Kiến trúc Pháp ở Đà Lạt
Những cảm nhận về Đà Lạt thật phong phú với nhiều sắc màu: “thành phố lãng mạn”, “thành phố của mùa xuân vĩnh cửu”, “Paris nhỏ”, “vườn hoa”… Cho đến nay, Đà Lạt vẫn lưu giữ tất cả vẻ quyến rũ vốn có lâu đời, với khí hậu mát mẻ, phong cảnh nên thơ và đặc biệt là các công trình kiến trúc kiểu Pháp. Xin giới thiệu bài viết của kiến trúc sư người Pháp Daniel Claris.

Đến thăm Đà Lạt và vùng núi lân cận ở độ cao 1.500m so với mực nước biển, con người muốn tìm kiếm vẻ lộng lẫy có sức xoa dịu lòng người. Đi dọc theo những hồ nước, tiếng thác chảy và những cơn gió thoảng qua khiến người ta phấn khích. Du khách đi dạo để tận hưởng cảm giác mênh mông trong một không gian rộng lớn, nhưng cũng để chiêm ngưỡng vẻ đẹp nên thơ nơi đây. Không chỉ có Thung lũng tình yêu và Đồi Mộng mơ, du khách bắt gặp những công trình kiến trúc nên thơ, đẹp và bí ẩn của cung điện, khách sạn, nhà ga, chợ và những tòa biệt thự phong cách Pháp ẩn dưới những hàng thông.
Pháp đã mang đến Đà Lạt phong cách của mình, sáng tạo ra những công trình có mặt ở hầu khắp thành phố nên thơ này: nơi nghỉ hè của Vua Bảo Đại, biệt thự đẹp màu đất son vàng mang phong cách những năm 1930, ga màu vàng, một bản sao nguyên bản của thành phố Deauville, nhà thờ hoa hồng…cũng như nhiều công trình chứa đựng kỹ thuật và tập quán Pháp. Ở đất nước có lối kiến trúc dựa trên vật liệu tre, gỗ, gạch và ngói như Việt Nam, người ta phát hiện ximăng cốt thép, kim loại và thủy tinh mang hơi hướng phương Tây. Những kiểu nhà dân Pháp với ống khói xinh xắn, các vòm cửa sổ xây kiểu biệt thự, mái nhà kiểu địa phương, ban công đối xứng có những ô cửa kính rộng. Những chi tiết đó là kiểu kiến trúc phỏng theo kiến trúc châu âu xu hướng cổ điển mới thế kỷ XIX và nghệ thuật trang trí thế kỷ XX. Đó là kiểu kiến trúc mang nỗi nhớ quê hương được tái tạo ở một thành phố nhỏ mang dáng vẻ thanh bình của nước Pháp. Một kiểu kiến trúc đã rất hài hòa với phong cảnh và khí hậu nơi đây, điển hình của một vùng đất, một nền văn hóa và một lịch sử.

Nghệ thuật xây dựng của Pháp đã thực sự hài hòa với vẻ yên bình của nhịp sống Đà Lạt. Người Việt Nam đã kết hợp phong cách kiến trúc Pháp, phát triển phong cách đó để nó trở thành một chuẩn mực sống lý tưởng và dễ chịu nhất. Kiến trúc Pháp đã được người Việt thẩm thấu, hòa nhập và biến đổi để thành tài sản riêng của mình, chứ không còn là sự “chịu đựng”. Nước Pháp đã để lại một hình ảnh kiến trúc đẹp đẽ trong hàng loạt các khu nhà, một hình ảnh văn hóa, một cách sống chứ không còn là sự ‘thống trị”. Ngày nay, sự pha trộn giữa 2 kiểu kiến trúc Á - Âu và cả hai lối sống đã tạo nên một di sản kiến trúc giàu có ở đây. Đà Lạt giàu có bởi một hình ảnh kiến trúc đặc trưng ở Việt Nam và thế giới. Thành phố không chỉ để ngắm mà còn để sống. Thành phố cần phát triển và làm giàu hơn nữa.

Vì vậy, mục tiêu trong tương lai là phát triển song song với việc gìn giữ hình ảnh, nét duyên dáng và lãng mạn, tạo nên nét riêng có của Đà Lạt. Chúng ta cần duy trì sự hài hòa của di sản thiên nhiên này trong quá trình đô thị hóa, đáp ứng những đòi hỏi của mật độ dân số tăng cũng như chất lượng quy hoạch thành phố. Phát triển kinh tế nên tôn trọng những giá trị của Đà lạt và như thế tức là phát triển mà không làm tổn thương “tâm hồn” Đà lạt.
Hảo Anh dịch