.jpg)
KIẾN TẠO KHÔNG GIAN PHÁT TRIỂN MỚI TỪ TƯ DUY TÍCH HỢP ĐẾN BẢN SẮC VĂN HOÁ ĐỊA PHƯƠNG- Lê Minh Hoan -
“Càng tích hợp được nhiều lĩnh vực, càng thấy bức tranh lớn hơn, và càng có cơ hội tạo ra sự thay đổi thật sự”
Trong một chuyến công tác ở Bình Thuận, tôi gặp một người nông dân trồng thanh long giữa vùng cát nắng bỏng rát. Anh không than nghèo kể khổ, mà nghe kể về cách anh học hỏi kỹ thuật tưới nhỏ giọt. Rồi con gái anh, một sinh viên công nghệ thông tin, thiết kế ứng dụng truy xuất nguồn gốc cho vườn nhà.
Câu chuyện ấy để lại nhiều suy nghĩ. Trên mảnh đất ấy, những người nông dân không chỉ trồng cây, mà đang kiến tạo giá trị. Câu chuyện ấy cứ hiện lên khi mỗi lần nghĩ đến hai chữ “phát triển”. Phải chăng, đã đến lúc chúng ta cần đi xa hơn câu hỏi “chúng ta có gì?”, để chạm vào câu hỏi lớn hơn: “chúng ta có thể kiến tạo điều gì?”.



Không gian phát triển - tư duy cần chuyển đổi
Từ trước đến nay, khi nói đến phát triển, chúng ta thường hình dung một bản đồ hành chính, một vùng đất có tài nguyên để khai thác, một nơi cần hạ tầng để đầu tư. Nhưng trong bối cảnh mới, không gian phát triển không còn là khái niệm địa lý thuần tuý, mà là một hệ sinh thái mở, nơi con người kiến tạo giá trị thông qua công nghệ, tri thức, đổi mới sáng tạo, văn hóa và kết nối cộng đồng.
Lâu nay, chúng ta quen nghĩ đến phát triển như một cuộc đua xây dựng, một chuỗi các con số tăng trưởng, một bản đồ chia lô địa giới. Nhưng nếu chỉ nhìn như vậy, thì đất chỉ là đất, không phải là đời sống. Không gian phát triển phải là không gian mở - mở cho tri thức, mở cho sáng tạo, mở cho sự gặp gỡ giữa con người với thiên nhiên, giữa bản sắc với công nghệ, giữa truyền thống với đổi mới. Chính con người mới là tài nguyên quý nhất của mỗi vùng đất, với khát vọng và tri thức, sẽ làm nên giá trị cho không gian sống ấy.

Không gian phát triển dựa trên tư duy tích hợp
Mô hình phát triển truyền thống dựa trên phát triển đơn ngành là chính. Tư duy đơn ngành dẫn đến lối mòn tổ chức theo “ô ngăn kéo”. Mỗi lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, giáo dục, giao thông… được quy hoạch, vận hành theo ngành dọc riêng biệt, với hệ thống chỉ tiêu, ngân sách và kế hoạch không liên thông. Không gian phát triển thường bị chia cắt, khu sản xuất nằm riêng, khu văn hóa nằm riêng, khu dân cư nằm riêng, các thiết chế xã hội hoạt động rời rạc. Kết quả là lãng phí tài nguyên, chồng chéo chức năng, thiếu sự cộng hưởng, dẫn đến phát triển manh mún, thiếu bền vững và khó lan tỏa.
Ngày nay, mô hình phát triển dựa trên tư duy tích hợp đa ngành, liên ngành, xuyên ngành (gọi chung là tư duy tích hợp). Tư duy tích hợp đồng bộ, cộng hưởng sẽ tạo giá trị mới. Mô hình phát triển mới khẳng định không thể phát triển nếu từng ngành đi một mình. Thay vào đó, cần thiết kế và tổ chức không gian phát triển như một hệ sinh thái tích hợp đa chức năng, nơi các ngành bổ trợ, nâng đỡ, lan tỏa cho nhau.
Tư duy đa ngành hướng tới các ngành cùng tồn tại trong một không gian nhưng chưa tương tác sâu, khu nông nghiệp, khu du lịch, khu trường học đặt gần nhau. Tư duy liên ngành tạo cho các ngành phối hợp theo chuỗi giá trị, như: nông nghiệp - chế biến - logistics - du lịch trải nghiệm - giáo dục STEM. Tư duy xuyên ngành định hình ngay từ thiết kế chính sách phát triển không còn ranh giới ngành. Khi ấy, không gian sáng tạo làng nghề sẽ tích hợp văn hóa, giáo dục, kinh tế, công nghệ, truyền thông trong một thiết kế duy nhất.
Tư duy đa ngành giúp tối ưu hóa tài nguyên, mỗi không gian có thể mang nhiều chức năng thay vì chỉ phục vụ một ngành, trường học kết hợp thư viện cộng đồng, nhà văn hóa làm nơi đào tạo nghề. Tư duy đa ngành tăng hiệu quả đầu tư công cùng một hệ thống hạ tầng như giao thông, điện, internet phục vụ cho nhiều ngành. Tư duy đa ngành thúc đẩy sáng tạo - kinh tế địa phương, tích hợp văn hóa - du lịch - sản xuất tạo sản phẩm có chiều sâu và bản sắc. Tư duy đa ngành gắn kết cộng đồng, tăng cường bền vững, giáo dục - truyền thông - phát triển kinh tế cùng gắn chặt trong một không gian, tránh tình trạng “lệch pha”.

