Kinh doanh lữ hành có cần điều kiện?
Ngành du lịch đang lấy ý kiến đóng góp để trình Quốc hội sửa Luật Du lịch. Nhiều doanh nghiệp cho rằng nên tiếp tục coi lữ hành là ngành kinh doanh có điều kiện, không nên tháo gỡ hết các ràng buộc như dự thảo Luật sửa đổi.
Lấp lỗ hổng...
![]() |
Luật Du lịch hiện hành quy định một số ràng buộc về kinh doanh lữ hành, đặc biệt quy định khá nghiêm với kinh doanh lữ hành quốc tế, như phải có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, ký quỹ (nhằm để bồi thường cho khách hàng khi gặp sự cố khi đi du lịch và một số vấn đề khác), số lượng hướng dẫn viên có thẻ... Song kinh doanh lữ hành nội địa lại quy định qua loa về điều kiện. Đó cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng kinh doanh lữ hành nội địa khá lộn xộn, không công bằng giữa các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế và nội địa trong suốt thời gian qua.
Cụ thể, Luật quy định doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế phải có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế. Đây là một hình thức để cơ quan có thẩm quyền công nhận việc doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế đã bảo đảm đủ các điều kiện kinh doanh. Nhưng đối với doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa, Luật không quy định về điều kiện cấp phép kinh doanh, không yêu cầu phải có giấy phép và không phải ký quỹ đặt cọc. Thực tế cho thấy, các cơ quan chức năng không thể quản lý được các doanh nghiệp này, thậm chí có trường hợp kinh doanh lữ hành mà không thành lập doanh nghiệp. Vì vậy, để bảo đảm sự công bằng giữa các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, dự thảo Luật Du lịch sửa đổi đã bổ sung đối tượng phải cấp giấy phép kinh doanh lữ hành cũng như các quy định cụ thể liên quan đến việc cấp, sử dụng giấy phép kinh doanh lữ hành.
Ngành du lịch đang trong giai đoạn cuối lấy ý kiến về sửa Luật Du lịch. Dự kiến, đầu tháng 11.2015, Quốc hội sẽ nghe và cho ý kiến về việc sửa luật này. Đến kỳ họp vào tháng 5.2017, Luật sẽ được thông qua và có hiệu lực từ đầu năm 2018. |
Theo đó, dự luật nghiêm cấm hành vi kinh doanh lữ hành mà không có giấy phép kinh doanh lữ hành, không có đăng ký kinh doanh hoặc kinh doanh không đúng ngành, nghề, phạm vi kinh doanh hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động hoặc trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh. Bên cạnh đó, các điều kiện đăng ký kinh doanh du lịch cũng trở nên đơn giản hơn, không cần trình độ, chuyên môn nghiệp vụ về du lịch cũng như không cần phải có tối thiểu 3 hướng dẫn viên quốc tế đới với các công ty lữ hành quốc tế (tại Khoản 1 Điều 30).
|
Có cần điều kiện?
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng nên tiếp tục coi lữ hành là ngành kinh doanh có điều kiện, không nên tháo gỡ hết các ràng buộc như dự thảo luật sửa đổi. Mặc dù, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp của nhiều ngành nghề muốn tháo gỡ hết những ràng buộc về điều kiện kinh doanh để tự do khai sinh, tự do hoạt động. Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, việc đơn giản hóa điều kiện kinh doanh lữ hành không phản ánh được tính chất phức tạp, đa dạng của hoạt động du lịch. Trên thực tế, người phụ trách kinh doanh lữ hành bắt buộc phải có kiến thức sâu rộng về văn hóa, pháp luật, ngoại giao, an ninh, thương mại, có nghĩa kinh doanh du lịch là gắn liền với bảo vệ hình ảnh đất nước. Do vậy, việc kinh doanh lữ hành cần có những quy định rõ về trình độ của người phụ trách kinh doanh lữ hành, chẳng hạn như dù không được đào tạo trong ngành du lịch nhưng cần ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm du lịch.
Về phía doanh nghiệp, đại diện Công ty Cổ phần Du lịch Hòa Bình cũng cho rằng, nếu không có quy định chặt chẽ đối với người kinh doanh lữ hành, những bất cập trong quản lý du lịch như hiện nay sẽ khó có thể xóa bỏ. Bởi việc dễ dàng đăng ký kinh doanh du lịch khiến ai cũng có thể làm được sẽ không bảo đảm chất lượng và người kinh doanh sẽ chỉ chạy theo lợi nhuận. Thực tế cũng cho thấy, nếu cá nhân cũng có thể đứng ra tổ chức tour sẽ khó nâng cao chất lượng theo hướng chuyên nghiệp hóa; hoặc một số công ty hoạt động chụp giật, để xảy ra những vụ việc ảnh hưởng đến khách du lịch cũng như hình ảnh du lịch nói chung...
Đại diện Công ty Du lịch Sài Gòn cũng cho rằng, không nên coi doanh nghiệp lữ hành nói chung và doanh nghiệp lữ hành quốc tế nói riêng được thành lập như những doanh nghiệp các ngành nghề khác mà nên tiếp tục coi lữ hành là ngành kinh doanh có điều kiện. Thậm chí, với những công ty đăng ký chuyên về một thị trường nào đó còn cần thêm những yêu cầu bắt buộc, chẳng hạn như về số lượng hướng dẫn viên đủ chuẩn để phục vụ cho thị trường đó nhằm bảo đảm chất lượng hoạt động.
Thực tế, trong những cuộc họp đóng góp ý kiến để sửa đổi Luật Du lịch cũng như hội thảo bàn giải pháp để ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhiều doanh nghiệp cho rằng, doanh nghiệp muốn mạnh thì phải được tự do kinh doanh. Nhưng việc này cũng phải có ràng buộc để sàng lọc những doanh nghiệp làm ăn không đàng hoàng.