Tọa đàm diễn ra sáng 27.12, tại Hà Nội, do Viện Phong thủy khoa học toàn cầu tổ chức, nhằm kết nối chuyên gia, các nhà khoa học bàn về ý nghĩa văn hóa và xã hội của kiến trúc nhà thờ họ trong các vùng miền, tôn giáo. Từ đó, tìm kiếm giải pháp ứng dụng hiệu quả để phục dựng kiến trúc và phát triển các không gian thờ cúng đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ, tâm linh và tính thực tiễn trong thời đại mới.
Tọa đàm cũng làm nổi bật sự khác biệt trong nghệ thuật kiến trúc, trang trí mỹ thuật giữa các vùng miền, các triều đại lịch sử, tôn giáo (Công giáo, Phật giáo, Cao Đài, Hòa Hảo...).
Theo ThS. Nguyễn Trọng Mạnh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Phong thủy khoa học toàn cầu, kiến trúc nhà thờ họ và không gian thờ cúng tổ tiên của các dòng họ là lĩnh vực nghiên cứu không chỉ gắn liền với văn hóa tín ngưỡng mà còn phản ánh bề dày lịch sử, sự phát triển của kiến trúc truyền thống và bản sắc từng vùng miền trên khắp đất nước. Đây không chỉ là nơi kết nối tâm linh của các thế hệ con cháu trong dòng họ, mà còn là không gian lưu giữ giá trị văn hóa, nghệ thuật và tri thức dân gian.
ThS. Nguyễn Trọng Mạnh cho biết, trong bối cảnh hiện nay, khi xã hội hiện đại hóa và các mô hình sinh sống có nhiều thay đổi, việc bảo tồn và phát huy giá trị của kiến trúc nhà thờ họ, cũng như không gian thờ cúng truyền thống, đang đứng trước nhiều thách thức, đòi hỏi có giải pháp phù hợp để vừa bảo tồn giá trị nguyên bản, vừa đáp ứng nhu cầu thực tiễn của đời sống hiện đại.
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Sử học Việt Nam Dương Trung Quốc nêu ý kiến, trong sự phát triển đa dạng và nhiều chiều hiện nay, khi nghiên cứu phục dựng kiến trúc và phát triển các không gian thờ cúng, cần đưa ra cái hồn của mô thức, cụ thể là cấu trúc của không gian nhà thờ với bộ chữ (hoành phi, câu đối, cửa võng, thượng lương…), gia phả, nghi lễ thờ cúng, đồ lễ thờ cúng, kiến trúc đặc trưng, nghệ thuật mô tuýp trang trí phù hợp...
"Có thể khai thác hình ảnh, tư liệu tại Trung tâm Lưu trữ, trên thực tế nhằm đưa ra giả thuyết, xây dựng hệ thống cho phù hợp với tâm lý, hoàn cảnh sống của con người tại mỗi dòng họ, dân tộc, tôn giáo. Công trình, sản phẩm ra đời cũng cần có giới hạn, có tính thuyết phục", nhà sử học Dương Trung Quốc nói.
Tại tọa đàm, các chuyên gia, các nhà khoa học đã trao đổi, chia sẻ định hướng nghiên cứu, các kết quả đầu ra dự kiến, bao gồm các đặc trưng kiến trúc, chức năng không gian thờ cúng theo các dòng họ cụ thể.
Trưởng khoa Kiến trúc Truyền thống, Trường Đại học Kiến trúc, PGS.TS Khuất Tân Hưng cho rằng, phải xem xét điều kiện phân bố, không thể thực hiện một dạng kiến trúc nhà thờ cho tất cả vùng miền. "Ví dụ, khu vực Tây Bắc là nơi sinh sống của nhiều người Thái, trong khi đó khu vực Đông Bắc lại là địa bàn của người Tày... Việc phân vùng tại các địa phương rất quan trọng. Chúng ta đang phân chia 6 vùng phát triển kinh tế - xã hội, song sự phân chia này khác hoàn toàn với các vùng phát triển văn hóa, bởi nó liên quan đến các tộc người".
