Kim chỉ nam trong hoạch định chính sách

- Thứ Năm, 10/06/2021, 08:17 - Chia sẻ
Một trong những yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Bộ Tài chính thời gian tới là “thiết kế chính sách phải lấy ý kiến đối tượng chịu tác động; đánh giá, dự báo những tác động, ảnh hưởng, chú ý lắng nghe ý kiến phản biện có tính xây dựng và tâm huyết”... Đại diện doanh nghiệp và giới chuyên gia cho rằng, đây cần được coi là kim chỉ nam trong quá trình hoạch định chính sách nói chung và chính sách tài khóa nói riêng nhằm giúp doanh nghiệp trụ vững trước những làn sóng Covid-19 liên tiếp ập đến.
Hỗ trợ tốt nhất với doanh nghiệp là không làm phát sinh thêm các chi phí mới

Ảnh: Hoàng Phong 

Doanh nghiệp suy kiệt dòng tiền

Số liệu của Tổng cục Thống kê trong tháng 5.2021 cho thấy, tháng đầu tiên của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, cả nước có 11,6 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 22% so với tháng 4.2021. Cũng trong tháng này, có 3.400 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 4.234 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 37,3% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đánh giá của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, khó khăn chung của rất nhiều doanh nghiệp hiện nay là mất cân đối dòng tiền. Hiện tượng này bắt đầu nảy sinh từ khi Covid-19 xuất hiện và ngày càng trầm trọng.

“Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 này rất nguy hiểm, đánh vào 2 cơ sở mà Chính phủ vẫn luôn cố giữ vững thời gian qua là cơ sở y tế và khu công nghiệp. Chi phí doanh nghiệp bị đội lên rất nhiều do phải bảo đảm cả các khoản chi phòng, chống dịch và vận hành doanh nghiệp”, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban IV cho biết.

Các nhà máy và doanh nghiệp phải chi trả số tiền không nhỏ cho các chi phí phát sinh liên quan tới phòng, chống dịch Covid-19 như xét nghiệm cho nhân viên, tổ chức khu cách ly dã chiến, tái cấu trúc các cung đường vận chuyển hàng hóa... Riêng chi phí xét nghiệm nCoV RT-PCR khoảng 700 - 800 nghìn đồng (35 USD) một lần, với những doanh nghiệp có hàng nghìn lao động như điện tử, dệt may…, riêng chi phí xét nghiệm đã lên tới hàng tỷ đồng mỗi lượt.

Bên cạnh đó, toàn bộ doanh nghiệp có hoạt động xuất - nhập khẩu và dịch vụ vẫn đang đối mặt với tình trạng thiếu vỏ container và tàu biển nghiêm trọng do ảnh hưởng dịch trên phạm vi toàn cầu, dẫn tới giá thành tăng rất cao mà thời gian quay vòng tàu và vỏ container lại kéo dài gấp nhiều lần so với trước.

Đáng chú ý, tổng hợp báo cáo của các hiệp hội doanh nghiệp gửi về Ban IV cho thấy, nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nỗi lo “hụt hơi” do tăng phí theo quy định mới hoặc các yêu cầu trang bị phương tiện kỹ thuật mới làm phát sinh số tiền khá lớn trong khi doanh nghiệp đã cạn kiệt dòng tiền.

Ví dụ, các Hiệp hội: Dệt may Việt Nam, Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam… lo ngại việc TP. Hồ Chí Minh thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng cảng biển trên địa bàn từ ngày 1.7.2021. Hoặc, 1.7 tới cũng là hạn chót doanh nghiệp phải lắp đặt camera trên các xe ô tô kinh doanh vận tải và đầu tư hệ thống công nghệ thông tin để tổng hợp, truyền tải dữ liệu cho cơ quan quản lý. Hiện nay doanh nghiệp phải gánh chịu rất nhiều loại chi phí khác nhau. Thêm những chi phí này chắc chắn doanh nghiệp sẽ càng khó khăn, nhất là khi đang gánh chịu những tác động nặng nề của dịch Covid-19.

Đánh giá kỹ tác động chính sách

Suốt hơn một năm nay, Chính phủ kiên trì với mục tiêu kép - vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - và đã đạt được thành công nhất định. Tuy nhiên, đợt dịch này với những diễn biến phức tạp và khó lường hơn hẳn các đợt trước cho thấy khả năng đạt được mục tiêu kép khó khăn hơn rất nhiều, nhất là khi mọi nguồn lực của doanh nghiệp đã bị bào mòn. Dù vậy, vừa chống dịch vừa phải phát triển kinh tế là lựa chọn đúng đắn, là lối thoát duy nhất có thể đưa nước ta trụ vững trong cơn bão Covid-19.

Ở thời điểm hiện tại, “yếu tố quan trọng nhất để đạt được mục tiêu kép là phải có cách thức chống dịch hiệu quả và Chính phủ cần tiếp tục các giải pháp để hỗ trợ nền kinh tế, gia tăng độ bao phủ và hiệu quả của các giải pháp để hồi sức nền kinh tế, duy trì và thích ứng với giai đoạn mới”, PGS. TS. Tô Trung Thành, Đại học Kinh tế Quốc dân nói.

Giám đốc điều hành Văn phòng Ban IV Phạm Thị Ngọc Thủy nhấn mạnh, khó khăn chung của rất nhiều doanh nghiệp hiện nay là mất cân đối dòng tiền, vì vậy Chính phủ cần tiếp tục có các chính sách tiết giảm chi phí và không làm phát sinh chi phí mới cho doanh nghiệp.

Chia sẻ quan điểm trên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam Lê Duy Hiệp cho rằng vào thời điểm này, “hỗ trợ tốt nhất với doanh nghiệp là không làm phát sinh các chi phí mới”. Điều này cũng hàm nghĩa, “trước khi ban hành chính sách mới, nhất là các chính sách về thuế, phí, các cơ quan liên quan cần đánh giá tác động chính sách kỹ lưỡng, toàn diện và lấy ý kiến rộng rãi những đối tượng chịu sự điều chỉnh”, ông Hiệp đề xuất.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 119/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Bộ Tài chính ngày 29.4. Trong đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính trong thời gian tới, thiết kế chính sách phải lấy ý kiến đối tượng chịu tác động; đánh giá, dự báo những tác động, ảnh hưởng, chú ý lắng nghe ý kiến phản biện có tính xây dựng và tâm huyết... Đại diện doanh nghiệp cho rằng, đây phải được coi là “kim chỉ nam” trong quá trình hoạch định chính sách nói chung và chính sách tài khóa nói riêng để giúp doanh nghiệp trụ vững sau những làn sóng Covid-19 liên tiếp.

Trên diễn đàn Quốc hội, các ĐBQH nhiều lần khẳng định việc một chính sách được mổ xẻ kỹ lưỡng, được thảo luận rộng rãi bởi các bên liên quan sẽ giúp cải thiện chất lượng hoạch định và thực thi chính sách. Chất lượng chính sách tốt hơn không chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt mà còn đưa nền kinh tế vào quỹ đạo tăng trưởng bền vững.

Theo bà Đỗ Thị Lan, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề Xã hội, thời gian qua có tình trạng luật ban hành nhưng tính khả thi chưa cao. Điều này có nguyên nhân từ việc chưa đánh giá đủ tác động của chính sách và thời gian gấp nên việc lấy ý kiến thẩm định dự án luật chưa kỹ lưỡng. “Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chức năng chủ trì soạn thảo, thực hiện nghiêm các quy định của Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm chất lượng, tiến độ của các dự án trước khi trình Quốc hội”, bà Lan đề xuất.

“Chính phủ cần quan tâm nhiều tới sự công khai, minh bạch các chính sách; phải nâng cao chất lượng xây dựng luật trên cơ sở đánh giá tác động chính sách thật kỹ và tăng tính chuyên nghiệp trong soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật”, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đề xuất.

Tại Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội Khóa XIV vào tháng 3 vừa qua, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện cũng đề xuất Thủ tướng hết sức cẩn trọng, cân nhắc việc đề xuất chính sách, dự án luật của các bộ, ngành. Theo ông, Thủ tướng cần chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, ĐBQH tâm huyết, có trình độ và các nhà khoa học để nghiên cứu khách quan, toàn diện nội dung và tác động của các chính sách đó, tránh tình trạng trình hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật không thuyết phục, tạo bất ổn cho xã hội.

 ____________

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị Quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Đ.Thanh - H.Lan