Với quy mô nền kinh tế, dân số ngày càng lớn, tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh, môi trường ở nước ta đã và đang chịu áp lực lớn cả về số lượng, quy mô và mức độ tác động.
Ðáng lo ngại, tình trạng ô nhiễm môi trường đang diễn biến phức tạp, lượng chất thải được thải ra môi trường ngày càng gia tăng; công tác quản lý rác thải sinh hoạt còn nhiều hạn chế, phần lớn được xử lý theo hình thức chôn lấp; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được tái chế tại các cơ sở xử lý chưa cao.
Chia sẻ tại tọa đàm, Viện trưởng Viện Công nghệ VinIT GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ cho biết, hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai các công nghệ tiên tiến về xử lý rác thải rắn. Quá trình này cần tuân theo những nguyên tắc, trong đó ưu tiên công nghệ đã được kiểm chứng trong nước và nước ngoài.
Hiện có 5 nhóm công nghệ chủ chốt thế giới đang dùng:
Thứ nhất là công nghệ chôn lấp. Công nghệ này không đơn thuần là đào hố lên để chôn xuống, bởi sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Rác thải sinh hoạt khi trộn plastic, trộn rác thải điện tử,.. để trong điều kiện độ ẩm nhất định sẽ sinh ra nước rỉ rác. Nước rỉ rác là một phản ứng hóa học độc hại, theo thời gian ngấm vào đất và nước và tồn tại đến hàng trăm năm. Do đó, khi chôn lấp phải có công nghệ, chứ không đơn thuần đào hố đất để chôn xuống.
Thứ hai là phân vi sinh. Đây là nhóm công nghệ có trên thế giới, nhưng thực tế không sử dụng được. Bởi để làm phân vi sinh cần phân loại rác triệt để, gần như 100%. Đồng thời chỉ có thể sử dụng chất hữu cơ để làm phân vi sinh. Hiện Việt Nam chưa đủ điều kiện để sử dụng công nghệ vi sinh làm phân, và tỷ lệ này trên thế giới cũng vô cùng hạn hẹp.
Thứ ba là công nghệ đốt. Đây là nhóm vô cùng phổ biến, hàng loạt doanh nghiệp tại Việt Nam và thế giới đang sử dụng. Công nghệ đốt có nhiều loại kỹ thuật, công nghệ khác nhau. Công nghệ đốt là công nghệ không an toàn. Các nước phát triển như Đức, Na-uy, Đan Mạch có thể làm công nghệ đốt và thậm chí xây dựng nhà máy trong khu dân cư, bởi họ phân loại rác thải đầu nguồn rất tốt. Hệ thống công nghệ đảm bảo quy trình nghiêm ngặt; hệ thống lò đốt; hệ thống lọc cũng được đầu tư bài bản.
Sử dụng công nghệ đốt trong điều kiện rác thải Việt Nam hiện nay khó có thể sinh lời cho các nhà đầu tư. Nếu đốt ở nhiệt độ dưới 800 - 850 độ C sẽ sinh ra nhiều khí dioxin và furan, nguy hại hơn là chôn lấp bởi độ phát tán nhanh và rộng. Công nghệ đốt cũng gây tác hại đến không khí, môi trường đất và nước.
"Tôi đã đến trực tiếp các lò đốt ngay ngoại thành Hà Nội. Không hề có hệ thống lọc, khói đen khiến người dân chịu nhiều ảnh hưởng. Do đó, Quốc hội, các bộ, ban ngành cần đặc biệt lưu tâm đến vấn đề cấp phép, thẩm định, giám sát công nghệ đốt của doanh nghiệp, tránh gây ảnh hưởng đến thế hệ sau", GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ nhấn mạnh.
Thứ 4 là công nghệ hóa khí. Công nghệ này có 2 loại: hóa khí ở nhiệt độ thấp và hóa khí ở nhiệt độ cao. Với rác thải ở Việt Nam, phải đảm bảo môi trường hóa khí ở nhiệt độ cao trên 850 độ C trở lên, nếu không sẽ sinh ra nhiều khí dioxin và furan.
Tuy vậy, rác thải với phản ứng oxy hóa không thể tăng đến mức độ này. Viện Công nghệ VinIT đã thực hiện thí nghiệm đốt rác thải, và chỉ lên đến 600 độ C là cao nhất. Thậm chí khi đốt khí proban (đã được đo ở áp suất khí quyển và liều lượng oxy tương đối) mới chỉ lên được 850 độ C.
"Tuy hóa khí được xếp vào nhóm công nghệ tiên tiến, được nhiều nước hiện đại sử dụng, nhưng khi đưa về Việt Nam vẫn cần được thẩm định kỹ, để khí thải không ảnh hưởng đến môi trường", Viện trưởng Viện Công nghệ VinIT nói.
Thứ 5 là công nghệ Plasma. Công nghệ này dùng các dòng Plasma nhiệt độ thấp, cỡ gần chục nghìn độ để có thể chuyển hóa rác thải từ các phân tử độc hại thành các phân tử đơn giản hơn và tạo ra khí tổng hợp trên máy phát điện. Trên thế giới, đây là nhóm công nghệ tiên tiến nhất ở cấp độ công nghiệp và có thể sử dụng cho 2 nhiệm vụ quan trọng là xử lý rác và tái chế rác. Công nghệ Plasma có thể sử dụng cho các loại rác, kể cả rác thải nguy hại hay rác thải nhiễm kim loại, phóng xạ nặng.
Hiện nay có hai công nghệ lớn là công nghệ khí hóa Plasma dùng để xử lý chủ yếu rác thải giàu cacbon hydro, chất thải rắn sinh hoạt và công nghệ thiêu kết Plasma dùng để xử lý rác thải nguy hại. Viện Công nghệ VinIT đang làm chủ 2 công nghệ này.
Tuy vậy, làm sao để Việt Nam ứng dụng được công nghệ Plasma vẫn là một bài toán lớn. Điều này đòi hỏi sự chung tay của Nhà nước, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các đơn vị xử lý rác thải để Plasma nhanh chóng được sử dụng tại Việt Nam.
Cũng theo Viện trưởng Viện Công nghệ VinIT GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ, từ bối cảnh thế giới đã triển khai các công nghệ tiên tiến về xử lý rác thải rắn, Việt Nam có thể học hỏi được 3 bài học kinh nghiệm.
Đầu tiên, rác thải của Việt Nam là bài toán khó nhất. Việt Nam cần nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện của đất nước.
Thứ hai, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm quốc tế về tổ chức, quản lý và xử lý rác. Cùng một loại rác, cùng một công nghệ nhưng các nhà đầu tư có thể ra kết quả hoàn toàn khác nhau. Nếu các quá trình này được giám sát cẩn thận thì chất lượng sẽ tốt và không ảnh hưởng đến môi trường. Ngược lại, nếu lơ là không theo dõi sẽ gây tác hại rất lớn.
"Cuối cùng, nhà Khoa học - công nghệ, Nhà nước và doanh nghiệp cần bắt tay thực thi tất cả đưa vào thị trường. Trong 3 nhà này, giữ vai trò quan trọng, quyết định thành công chính là doanh nghiệp. Nhà nước, nhà khoa học cũng rất quan trọng, nhưng cần tìm mọi chính sách để đầu tư, tạo cơ chế đặc thù, ưu đãi về thuế để giúp doanh nghiệp tăng tính đột phá", ông Nguyễn Quốc Sỹ cho biết.