Theo PGS.TS Khuất Tân Hưng, từ câu chuyện phân vùng văn hóa các nhà khoa học cần nghiên cứu để xây dựng không gian thờ cúng phù hợp văn hóa các tộc người. Như vùng Trung du và miền núi phía Bắc có đông đảo người Kinh sinh sống, thuộc các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang... Đây cũng là những vùng đan xen các dân tộc. Như vậy, khi tìm hiểu kiến trúc hai vùng sẽ có chung đặc điểm, không thể tách ra được.
Hay ở miền Trung, theo cách phân chia vùng kinh tế - xã hội sẽ gồm Bắc Trung bộ, Tây Nguyên, Nam Trung bộ, kéo dài từ Thanh Hóa, qua Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận. "Chỉ xét văn hóa của các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã có sự khác biệt với các tỉnh bên kia đèo Ngang, đặc biệt là kiến trúc nhà thờ họ, cách tổ chức, bài trí không gian, cách thờ cúng... Hay Tây Nguyên là địa bàn của nhiều đồng bào dân tộc, tuy nhiên người Kinh cũng đang phát triển tại khu vực này và các vùng khác. Do đó, hoàn toàn có thể kế thừa, phát triển các dòng họ lớn của người Kinh tại vùng núi phía Bắc hoặc Tây Nguyên", PGS.TS Khuất Tân Hưng cho hay.
Tại tại tọa đàm, các nhà nghiên cứu cũng trình bày tổng luận về truyền thống thờ cúng dòng họ trong văn hóa Việt Nam; gia phả và điển lễ thờ cúng dòng họ; các dạng thức nhà thờ họ ở Việt Nam. Trong đó, phân chia thành dạng thức nhà thờ các vùng văn hóa, gồm: đồng bằng Bắc bộ, trung du và miền núi phía Bắc, duyên hải Bắc Trung bộ, duyên hải Trung và Nam Trung bộ, Thừa Thiên Huế, Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long.
Đơn cử, nhà thờ họ truyền thống vùng đồng bằng Bắc bộ, dựa trên đặc trưng văn hóa dòng họ khu vực Bắc bộ có lịch sử lâu dài và truyền thống văn hóa phong phú, tạo nên các dòng họ đông thành viên. Nhà thờ có kết cấu 3 hoặc 5 gian, giữa là nơi thờ cúng chính, các gian phụ giành cho sinh hoạt khác. Nghệ thuật và mô tuýp trang trí chạm khắc gỗ và nội thất sơn son thiếp vàng, các họa tiết phản ánh đạo lý tôn vinh tổ tiên. Đồ thờ cúng gồm bát hương, đèn lồng, lư hương, ngũ quả, bộ thờ; các vật phẩm thờ cúng được làm tỉ mỉ, thể hiện sự tôn trọng đối với tổ tiên...
Việc phân chia thành dạng thức nhà thờ các vùng văn hóa theo các nhà nghiên cứu nhằm tiếp tục hoàn thiện các phương pháp tiếp cận, cũng như đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị trong bối cảnh hiện nay.
Tọa đàm “Kiến trúc nhà thờ họ và không gian thờ cúng các dòng họ ở Việt Nam” nhằm hoàn thiện Dự án "Dòng chảy thời gian" do Viện Phong thủy khoa học toàn cầu thực hiện. Dự án khảo cứu, hệ thống lại giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật, phong thủy của các triều đại phong kiến từ thế kỷ X - XIX, không chỉ gìn giữ tư liệu, di sản văn hóa vật chất, tinh thần của cha ông ta đối với thế hệ con cháu, mà còn lan tỏa những giá trị tốt đẹp và truyền cảm hứng tới cộng đồng trong việc lưu giữ truyền thống văn hóa, kiến trúc dân tộc Việt Nam.