Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi):

Kiến tạo, phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững

- Thứ Hai, 25/10/2021, 16:15 - Chia sẻ
Thảo luận tại tổ 5, các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Bình Thuận nhấn mạnh yêu cầu kiến tạo, phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững, hiệu quả, tiệm cận với các thông lệ quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh và cùng với thị trường tiền tệ - tín dụng và thị trường chứng khoán trở thành các kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.
Toan canh phien hop Tổ 5 (Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Bình Thuận)
Toàn cảnh phiên họp Tổ 5 (Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Bình Thuận)
Ảnh: Quang Khánh

Các ĐBQH thống nhất cao với việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm và cho rằng, việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế như không còn thống nhất, đồng bộ với quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Bộ luật Dân sự, một số nội dung chưa có căn cứ áp dụng trong thực tiễn như thẩm quyền, quy trình xử lý doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn về tài chính; việc áp dụng hoặc tích hợp công nghệ trong kinh doanh bảo hiểm; các yêu cầu về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, kiểm toán độc lập; sự liên kết giữa các cơ quan quản lý trong triển khai các chương trình bảo hiểm của Chính phủ… Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ kiến tạo, phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững, hiệu quả, tiệm cận với các thông lệ quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh và cùng với thị trường tiền tệ - tín dụng và thị trường chứng khoán trở thành các kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Nhiều ý kiến đại biểu nhất trí với quy định về bảo hiểm vi mô trong dự thảo Luật và đề nghị, loại hình bảo hiểm này cần hướng tới đối tượng có thu nhập thấp, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng cao nhằm bảo vệ họ trước những rủi ro có thể xảy ra. ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng, bảo hiểm vi mô và bảo hiểm nông, lâm nghiệp, ngư nghiệp phải được cụ thể hóa và quy định một cách đầy đủ hơn trong dự thảo Luật. Việc chưa chú tâm cho thị trường bảo hiểm nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp tức là những đối tượng thuộc lĩnh vực này chưa được bảo vệ quyền lợi, chưa thúc đẩy việc phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Để tiến tới xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp phát triển, cần thiết phải có loại bảo hiểm này.

ĐBQH Nguyễn Vân Chi (Nghệ An) 
Ảnh: Quang Khánh

Cùng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Vân Chi (Nghệ An) khẳng định, bảo hiểm nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp chính là bệ đỡ rủi ro trong sản xuất nông nghiệp, nhưng chưa thực sự phát triển tại nước ta. Hiện nay các loại hình này chỉ được thí điểm trong thời gian nhất định, nguồn lực đa số từ ngân sách nhà nước hỗ trợ. Trong khi đây là sản phẩm thực sự cần thiết, góp phần giảm thiểu tổn thất do thiên tai. ĐB Nguyễn Vân Chi đề nghị, Chính phủ cần đánh giá 3 năm thực hiện Nghị định 58/2018/NĐ – CP về bảo hiểm nông nghiệp: quy định về bảo hiểm nông nghiệp và chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp nhằm khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện bảo hiểm nông nghiệp và tạo điều kiện cho tổ chức cá nhân sản xuất trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại về tài chính rủi ro xảy ra trong quá trình sản xuất. Từ đó có định hướng phát triển loại hình dịch vụ bảo hiểm này.

Liên quan đến chủ thể cung cấp bảo hiểm vi mô, ĐBQH Trần Thị Hồng An (Quảng Ngãi) đề xuất, nên có thêm chủ thể hợp tác xã và các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, như vậy mới đồng bộ và đầy đủ, thay vì chỉ dành cho các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm xã hội như dự thảo Luật, nếu họ không tham gia vào loại hình bảo hiểm này, thì sẽ hạn chế sự phát triển bảo hiểm vi mô.

Một số đại biểu còn băn khoăn về sự cần thiết quy định về loại hình vi mô. Đồng thời cho rằng, cơ quan soạn thảo cần tổng kết, đánh giá đầy đủ về tính hiệu quả của việc thí điểm thực hiện hoạt động bảo hiểm vi mô trong thời gian qua; phân tích, đánh giá kỹ tác động kinh tế - xã hội, chi phí, lợi ích của loại bảo hiểm này; bổ sung đầy đủ các quy định về bảo hiểm vi mô; phân tích rõ sự khác biệt giữa loại hình bảo hiểm này so với bảo hiểm thông thường. Đồng thời, đánh giá việc trong 16 năm qua chưa có tổ chức bảo hiểm tương hỗ nào được thành lập theo quy định tại Nghị định số 18/2005/NĐ-CP ngày 24/2/2005 của Chính phủ.

Quang Khánh