Kiến tạo môi trường kinh doanh lành mạnh

MẠNH TUÂN 23/10/2017 08:18

Một trong những quan điểm sửa đổi Luật Cạnh tranh hiện hành nhằm tạo lập và duy trì môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh. Thông qua đó, tạo điều kiện phát triển kinh tế đất nước, phân bổ hiệu quả các nguồn lực xã hội và bảo đảm lợi ích của người tiêu dùng. Vì vậy, quá trình sửa đổi Luật cần rà soát toàn diện, nghiên cứu kỹ lưỡng từng điều khoản, chú trọng chất lượng và loại bỏ quy định mang tính định tính. Cộng đồng doanh nghiệp cũng mong đợi, cơ quan quản lý cạnh tranh quốc gia sẽ thực sự độc lập cả về vị trí và thẩm quyền, đủ khả năng để xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại phiên thẩm tra dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) trong khuôn khổ phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Ủy ban Kinh tế, chuẩn bị cho các nội dung trình QH tại Kỳ họp thứ 4 khai mạc sáng nay.

Tránh định tính trong xác định doanh nghiệp thống lĩnh thị trường

Cho ý kiến thẩm tra dự án Luật, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai đặc biệt quan tâm đến những quy định còn mang tính định tính tại một số điều, khoản. Theo đó, Điều 28 của dự thảo được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển Điều 22 Nghị định số 116/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh. Thực tế công tác quản lý theo Điều 22 của Nghị định 116 hơn 10 năm qua, khi xác định các doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường là không khả thi, vì nặng về tính định tính, không lượng hóa được một cách minh bạch về hoạt động của doanh nghiệp. Dự thảo lần này, một lần nữa lại đưa ra các quy định mang tính định tính như vậy để xác định các doanh nghiệp thống lĩnh thị trường tại Điều 28 là hoàn toàn chưa khả thi.

Với quy định của dự thảo Luật thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ kết hợp một số trong 11 tiêu chí xác định sức mạnh thị trường để kết luận doanh nghiệp có phải là doanh nghiệp thống lĩnh thị trường hay không. Như vậy sẽ dẫn đến việc số lượng doanh nghiệp được coi là thống lĩnh thị trường có đến hàng trăm dạng khác nhau và rất có thể đại đa số cùng một ngành hàng, ngành dịch vụ đều được coi là doanh nghiệp thống lĩnh thị trường.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai phát biểu tại phiên thẩm tra Ảnh: Mạnh Tuân
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai phát biểu tại phiên thẩm tra
Ảnh: Mạnh Tuân

 “Hệ quả là mục đích xác định doanh nghiệp thống lĩnh thị trường để đưa ra các biện pháp quản lý phù hợp nhằm thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh không phát huy được hiệu quả. Đồng thời, gây khó cho doanh nghiệp khi được coi là thống lĩnh thị trường theo yếu tố thị phần (30%), Ủy viên Thường trực Đoàn Thị Thanh Mai cảnh báo. Cần đánh giá lại quá trình thực hiện Điều 22, Nghị định 116/2005/NĐ - CP để trên cơ sở đó rà soát, xem xét lại các quy định tại Điều 28. Chỉ giữ lại các tiêu chí cốt yếu quan trọng, đồng thời, tiêu chí đó phải có tính định lượng rõ ràng để các cơ quan có thẩm quyền có thể quản lý được.

Với quy định các hành vi cấm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường, doanh nghiệp độc quyền không được thực hiện tại Điều 29, nếu liệt kê đầy đủ thì quá nhiều hành vi. Hơn nữa, việc quy định các hành vi bị cấm tại điều này cũng thiếu tính logic. Chẳng hạn như tại Điểm a, Khoản 1: Cấm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có thể dẫn đến loại đối thủ cạnh tranh. Theo quy định này, khi đối thủ cạnh tranh đã bị loại bỏ, doanh nghiệp thống lĩnh thị trường mới bị coi là vi phạm Luật Cạnh tranh. Theo một số đại biểu, nếu đối thủ không thể tiếp tục hoạt động, kinh doanh thì doanh nghiệp thống lĩnh thị trường mới bị xử lý. Lúc đó, Luật Cạnh tranh sẽ không tác dụng bởi thị trường đã bị đổ vỡ.

