Kinh nghiệm hay - cách làm tốtỔn định chỗ ở, vững bước thoát nghèo
Thông qua chính sách tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH), hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo tại huyện Thủy Nguyên (thành phố Hải Phòng) đã có cơ hội được sửa chữa, xây mới nhà cửa. Từ đó, nhiều gia đình không chỉ có nơi an cư ổn định mà còn vững tin vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Hàng trăm hộ nghèo được cho vay xây, sửa nhà
Những năm gần đây, tại huyện Thủy Nguyên, mô hình cho vay vốn ưu đãi xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các hộ nghèo, cận nghèo đã trở thành một điểm sáng trong công tác giảm nghèo bền vững. Đây là chính sách thiết thực được triển khai theo 52/2019/NQ-HĐND của HĐND thành phố về cơ chế, chính sách hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở đối với hộ nghèo trên địa bàn giai đoạn 2020 - 2025, giúp người dân có hoàn cảnh khó khăn cải thiện chất lượng nhà ở với lãi suất thấp, thời hạn vay dài và thủ tục thuận tiện. Theo đó, thành phố hỗ trợ các hộ 100% lãi suất vay tín dụng qua NHCSXH Chi nhánh Hải Phòng, trong thời hạn 15 năm để xây mới (mức vay tối đa 35 triệu đồng); sửa chữa nhà ở (mức vay tối đa 20 triệu đồng) cùng vật liệu xây dựng như: xi măng, gạch chỉ theo quy định.

Nhiều năm trước tại huyện Thủy Nguyên, vấn đề nhà ở vẫn là gánh nặng với hàng trăm hộ nghèo. Không ít gia đình phải sống trong những căn nhà cấp bốn xuống cấp, dột nát, chật hẹp, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống sinh hoạt, đặc biệt vào mùa mưa bão. Những ngôi nhà tạm bợ cũng trở thành một trong những rào cản lớn khiến người nghèo không thể tập trung phát triển kinh tế. Chính trong bối cảnh đó, chương trình cho vay vốn xây dựng, sửa chữa nhà ở xã hội đã thực sự mở ra một cánh cửa mới. Thời gian qua, NHCSXH huyện Thủy Nguyên phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền cơ sở tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ vay vốn và giải ngân kịp thời. Qua đó, đã thực hiện cho vay xây, sửa nhà với hàng trăm hộ nghèo, tổng dư nợ nhiều tỷ đồng.
NHCSXH huyện Thủy Nguyên cũng tích cực triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2024/NĐ-CP, giúp cho nhiều hộ gia đình thu nhập thấp, công nhân, cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn có thể hiện thực hóa mong ước “an cư, lạc nghiệp”. Tính đến hết tháng 4/2025, số khách hàng vay vốn theo Nghị định 100/2024/NĐ-CP tại ngân hàng là 64 hộ với tổng dư nợ gần 26 tỷ đồng, trong đó, 62/64 trường hợp là vay xây sửa nhà, 2 trường hợp vay mua nhà ở xã hội. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2025, ngân hàng sẽ giải ngân đối với gần 30 trường hợp thuộc diện vay ưu đãi theo Nghị định 100/2024/NĐ-CP, với tổng số tiền khoảng 17 tỷ đồng.
“An cư” rồi mới “lạc nghiệp”
Để chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, NHCSXH Thủy Nguyên đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách vay vốn. Nhờ đó, người dân tiếp cận nguồn vốn minh bạch, nhanh chóng, thuận tiện, đồng thời được hướng dẫn cụ thể về thủ tục và phương án sử dụng vốn hiệu quả. Ngoài ra, với cơ chế vay linh hoạt, mức lãi suất ưu đãi bằng với lãi suất cho vay hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ quy định trong từng thời kỳ (hiện nay 6,6%/năm, tương đương 0,55%/tháng), thời gian cho vay dài (tối đa 25 năm), cũng giúp người nghèo giảm áp lực tài chính, tạo cơ sở để họ sở hữu, cải tạo nhà ở phù hợp.

Mô hình cho vay xây dựng, sửa chữa nhà không đơn thuần là một chính sách hỗ trợ chỗ ở, mà còn mở ra cơ hội lớn hơn cho người nghèo được ổn định cuộc sống, yên tâm phát triển kinh tế. Khi gánh nặng về nhà cửa được tháo gỡ, nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi, buôn bán, sản xuất nhỏ lẻ – những bước đi đầu tiên trong hành trình thoát nghèo bền vững. Nhiều hộ sau khi sửa sang nhà cửa đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình. Có hộ tận dụng khoảng sân để nuôi gà, đào ao thả cá, trồng rau sạch; mở tiệm tạp hóa nhỏ ngay tại nhà; có hộ chuyển sang làm nghề phụ như: may mặc, cơ khí… giúp tăng thêm thu nhập.
Sự thay đổi không chỉ diễn ra trong từng gia đình, mà còn lan tỏa ra cả cộng đồng. Khi người dân có nhà ở khang trang, các khu dân cư trở nên đồng bộ, nề nếp hơn. Hạ tầng nông thôn cũng được quan tâm đầu tư, các con đường liên thôn được mở rộng, hệ thống điện - nước được cải thiện. Đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống, kéo theo những tác động tích cực về giáo dục, y tế, an sinh xã hội.
Không chỉ mang lại giá trị vật chất, nguồn tín dụng chính sách còn thắp lên niềm tin cho người nghèo – niềm tin vào sự quan tâm của Đảng, vào chính sách đúng đắn của Nhà nước và quan trọng hơn là ở chính bản thân. Cùng với đó, mô hình cho vay vốn xây dựng, sửa chữa nhà ở không dừng lại ở việc giải quyết khó khăn trước mắt mà đang mở ra hướng tiếp cận mới trong công tác giảm nghèo. Thay vì hỗ trợ một chiều, chính sách tạo điều kiện để người dân chủ động cải thiện cuộc sống, thoát nghèo bằng chính nội lực của mình. Khi chính sách trúng và đúng, khi nguồn lực đến đúng người, được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả mang lại sẽ lan tỏa bền vững, lâu dài.