Kiến tạo không gian sản xuất an toàn

- Thứ Bảy, 18/09/2021, 11:55 - Chia sẻ
Quá trình phục hồi của doanh nghiệp nông, thủy sản thời gian tới đòi hỏi chính quyền địa phương cần đồng hành và tháo bỏ tư duy “kiểm soát, tuân thủ” với doanh nghiệp. Địa phương và doanh nghiệp cùng kiến tạo không gian sản xuất an toàn là hướng đi thiết thực trong thời gian tới.

Đây là thông điệp mà Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đưa ra tại Hội nghị trực tuyến bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi chế biến, xuất khẩu nông sản, thủy sản sau giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ ở khu vực Nam Bộ diễn ra vừa qua.

Thực tế, trong thời gian 19 tỉnh khu vực phía Nam thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu thuỷ sản bị tác động nặng nề, xuất khẩu giảm mạnh. Quá trình phục hồi sản xuất của doanh nghiệp chịu ảnh hưởng rất lớn bởi các nguyên nhân như chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị đứt gãy, doanh nghiệp bị mất khách hàng do thời gian thực hiện giãn cách quá lâu, không bảo đảm tiến độ giao hàng; thiếu hụt lao động do công nhân…

Cụ thể hơn về vấn đề này, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, những khó khăn về kiểm soát và phát sinh chi phí mùa dịch khiến chỉ còn khoảng 40% doanh nghiệp trong Hiệp hội đủ sức phục hồi sản xuất sau giãn cách xã hội. Đa số các doanh nghiệp thuộc VASEP cho biết cần thời gian dài để khôi phục được sản xuất. Vậy nhưng để làm được điều này, cần có hướng dẫn rõ ràng, ví dụ việc xét nghiệm Covid -19 ở các nhà máy sản xuất được thực hiện theo nguyên tắc nào? Người lao động đã tiêm một mũi và 2 mũi vaccine thực hiện xét nghiệm như thế nào?

Bên cạnh đó, doanh nghiệp thực hiện sản xuất theo phương châm “3 tại chỗ” cũng phải có được sự ủng hộ và phối hợp của các địa phương. Doanh nghiệp phải trình phương án và được sự đồng ý của chính quyền địa phương thì mới thực hiện được. Bởi vậy, đại diện VASEP đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp và có ý kiến với địa phương thực hiện nhanh việc này, đặc biệt là “xem xét bỏ quy định cách ly 14 ngày đối với lực lượng đi thu hoạch cá tại các tỉnh bằng việc xét nghiệm PCR.

Đại diện một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu tôm thì nêu thực tế, dù có cố gắng “thần tốc” nhưng lúc này cũng không thể đủ nguyên liệu cho mùa nhập khẩu tôm vào dịp lễ cuối năm tại thị trường châu Âu và Mỹ. Những nỗ lực lớn nhất của doanh nghiệp thúc đẩy người nuôi tôm thông qua giá thu mua - nếu diễn ra khả quan nhất thì cũng chỉ đủ nguyên liệu cho thị trường châu Á vào cuối năm nay. Hiện nay, giá thu mua của chúng tôi đã về gần như thời điểm trước dịch nhưng tâm lý người dân vẫn e ngại nếu dịch quay trở lại, việc tiêu thụ sẽ khó khăn. Do đó, rất cần sự hỗ trợ của chính quyền để người dân yên tâm hơn.

Từ thực tế của ngành, đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, trong 4 tháng gần đây, ngành hàng bắt đầu sự tác động nặng nề của dịch Covid -19. Hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn rau như Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan, Australia… đều có sự sụt giảm. Do đó, về dài hạn, cần tổ chức sản xuất nguyên liệu theo quy hoạch, điều tiết quy mô, tốc độ tăng trưởng phù hợp. Sản xuất theo nhu cầu thị trường, bảo đảm sản phẩm sản xuất ra phải phù hợp với quy định của từng thị trường; chất lượng sản phẩm phải đáp ứng được các yêu cầu của người tiêu dùng.

Những khó khăn, thiệt hại trong sản xuất, tiêu thụ nông thủy sản đã rất rõ ràng. Bởi vậy, việc quan trọng để khôi phục sản xuất thời kỳ "hậu" Covid -19 là các địa phương cần thống nhất các phương án hướng dẫn sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nông sản, chăn nuôi, thủy sản. Địa phương phải cùng với doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất trong và sau giai đoạn giãn cách nhằm bảo đảm sản xuất, cung ứng nông sản ổn định, lâu dài.

Đặc biệt, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, 13 tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long phải thống nhất một khối chứ không phải là 13 mảnh ghép địa giới hành chính bởi “nước xa không cứu được lửa gần”. Doanh nghiệp và chính quyền các tỉnh phải thực sự gắn bó chặt chẽ với tinh thần chia sẻ, tháo gỡ.

Ninh Khánh