Xem xét ở một góc độ khác, nếu hành vi của doanh nghiệp thống lĩnh thị trường có thể dẫn đến loại bỏ đối thủ cạnh tranh mới bị coi là vi phạm pháp luật, tức là phải chứng minh tình huống giả định sẽ xảy ra trong tương lai thì mới xử phạt được doanh nghiệp thống lĩnh thị trường. Trong khi đó, cơ quan quản lý nhà nước lại không đủ cơ sở định lượng để chứng minh trong thời gian ngắn khả năng loại bỏ đối thủ. Điều này, rất dễ dẫn đến trường hợp, khi cơ quan quản lý nhà nước chứng minh được hành vi thì đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp thống lĩnh đã không còn tồn tại. Vì thế, Điều 29 nên được soạn thảo theo hướng chỉ cấm các hành vi và không gắn liền hành vi với hậu quả đã xảy ra, hoặc có thể xảy ra nhưng rất khó chứng minh khả năng xảy ra hậu quả.

Cần cơ quan quản lý cạnh tranh độc lập, đủ thẩm quyền

 Thống kê cho thấy, sau hơn 12 năm thi hành Luật Cạnh tranh, cơ quan quản lý cạnh tranh và hội đồng cạnh tranh mới chỉ điều tra, xử lý được 6 vụ việc hạn chế cạnh tranh. Thời gian điều tra xử lý mỗi vụ trung bình là 3 năm, trong đó, 4/6 vụ bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Tại phiên thẩm tra, một nội dung khác nhận được khá nhiều sự quan tâm là tính độc lập, thẩm quyền và khả năng thực thi pháp luật của cơ quan quản lý cạnh tranh quốc gia được quy định trong dự thảo Luật. Theo đánh giá của các đại biểu, trước sự phát triển nhanh của hoạt động thương mại, đòi hỏi năng lực và vị trí phù hợp của cơ quan cạnh tranh để thực hiện điều tra và đưa ra quyết định đúng đắn.

Trong dự thảo trình thẩm tra lần này, cơ quan soạn thảo đã xây dựng theo hướng nâng cao tính độc lập và thẩm quyền, bảo đảm khả năng thực thi hiệu quả pháp luật về cạnh tranh của cơ quan này. Cụ thể, cơ quan cạnh tranh quốc gia là cơ quan duy nhất thực thi Luật Cạnh tranh (sửa đổi) trên cơ sở hợp nhất 2 cơ quan hiện hành, gồm cơ quan quản lý cạnh tranh và hội đồng cạnh tranh. Cơ quan này trực thuộc Bộ Công thương. Dự thảo Luật cũng giao Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan cạnh tranh quốc gia.

Cho ý kiến về nội dung này, hầu hết ý kiến bày tỏ đồng tình với việc thành lập cơ quan duy nhất này và kỳ vọng cơ quan cạnh tranh có đủ thẩm quyền, đủ khả năng để xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, đề xuất cơ quan cạnh tranh quốc gia trực thuộc Bộ Công thương lại không nhận được sự tán thành. Đây cũng là nội dung chưa nhận được sự đồng thuận trong các lần thảo luận trước đó, kể cả ở phiên họp của UBTVQH khi cho ý kiến về dự thảo Luật này. Vì rằng, nếu cơ quan này thuộc Bộ Công thương thì rất khó khắc phục những tồn tại, hạn chế của mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh trong suốt thời gian thực thi Luật Cạnh tranh vừa qua. Hơn nữa, Bộ Công thương vẫn đang quản lý và là chủ sở hữu của nhiều tập đoàn kinh tế lớn - điều này không tránh khỏi nghi ngại về sự chi phối, dẫn dắt thị trường.

Theo quan điểm của TS. Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cơ quan cạnh tranh quốc gia phải là cơ quan độc lập, có đủ thẩm quyền, đủ khả năng để xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Còn Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến thì đề xuất, trong Luật này có thể quy định thẳng chức năng, nhiệm vụ của cơ quan cạnh tranh và Bộ Công thương có thể tham mưu thêm.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Kiến tạo môi trường kinh doanh lành mạnh
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO