Kiến thức về khoa học công nghệ sẽ là “hộ chiếu việc làm" trong thời đại mới
Ngày 18.5, tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Hà Nội) đã diễn ra Ngày hội tuyển sinh khối các ngành Khoa học và Công nghệ, với sự tham dự của khoảng 5.000 học sinh THPT.
Chương trình do báo Tiền Phong tổ chức, dưới sự chỉ đạo và phối hợp của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Sở GD-ĐT Hà Nội, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội...
Tại Ngày hội, phụ huynh và học sinh được nghe thông tin tư vấn từ đại diện Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Hà Nội cùng khoảng 30 trường đại học, học viện và nhiều diễn giả uy tín.


Tạo không gian kết nối đặc biệt giữa các cơ sở đào tạo với học sinh THPT
Phát biểu khai mạc Ngày hội, nhà báo Phùng Công Sưởng, Tổng Biên tập báo Tiền Phong cho biết, chương trình “Ngày hội tuyển sinh khối các ngành khoa học và công nghệ” được tổ chức thường niên.
Tại Ngày hội năm nay, nhiều phòng thí nghiệm hiện đại, phòng học thông minh, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam… được mở cửa để chào đón các em học sinh. Các em cũng sẽ được truyền cảm hứng trực tiếp từ những diễn giả uy tín trong giới khoa học và công nghệ.
Nhà báo Phùng Công Sưởng bày tỏ, thông qua Ngày hội tuyển sinh khối các ngành Khoa học và Công nghệ, báo Tiền Phong mong muốn khơi dậy tình yêu khoa học và công nghệ trong các em học sinh THPT. Đây cũng là hành động cụ thể của Báo nhằm hưởng ứng Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Theo GS.TS Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, bối cảnh thế giới, khu vực và tình hình đất nước đang có nhiều biến động, tạo ra nhiều thách thức to lớn, nhưng cũng tạo ra nhiều cơ hội đột phá cho Việt Nam.
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: "Có thể khẳng định rằng ở thời điểm hiện tại chúng ta đã có đủ thế và lực, đủ ý chí và quyết tâm để bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc".
Gần đây, Bộ chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, trong đó Đảng đã khẳng định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là chìa khóa duy nhất để mở cánh cửa đưa nước ta thành một quốc gia phát triển. Đồng thời, nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học - công nghệ là một trong những nhiệm vụ chiến lược để Việt Nam bứt phá vươn lên, trở thành quốc gia phát triển, giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới.
"Chúng ta có quyền tự hào và tin tưởng vào thế hệ trẻ Việt Nam. Tôi hy vọng rằng các em học sinh sẽ tìm thấy cho mình nguồn cảm hứng mạnh mẽ, tự tin lựa chọn con đường trở thành những nhà khoa học, kỹ sư, chuyên gia trong lĩnh vực khoa học công nghệ trong tương lai.
Các em chính là các chủ nhân tương lai mà đất nước đang kỳ vọng, những người sẽ kế tục và quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 - một mục tiêu quan trọng mà Đảng và Chính phủ, cả dân tộc đang hướng đến", GS.TS Chu Hoàng Hà bày tỏ.

GS.TS Chu Hoàng Hà cho biết, là cơ quan nghiên cứu khoa học và công nghệ hàng đầu cả nước, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam luôn xác định sứ mệnh trọng tâm là nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, triển khai công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học và công nghệ.
"Với vai trò là cơ quan đồng chỉ đạo tổ chức Ngày hội tuyển sinh khối các ngành khoa học và công nghệ năm 2025, chúng tôi tin tưởng rằng sự kiện là hoạt động hết sức hữu ích và thiết thực, tạo ra không gian kết nối đặc biệt giữa các cơ sở đào tạo với các em học sinh", ông nhấn mạnh.


"Hộ chiếu việc làm" trong thời đại mới
Chia sẻ tại Ngày hội, TS Phạm Huy Hiệu, Giảng viên Trường Đại học VinUni nhìn nhận, chúng ta đang sống trong thời đại khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng, nhưng đồng thời cũng phải đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu.
Công nghệ tạo ra bước nhảy vọt cho các nền kinh tế và đặt ra yêu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, năng lượng mới và tự động hóa.




Dẫn lại một nghiên cứu quốc tế, TS Phạm Huy Hiệu nhấn mạnh, trong tương lai gần, rất nhiều nghề nghiệp truyền thống sẽ biến mất, trong khi các ngành nghề mới sẽ đồng loạt xuất hiện. "Điều này không còn là giả thuyết mà đã và đang xảy ra với các đợt sa thải quy mô lớn trên toàn cầu, đặc biệt tại các công ty công nghệ khi AI và tự động hóa phát triển quá nhanh”, ông nói.
Theo TS Phạm Huy Hiệu, đây là tín hiệu rõ ràng cho thấy, nếu không chủ động thích ứng, người lao động - đặc biệt là người trẻ sẽ dễ dàng bị tụt lại phía sau, thậm chí bị thay thế.
“Ngay từ bây giờ, các bạn trẻ cần định hình rõ ràng con đường sự nghiệp của mình, đặc biệt là lựa chọn ngành nghề giàu triển vọng và có tính bền vững trong nhiều thập kỷ tới. Đó chính là các lĩnh vực thuộc khối Khoa học Công nghệ.
Kiến thức về khoa học, kỹ thuật, công nghệ sẽ là “hộ chiếu việc làm" trong thời đại mới, mở ra cánh cửa cơ hội trong nước và trên thị trường lao động toàn cầu", TS Phạm Huy Hiệu cho hay.
Ông nhấn mạnh, người trẻ cần giỏi đúng lĩnh vực - nơi mà thế giới đang và sẽ cần. Khoa học và công nghệ là công cụ phát triển và là chiếc chìa khóa để người trẻ làm chủ tương lai.