Kiên trì với tăng trưởng bao trùm

- Thứ Ba, 30/03/2021, 08:12 - Chia sẻ
Đánh giá về những thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, báo cáo của Chính phủ đề cập đến 6 cân đối, hài hòa lớn, trong đó có “hài hòa giữa phát triển kinh tế nhanh với bảo đảm sự tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường”.

Đây là một thành tựu quan trọng, vừa khẳng định được mục tiêu về phát triển bao trùm và bền vững, “không ai bị bỏ lại phía sau”; đồng thời cũng góp phần hiện thực hóa đường lối mà Đảng đã chọn: xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết là bảo đảm công bằng xã hội, bảo đảm rằng người dân ở mọi vùng miền, thuộc mọi thành phần dân tộc đều có thể nhận được các thành quả của tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, bình quân 6,5% trong 30 năm Đổi mới và đạt 6,8% trong 2016 - 2019, thành quả đó trực tiếp đóng góp vào việc giảm nghèo. Kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 là đáng ghi nhận khi tỷ lệ hộ nghèo giảm liên tục qua các năm từ 9,88% năm 2015 xuống còn 2,75% năm 2020. Như vậy, sau 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm hơn 1%/năm, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Kể cả khi đã đạt những thành tựu ấn tượng như vậy, thách thức nước ta phải đối mặt vẫn rất lớn khi nghèo đói đang “dồn” vào vùng “lõi đói nghèo” -  tập trung ở khu vực miền núi, có số lượng lớn cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống.

Dấu ấn của nhiệm kỳ qua, vì vậy, còn thể hiện ở việc Quốc hội thông qua Đề án Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 với định hướng và mục tiêu rất rõ ràng: tăng cường đầu tư và ưu tiên phát triển nhằm thu hẹp khoảng cách giữa miền xuôi và miền ngược.

Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, dù càng ngày càng trở thành thách thức lớn, cũng ghi nhận những nỗ lực và đạt những kết quả nhất định. Từ chỗ mạnh dạn chấp nhận và tiến tới đáp ứng những chuẩn mực toàn cầu về môi trường ngay trong các hoạt động kinh tế - đây rõ ràng là bước tiến lớn về tư duy và nhận thức. Xuất khẩu đồ gỗ tăng kỷ lục nhưng không phải là gỗ rừng tự nhiên; xuất khẩu thủy sản tiếp tục tăng cao nhưng không vi phạm các chuẩn mực về đánh bắt và khai thác bất hợp pháp. Đây cũng là cơ sở để Việt Nam tự tin tham gia vào các hiệp định kinh tế thế hệ mới - vốn đề cao và đặt ra những tiêu chuẩn khắt khe về môi trường và phát triển bền vững, như EVFTA với Liên minh châu Âu. Tăng trưởng xanh thay cho tăng trưởng nâu trở thành mục tiêu và được cụ thể hóa trong những chỉ số và kết quả hành động cụ thể, từ cấp Chính phủ đến địa phương.

Nhìn về tương lai, thách thức đặt ra cho nhiệm kỳ Chính phủ kế tiếp rất lớn lao, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt hơn và khoảng cách xã hội mà công nghệ số có thể tạo ra.

Hậu quả nặng nề của biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan gây ra thiên tai, không may mắn lại tập trung nhiều ở những vùng khó khăn như đồng bằng sông Cửu Long, các vùng miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Và ngay trong giai đoạn dịch Covid-19, trẻ em ở vùng miền núi, dân tộc thiểu số cũng là nhóm thiệt thòi hơn trong việc học online do thiếu thiết bị, máy tính và kết nối internet như bạn bè đồng trang lứa ở đô thị, ở đồng bằng.

Mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” hay thu hẹp khoảng cách giữa các nhóm dân cư và bảo đảm công bằng xã hội, vì vậy, không dễ dàng.

Những di sản của nhiệm kỳ này là tiền đề cho Chính phủ nhiệm kỳ tới, để tiếp tục tập trung cho mục tiêu tăng trưởng bao trùm, kiên định với lựa chọn xây dựng chủ nghĩa xã hội, mang đến thịnh vượng cho mọi người dân Việt Nam.

Cẩm Phô