Kim Jong-il đã thực sự cần người kế nhiệm chưa?

Quốc Đạt 08/06/2009 00:00

Thông tin về một nhân vật kế nhiệm Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il đã được các hãng thông tấn nước ngoài đề cập từ mùa hè năm ngoái, khi nhà lãnh đạo này trải qua cơn đột quỵ và vắng bóng trên chính trường một thời gian dài. Những ngày vừa qua, thông tin này một lần nữa lại được đề cập rầm rộ. Tuy nhiên, liệu ông Kim Jong-il đã thực sự cần một người kế nhiệm chưa, hay việc hé lộ về thế hệ lãnh đạo thứ 3 của triều đại Kim chỉ là một quân bài?

08-Kim-Jong-15909-300.jpg

Thông tin về người kế nhiệm nhà lãnh đạo Kim được đưa ra từ nguồn tin Hàn Quốc. Những tờ báo ở Seoul đã bắt đầu đăng tải thông tin này từ hôm 2.6, trích nguồn tin từ cơ quan tình báo của họ khẳng định Kim Jong-un, người con trai út của ông Kim Jong-il, nhiều khả năng được chọn để kế tục sự nghiệp của người cha. Bản thân nhà lãnh đạo Kim Jong-il cũng thừa kế chiếc “ngai” từ cha của ông là Kim Il-sung vào năm 1994, khi ông Kim Il-sung qua đời.

Trên thực tế, không một thông tin tình báo chính thức nào về đời tư và gia đình của Chủ tịch Kim Jong-il được công bố công khai tại CHDCND Triều Tiên. Đó là một điều cấm kỵ. Ngày 2.6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng: “Chúng tôi thực sự không biết điều gì đang diễn ra bên trong đất nước này, liên quan đến tiến trình chuyển giao quyền lực”. Người ta vẫn chưa rõ tiến trình kế nhiệm đang ở trong giai đoạn nào. Victor Cha, một cố vấn cấp cao về Châu Á trong Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ nói: “Khi nhìn thấy khói, người ta muốn biết đám cháy mới bắt đầu hay đám cháy đã lụi”. Chính vì thế, khi các nước cố tìm hiểu về tương lai của ban lãnh đạo Bắc Triều Tiên, họ tìm thấy nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời. Đây cũng là một điểm lợi thế mà cả Nhà lãnh đạo Kim Jong-il lẫn quốc gia láng giềng Hàn Quốc rất biết sử dụng để “tung hỏa mù”.

Theo nguồn tin từ Hàn Quốc, người con trai út Kim Jong-un cùng với người anh trai thứ Kim Jong-chul và người em gái Kim Hye-gyong năm nay 22 tuổi, đều theo học một trường đại học ở Berne, Thụy Sỹ. Nhưng bản thân Kim Jong-un lại gặp không ít vấn đề về sức khỏe, đó là bệnh cao huyết áp và bệnh béo phì. Vậy thì tại sao vấn đề người kế nhiệm lại được đề cập rầm rộ như vậy trong những ngày qua?

Đối với CHDCND Triều Tiên, có vẻ như Bình Nhưỡng cố tình tung ra những thông tin trên nhằm thăm dò phản ứng của cộng đồng quốc tế và của quốc gia láng giềng phía Nam. Cần phải đặt chủ đề về người “nối dõi ở CHDCND Triều Tiên” trong bối cảnh quốc gia này vừa tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ hai hôm 25.5 vừa qua và đang chuẩn bị cho kế hoạch phóng tên lửa tầm xa từ 1.300-6.000km, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân; trong bối cảnh Hội đồng Bảo an LHQ đang ráo riết tiến hành các cuộc thương lượång nhằm tìm kiếm một nghị quyết trừng phạt mới nhằm vào “những hành động khiêu khích” từ Bình Nhuỡng; trong bối cảnh Triều Tiên tuyên bố kiên quyết theo đuổi “sức mạnh răn đe” của mình. Trong một bối cảnh phức tạp như vậy, việc xuất hiện thông tin về người kế nhiệm sẽ là lời khẳng định về tiến trình chuyển giao quyền lực êm thấm ở quốc gia này và cùng với đó, sẽ là một chính sách đối ngoại có phần nhất quán. Đây sẽ là lời cảnh báo buộc cộng đồng quốc tế phải cân nhắc việc có nên tiếp tục các biện pháp trừng phạt hay phải tính đến việc “nói chuyện” nhiều hơn với Triều Tiên.

Đối với Hàn Quốc, thông tin về người kế nhiệm tại Triều Tiên được đưa ra trong lúc cựu Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun vừa qua đời và trong bối cảnh mối quan hệ trên bán đảo Triều Tiên không hề suôn sẻ kể từ khi Tổng thống Lee Myung-bak lên nắm quyền. Cái chết của cố Tổng thống Roh ít nhiều khiến người dân Hàn Quốc nhớ lại những tháng ngày tồn tại hòa bình hiếm hoi mà hai quốc gia từng trải qua trong thời gian ông Roh cầm quyền. Chính vì vậy, Chính quyền hiện nay ở Seoul cần một thông tin mang tính “tích cực”, và Kim Jong-un có vẻ đã đáp ứng được mục tiêu này. Không phải ngẫu nhiên mà các hãng thông tấn Hàn Quốc chỉ nói về “các điểm tích cực” của vị thái tử của dòng họ Kim thế hệ thứ ba - “một nhân vật trẻ tuổi, được đào tạo ở nước ngoài, thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp…”. Những nhân tố này cho cảm giác về một thế hệ lãnh đạo mới, được đào tạo trong một môi trường phương Tây, có vẻ cởi mở hơn, và chúng mang lại hy vọng cho người Hàn Quốc.

Trên thực tế, chừng nào Kim Jong-un chưa được báo chí đề cập đến như là một trong những nhân vật tháp tùng người cha trong những chuyến thị sát trong nước, thì còn quá sớm để khẳng định ai là người kế nhiệm. Vụ đột quỵ của nhà lãnh đạo họ Kim hồi tháng 8 năm ngoái và việc báo chí phương Tây liên tục đưa tin về sự vắng bóng của ông trên chính trường càng khiến thông tin về người kế nhiệm trở nên hợp lý. Nhưng có vẻ như trên thực tế, Kim Jong-il vẫn chưa thực sự muốn truyền ngôi. Tất cả những động thái trên vừa qua có thể đều nằm trong ý đồ của Bình Nhưỡng và điều đó phần nào được Hàn Quốc sử dụng để phục vụ cho mục đích của riêng họ.

Theo RIA Novosti

    Nổi bật
        Mới nhất
        Kim Jong-il đã thực sự cần người kế nhiệm chưa?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO