Trên đường phát triển

Kinh nghiệm hay - cách làm tốtMận hậu - cây thoát nghèo của người dân Sơn La

NHÃ NAM 15/07/2025 20:04

Từ một loại cây ăn quả bản địa, nhờ mở rộng vùng trồng, ứng dụng kỹ thuật hiện đại và tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, mận hậu đã trở thành cây trồng chủ lực giúp hàng nghìn hộ dân Sơn La vươn lên thoát nghèo bền vững.

Từ đặc sản bản địa đến trụ cột kinh tế nông thôn

Không còn là loại quả chỉ xuất hiện ở các chợ vùng cao vào mùa hè, mận hậu Sơn La hiện đã có mặt tại nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trên cả nước và vươn tới thị trường quốc tế. Năm 2025, sản lượng mận hậu toàn tỉnh ước đạt khoảng 100.000 tấn với chất lượng ngày càng được khẳng định.

Để mận hậu trở thành loại cây ăn quả “có tiếng” và là cây trồng trụ cột trong phát triển kinh tế nông thôn, ngành nông nghiệp Sơn La đã sớm định hướng phát triển, mở rộng vùng trồng, sản xuất theo hướng hàng hóa và ứng dụng công nghệ cao. Với sự vào cuộc quyết tâm của chính quyền và hệ thống hợp tác xã nông nghiệp, cây mận hậu không còn canh tác với quy mô nhỏ lẻ mà có sự tham gia, liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản đến tiêu thụ sản phẩm.

8138-1684480589_1200x0.jpg
Mận khi thu hoạch giữ được lớp phấn trắng mỏng bên ngoài được đánh giá cao về chất lượng. Ảnh: Minh Nhương

Ngành nông nghiệp Sơn La đánh giá, mô hình sản xuất này giúp tối ưu hóa năng suất, nâng cao chất lượng quả và tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm. Cùng với khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong ghép, chiết giống để tăng năng suất; hệ thống tưới nhỏ giọt, bón phân tự động kết hợp kỹ thuật tỉa cành, tạo tán; canh tác theo hướng hữu cơ… đã tạo nên sự chuyển đổi rõ rệt.

Các hộ nông dân được tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và xây dựng vùng chuyên canh quy mô lớn. Nhờ đó, mận hậu Sơn La ngày càng được đánh giá cao về mẫu mã, chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước...

img_0109.jpg
Livestream mận hậu tại vườn cùng nông dân thu hút người xem. Ảnh: Thanh Huyền

Không dừng ở đó, các hợp tác xã còn chủ động chuyển đổi phương thức bán hàng. Ngoài tiêu thụ qua kênh truyền thống và sàn thương mại điện tử, các thành viên hợp tác xã đã đẩy mạnh livestream trực tiếp tại vườn, giới thiệu sản phẩm tới khách hàng. Đây là cách làm sáng tạo, giúp người trồng mận tiếp cận với người tiêu dùng một cách trực tiếp, tăng độ tin cậy và thúc đẩy tiêu thụ hiệu quả. Từ đó, mận hậu Sơn La đã vươn ra thị trường lớn như: thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thậm chí xuất khẩu sang Trung Quốc và một số thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc.

Phát triển kinh tế gắn với du lịch nông nghiệp

Từ thành công của cây mận hậu, nhiều hộ dân trước đây bỏ hoang đất đồi nay đã tích cực chuyển đổi sang loại cây có giá trị kinh tế cao này. Cùng với đó là những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước như: Chương trình 135 (Quyết định số 135/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình phát triển Kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa); Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo.

hoa-man-moc-chau-4-1675611147129.jpg
Du khách đổ về Sơn La để chiêm ngưỡng mùa hoa mận nở rộ. Ảnh: Toàn Vũ

Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Sơn La đã giảm mạnh từ 21,66% năm 2021 xuống còn 11,11% cuối năm 2024, đạt chỉ tiêu. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số cũng giảm ấn tượng, từ 21,34% xuống còn 10,9% vào cuối năm 2024...

Không chỉ mang lại thu nhập cho người trồng, cây mận hậu còn tạo ra hàng nghìn việc làm thời vụ mỗi mùa thu hoạch. Hằng năm, các hợp tác xã cần huy động hàng chục nghìn lao động địa phương tham gia các công đoạn như: hái quả, phân loại và đóng gói. Nhờ đó, người lao động có thêm thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống.

Bên cạnh giá trị về kinh tế và giảm nghèo, mận hậu còn mở ra một hướng đi mới trong phát triển du lịch nông nghiệp. Vào mùa mận chín, những thung lũng rợp màu hoa trắng hay bạt ngàn quả chín đỏ thu hút hàng vạn lượt khách du khách đổ về Sơn La. Du khách không chỉ được trải nghiệm hái mận, chụp ảnh giữa vườn cây, mà còn được tìm hiểu nét văn hóa của đồng bào các dân tộc bản địa, thưởng thức đặc sản và nghỉ dưỡng tại homestay trong bản làng.

Những mô hình du lịch kết hợp với sản xuất nông nghiệp như vậy đang trở thành xu hướng phát triển kinh tế tổng hợp hiệu quả. Không chỉ giúp tiêu thụ mận tại chỗ, quảng bá sản phẩm, mà còn tạo thêm việc làm và tăng nguồn thu cho người dân. Qua đó, góp phần xây dựng hình ảnh Sơn La là điểm đến xanh, thân thiện, giàu bản sắc và hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Kinh nghiệm hay - cách làm tốt Mận hậu - cây thoát nghèo của người dân Sơn La
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO