Kiều diễm và tự nhiên
Trong ký ức của khán giả thuộc nhiều lứa tuổi, vẫn còn mới nguyên hai tác phẩm điện ảnh Xô Viết chứa đầy chất phiêu lưu, lãng mạn – Cánh buồm đỏ thắm và Người cá. Cả hai bộ phim đều như được làm cho đối tượng tuổi mới lớn, để họ thưởng thức, rồi lưu lại trong tâm tưởng suốt đến sau này...

Cánh buồm đỏ thắm là diễn biến tâm lý của một thiếu nữ mới lớn mong đợi một chàng hoàng tử dong buồm đến đón mình. Còn Người cá kể về mối tình ngang trái của nàng Gutiere Baltazar. Là con một người thợ lặn nghèo khó chuyên sống bằng nghề mò ngọc trai, cô gái nổi tiếng xinh đẹp và trong trắng này bị nhiều kẻ giàu có, trong đó có cả tướng cướp biển, chủ tàu... săn đuổi, song nàng lại phải lòng Ichtyandr Salvator – con trai một nhà bác học ẩn dật, nhờ phẫu thuật đã có khả năng sống và thở dưới nước không thua loài cá... Cốt truyện ly kỳ, cảnh quan ngoạn mục và diễn xuất tuyệt vời của nữ diễn viên không chuyên Anastasia Vertinskaya đã giúp bộ phim Người cá đạt kỷ lục năm 1962 với 65,5 triệu lượt người xem.
Có cha là nhạc sỹ - danh ca Alezandre Vertinsky, mẹ là họa sỹ, diễn viên từng sống nhiều năm ở Pháp, Anastasia Vertinskaya (sinh ngày 19.12.1944) được coi là đại biểu của một triều đại nghệ thuật danh giá. Là một cô gái tinh tế, ham tìm tòi và có cá tính mạnh, Vertinskaya hầu như là nữ diễn viên Nga duy nhất có thể được phong danh hiệu ngôi sao mà không cần băn khoăn gì. Hơn ba chục năm hoạt động điện ảnh, sân khấu, nữ nghệ sỹ đã sáng tạo nên hàng chục vai diễn để đời.
Xuất hiện trên màn ảnh lần đầu tiên với vai Assol, một thiếu nữ giàu mơ mộng, trong bộ phim Cánh buồm đỏ thắm (1961) do Alexandre Ptushko dựng theo cuốn truyện nổi tiếng của Alexandre Grin, ngay năm sau, Anastasia Vertinskaya lại lộng lẫy trong vai nàng Gutiere Baltazar trong bộ phim Người cá (1962) dựng theo thiên truyện khoa học viễn tưởng của Alexandre Belayev. Phải đến khi đó, nữ diễn viên trẻ đẹp 18 tuổi mới lọt vào mắt xanh của đạo diễn Grigory Kozinsev và được chọn vào vai nàng Ophelia, nữ nhân vật chính cho bộ phim chuyển thể từ vở kịch kinh điển Hamlet (1964). Một năm sau, trong một bài giảng về nghề đạo diễn, Kozinsev đã phải thốt lên: “Ở cái tuổi lý tưởng 18 xuân xanh, Anastasia Vertinskaya có tất cả các yếu tố ngoại hình phù hợp với nhân vật của Shakespeare: Mảnh mai, trong sáng, rạng rỡ, như hiện lên từ những bức chân dung của thời Phục hưng. Song, nói cho công bằng, hàm lượng tinh thần của cô vẫn chưa lớn lao đến thế, có thể là do cô gặp trắc trở trong cuộc sống và tinh thần đang bị phân tán, nên khi bắt tay làm việc với cô, tạng tâm hồn đó còn gầy gò, phải bồi đắp thêm cho thành hình tượng. Đôi tay, cái cổ, bước đi dáng đứng... mọi chuyện đều tốt đẹp cả, nhưng riêng trái tim lại không hòa nhịp với nhân vật - ấy cũng là chuyện thường tình”... Chính Anastasia Vertinskaya cũng tâm sự rằng: Có một vai như Ophelia thì đúng là diễn xong có thể an tâm chết được. Nếu như diễn viên mới chỉ 18-19 tuổi, hẳn phải sống, phải làm việc hàng ngày thì mới chứng tỏ được rằng phép lạ cũng chẳng phải là phép lạ, và ta có thể trở thành diễn viên thực thụ.

Sau vai diễn đó, Vertinskaya mới tự phát hiện một điều: Cô cũng muốn trở thành một diễn viên. Cô sinh viên trường nghệ thuật sân khấu mang tên B. V. Schukin khi đó cũng không ngờ rồi mình sẽ trở thành diễn viên dính dáng nhiều nhất đến văn học. Cô vào vai Liza Bolkonsky trong bộ phim sử thi Chiến tranh và hòa bình (1966-1967) của Sergey Bondarchuk, trước điều kiện khắt khe của đạo diễn: Phải biến một người phụ nữ quý tộc nhỏ bé thành một hình tượng bi kịch! Đây là vợ của hoàng tử Andrey, nhưng hai người không đi cùng đường và về sau nàng phải chết, khiến cho hoàng tử Andrey luôn luôn bị ám ảnh bởi câu hỏi: “Vì sao? Vì đâu mà một con người như nàng phải chết?”. Có lẽ, Tolstoy đã sáng suốt cảnh báo người đời, để đừng phạm phải một sai lầm chết người là không biết phát hiện và đón nhận tình yêu của những người xung quanh mình!
Tiếp theo nàng Liza, Vertinskaya tham gia phim Anna Karenyna (1968) với vai nàng Katya và tạo nên hình tượng người phụ nữ Nga mang thai tuyệt hảo. Về sau, nữ nghệ sỹ thổ lộ: Trong tất cả các vai diễn, thì “vai” người giáo dưỡng đứa con trai ruột thịt của mình là quan trọng nhất trong cả cuộc đời: Tôi cố gắng lái con trai mình theo hướng yêu lao động, đồng thời thường xuyên kích thích mối quan tâm của con đối với văn học và nghệ thuật. Nữ nghệ sỹ sắc nước hương trời và đầy đủ tri thức phải qua hai lần đò: Lần đầu tiên – với đạo diễn điện ảnh nổi tiếng Nikita Mikhalkov, sinh được một người con trai (Stepan Mikhalkov, một nhà sản xuất điện ảnh) và lần sau – với nhạc sỹ kiêm ca sỹ Alexandre Gradsky.
Từ năm 1968, Anastasia Vertinskaya là nữ diễn viên chủ chốt của các nhà hát nổi tiếng ở Moskva mang tên Pushkin, Vakhtangov, Người đồng thời, và suốt thập niên 1980 – của nhà hát kịch và hài kịch Taganka, MXAT, để lại ấn tượng không phai mờ về Nina Zarechnaya (trong Hải âu của A. P. Chekhov), Liza (Thi thể sống của Lev Tolstoy), Elmire (trong Tartuffe của lièr), Dothy (của Tennessee Williams), những nữ nhân vật chính trong các vở kịch Nga hiện đại Bình yên chỉ thấy trong mơ, Đêm thứ 12, Valentin và Valentina, đặc biệt là hai vai diễn song hành - Prospero và Ariel - trong vở kịch thể nghiệm Giông tố của Shakespeare. Trên cả màn hình lẫn sân khấu, chị đã thể hiện hình tượng nữ nhân vật của những tác phẩm văn học thuộc những hình thái và thể loại, những tác giả hết sức khác nhau về thời đại và khuynh hướng. Đạo diễn kiệt xuất Anatolya Efros đã phải thốt lên khi nói về chị: “Về hình thể - thật là tự nhiên; Những đường nét nghệ sỹ kiều diễm như vậy - có lúc, ngỡ như không tưởng tượng nổi!”. Năm 1989, kỷ niệm 100 năm sinh của cha mình, chị còn cho khán giả Nga thưởng thức một tác phẩm độc đáo nữa: Vở kịch Ảo ảnh, hay là Con đường của Piero người Nga, do chính chị viết kịch bản (dựa theo cuốn Hồi ký của Alexandre Verchinsky) và dàn dựng. Ngoài ra, nữ nghệ sỹ còn tham gia đóng hàng loạt phim: Những người tình, Đừng đau khổ, Chú Benjamin của tôi (1969), Chuyện của Polynyn (1971), Con người ở vị trí của mình, rồi đồng thời nhập vai trong hai bộ phim Người đi trước thời đại và Cái bóng. Năm 1978, chị vào vai chính cho bộ phim truyền hình Ngôi sao không tên dựng theo vở kịch cùng tên của nhà văn Rumania Mihail Sebatianu và năm 1980 – vai Jemma, cùng với diễn viên nam mới vào nghề Andrey Kharitonov (vai Arthur) trong bộ phim truyền hình nhiều tập Ruồi Trâu. Hơn 10 năm sau, nữ nghệ sỹ tái ngộ bạn diễn cũ – Andrey Kharitonov, nhưng lúc này đã ở cương vị đạo diễn, trong bộ phim Khát một niềm yêu (1991), làm nên hình tượng một nhân vật nữ say mê và mãnh liệt trong khuôn khổ một gia đình phong kiến thủ cựu. Năm 1988, nữ nghệ sỹ đồng thời xuất hiện trong hai bộ phim Hãy đón chờ Don Quixote với Sancho và Những cuộc phiêu lưu mới của người Mỹ trong cung vua Arthur – phóng tác theo chủ đề của Mark Twain, nơi nữ nghệ sỹ tài danh thể hiện khả năng diễn những vai phản diện. Trong những vai diễn gần đây nhất, Vertinskaya sắm vai Margarita trong bộ phim Nghệ nhân và Margarita (1994, đạo diễn Yu. Kara, dựa theo tiểu thuyết bất hủ của Mikhail Bulgakov) và vai nữ thủ lĩnh trong Những nhạc sỹ thành Bremen (1999). Bên cạnh hoạt động biểu diễn, bà còn tham gia giảng dạy cho các khóa đào tạo diễn viên của nhiều trường trên thế giới: Oxford, Paris, Thụy Sỹ... Tại nhà hát Nanterre des Amandiers, Paris, bà cùng các sinh viên của mình dàn dựng vở Chekhov - Hồi thứ Ba, trong đó lồng ghép các hồi thứ ba của ba vở kịch cổ điển Cậu Vanya, Ba chị em và Vườn anh đào mà vẫn toát lên tính thời sự.
Những năm gần đây, nữ nghệ sỹ hiếm khi xuất hiện trên sân khấu và màn ảnh – bà muốn làm người sáng tạo trong chính cuộc sống, và đã đứng ra thành lập Quỹ Từ thiện cho các nghệ sỹ từ năm 1991, khi nghệ thuật sân khấu Nga lâm vào cảnh tối đèn. Chính Quỹ này đã góp phần trợ giúp các nghệ sỹ về già gặp khó khăn, nghệ sỹ trẻ cần thực hiện sáng kiến, các đoàn nghệ thuật của người khiếm thị và trẻ em khuyết tật, hỗ trợ các nhà bảo tàng Boris Pasternak, Chekhov và Thư viện Nghệ thuật Nga... Với những nghệ thuật mới mẻ, Anastasia Vertinskaya cũng cập nhật kịp thời: Bà trực tiếp thiết lập mối quan hệ hợp tác Nga – Pháp thực hiện bộ đĩa CD ghi âm những ca khúc của cha mình – Alezandre Vertinsky, Những bản tình ca và Những huyền thoại thế kỷ. Ngoài ra, Anastasia Vertinskaya cũng chính là tác giả của hai chương trình truyền hình nổi tiếng Lát cắt vàng và Những bờ bến khác thường xuyên phát sóng trên kênh OTR.
Đăng Bẩy