh doanh để thực hiện chiến lược số; sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tăng cường lực lượng lao động thu thập của Thư viện; tham gia số lấy bạn đọc làm trung tâm; mở rộng cơ sở hạ tầng số; giảm thiểu rủi ro an ninh mạng…
Dự án Thư viện số quốc gia Phần Lan được Bộ Giáo dục và Văn hóa Phần Lan thực hiện từ năm 2007 cũng nhằm quản lý nguồn tài nguyên điện tử về văn hóa và khoa học được lưu giữ tại các thư viện, cơ quan lưu trữ và bảo tàng tại quốc gia này theo chuẩn, bảo đảm tiếp cận dễ dàng và bảo quản an toàn tới tương lai. Mục tiêu kép của dự án là giảm thiểu sự trùng lặp trong công tác số hóa, quản lý và phân phối tài nguyên điện tử, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí ngân sách.
Tính tới thời điểm hiện nay, đây được coi là dự án hợp tác lớn nhất giữa các thư viện, cơ quan lưu trữ và bảo tàng tại Phần Lan và có tầm ảnh hưởng lớn tới hoạt động của các tổ chức này; theo đó, các đơn vị cùng hợp tác phát triển, tạo nền tảng tìm kiếm giải pháp chung cho các dịch vụ của Thư viện số quốc gia Phần Lan.
Cung cấp dịch vụ đặc biệt và các nền tảng học liệu
Theo các nghiên cứu mới đây của Viện Thông tin Khoa học xã hội, Thư viện số quốc gia Ấn Độ là một sáng kiến của Nhiệm vụ giáo dục quốc gia về thông tin và truyền thông do Bộ Giáo dục Ấn Độ tài trợ, được Viện Công nghệ Kharagpur phát triển và duy trì hoạt động. Đây là nền tảng học liệu ảo không chỉ cho phép tìm kiếm/tìm lướt dữ liệu mà còn cung cấp các dịch vụ cho cộng đồng người sử dụng như hỗ trợ học sinh, sinh viên chuẩn bị cho các kỳ thi, cung cấp thông tin cho người tìm việc, nhà nghiên cứu và các đối tượng bạn đọc nói chung...
Người sử dụng có thể truy cập thư viện trên mọi thiết bị thông qua 10 ngôn ngữ thông dụng đối với người Ấn Độ, để tìm kiếm thông tin về các ấn phẩm học thuật, các bộ dữ liệu, tài liệu và video, tạp chí và hội nghị, hội thảo, ý tưởng và các quỹ, thách thức và khởi nghiệp. Người sử dụng có thể truy cập để tiếp cận với trên 88 triệu tư liệu mà Thư viện số quốc gia Ấn Độ cung cấp. Ngoài ra, thư viện còn cung cấp các dịch vụ đặc biệt như hỗ trợ tìm kiếm thông tin, viết bài nghiên cứu, tổ chức các sự kiện trực tuyến.
Thư viện số quốc gia Trung Quốc được Hội đồng Nhà nước thông qua năm 2002, với một thiết kế dự án thu thập (từ năm 2005) nhằm bảo quản nguồn tư liệu số để tạo tập có sở dữ liệu số lớn nhất Trung Quốc; thiết lập nền tảng phần cứng và phần mềm để hỗ trợ việc quản lý vòng đời của tài nguyên số; cung cấp các dịch vụ tài nguyên số chất lượng cao ở cả trong và ngoài nước; xây dựng hệ thống dịch vụ và chuyển giao tài nguyên trong đó Thư viện là thành phần hoạt động cốt lõi, cùng các thư viện lớn khác hỗ trợ các thư viện số vùng và thư viện số đặc biệt. Các hợp phần của dự án gồm: trang bị hạ tầng phần cứng, các hệ thống ứng dụng thư viện số, thiết lập các chuẩn thư viện số, xây dựng các bộ sưu tập số và dịch vụ số.
Nguồn tư liệu phục vụ cho xây dựng Thư viện Quốc gia Trung Quốc gồm số hóa tài liệu in, khai thác tài liệu trực tuyến và lưu chiểu tài liệu số. Hệ thống tổ chức và quản lý tài nguyên số phục vụ việc quản lý và bảo quản nguồn tài nguyên số lâu dài, trong đó có cả quản lý tác quyền số. Các chuẩn thư viện số được áp dụng trong dự án như chuẩn xử lý ký tự tiếng Trung, nhận dạng vật thể số, quản lý vật thể số, nguyên tắc siêu dữ liệu tổng quát, quản lý tri thức và thống kê tư liệu số…
Ngoài ra, Thư viện Quốc gia Trung Quốc còn xây dựng Thư viện số quốc gia dành cho trẻ em, cung cấp cách thức tiếp cận thông tin và tri thức mới cho trẻ em các lứa tuổi theo hướng giáo dục kết hợp giải trí…
Các gợi ý xây dựng Thư viện số quốc gia Việt Nam
Các mô hình, dự án thư viện số quốc gia nêu trên có thời gian triển khai, quy mô, đối tượng tài nguyên được huy động hướng tới cộng đồng người sử dụng khác nhau, nhưng nhìn chung đều được lập kế hoạch thực hiện cụ thể, đặt dưới sự quản lý và triển khai của thư viện quốc gia nước sở tại, tập trung vào một số mục tiêu nhất định như bảo quản nguồn tài nguyên thông tin cổ quý hiếm, có nhu cầu sử dụng cao; nâng cao khả năng phục vụ người sử dụng thông qua huy động tài nguyên và sự tham gia của các cơ quan thông tin - thư viện - lưu trữ vào công tác xây dựng thư viện số. Để bảo đảm tính hiệu quả và đạt được các mục tiêu đề ra trong xây dựng thư viện số quốc gia, các sự án thư viện cần được lập kế hoạch thực hiện tổng thể và phương án triển khai cụ thể, bao quát các yếu tố cơ bản.
Việc quản lý và triển khai thường do Thư viện Quốc gia thực hiện, được đặt dưới sự quản lý của đơn vị chủ quản cấp cao hơn. Các dự án được chia làm nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn có những hợp phần đầu tư trọng điểm phù hợp kinh phí, phương thức…
Về ngân sách, có thể thực hiện xây dựng từ nguồn ngân sách quốc gia hoặc từ các dự án viện trợ nước ngoài.
Hình thức triển khai: Thư viện Quốc gia làm đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện xây dựng hoặc có thể lựa chọn sự kết hợp tham gia của các cơ quan thông tin - thư viện - lưu trữ - bảo tàng.
Đối tượng tài nguyên được lựa chọn để đưa vào thư viện số quốc gia, tùy thuộc vào mục đích của việc xây dựng thư viện số quốc gia, có thể là các tài nguyên cần được bảo tồn giá trị văn hóa hay các tài nguyên có giá trị trong nghiên cứu khoa học, học tập của một hay nhiều cơ quan thông tin - thư viện - lưu trữ - bảo tàng. Về hình thức, chúng có thể là tài liệu in, phi in cần được số hóa hoặc là các tài liệu số nguyên bản.
Chính sách khai thác tài nguyên: các thư viện số quốc gia cho phép truy cập miễn phí toàn văn hoặc một phần tài nguyên số có trong hệ thống trên cơ sở chính sách tác quyền số tương ứng.