Khoa học và công nghệ - động cơ dẫn dắt không gian mới
Ngày nay, một hợp tác xã nhỏ cũng có thể sử dụng cảm biến môi trường, quản lý canh tác qua phần mềm điện thoại, truy xuất nông sản bằng mã QR, kết nối trực tiếp với người tiêu dùng qua sàn thương mại điện tử. Khoa học và công nghệ không còn là đặc quyền của các phòng thí nghiệm lớn, mà đã trở thành “người bạn đồng hành” của nông dân, giáo viên, nghệ nhân, doanh nghiệp nhỏ. Công nghệ không chỉ giúp gia tăng năng suất, mà còn mở rộng biên giới của không gian phát triển, vượt qua giới hạn địa lý, vượt qua rào cản vốn và quy mô.
Khoa học và công nghệ là nhịp đập của không gian phát triển hiện đại. Chúng ta không thể đi về tương lai với những công cụ của quá khứ. Để không gian phát triển trở thành nơi tạo ra giá trị mới, cần có sự đồng hành của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Công nghệ không thay con người. Nhưng công nghệ có thể mở đường để con người phát huy hết khả năng mình.
Đổi mới sáng tạo - tư duy thiết kế thay vì sao chép
Đổi mới sáng tạo cần được hiểu không chỉ là đổi mới kỹ thuật, mà là đổi mới cách nhìn, cách nghĩ, cách tổ chức. Một làng nghề gốm truyền thống khi kết hợp với thực tế ảo để giới thiệu sản phẩm, khi thiết kế tour trải nghiệm cho học sinh, khi đưa nghệ nhân lên nền tảng mạng xã hội để kể chuyện… đã trở thành một không gian giá trị sáng tạo, nơi quá khứ được kết nối với hiện tại và tương lai.
Đổi mới sáng tạo không phải bắt đầu từ ngân sách lớn, mà bắt đầu từ những ý tưởng mới mẻ. Một cô giáo nông thôn tổ chức lớp học STEAM từ vật liệu tái chế. Một nghệ nhân làng nghề livestream để dạy kỹ thuật cho giới trẻ. Một hợp tác xã nông nghiệp áp dụng blockchain để truy xuất nguồn gốc. Những hành động ấy nhỏ thôi, nhưng chính là hạt mầm của không gian giá trị mới. Chúng ta không sao chép mô hình, mà thiết kế mô hình riêng, xuất phát từ bản sắc, thế mạnh và con người của chính địa phương mình.
Chuyển đổi số - hạ tầng mềm của không gian giá trị mới
Chuyển đổi số không chỉ là số hóa thủ tục hành chính hay áp dụng phần mềm quản lý, mà chính là hạ tầng tri thức và kết nối của không gian phát triển mới. Khi một học sinh miền núi có thể học trực tuyến với giáo viên từ Hà Nội, khi người thợ thủ công livestream để giới thiệu sản phẩm đến khắp nơi, khi một hợp tác xã nông nghiệp sử dụng dữ liệu lớn để dự báo giá cả… thì không gian phát triển đã vượt qua giới hạn vật lý, trở thành không gian tri thức và cảm xúc. Đó là một cuộc chuyển mình trong tư duy phát triển.
Chuyển đổi số là cách để xây dựng một không gian phát triển kết nối cả thế giới vật chất và tinh thần, nơi mỗi người dân đều có thể tiếp cận tri thức, chia sẻ tiếng nói và góp phần định hình tương lai cộng đồng mình. Khi một học sinh vùng sâu có thể học cùng thầy giáo giỏi qua lớp học trực tuyến, khi một cụ già có thể kể chuyện làng xưa, khi một nghệ nhân có thể lan toả kỹ năng qua mạng xã hội thì chuyển đổi số đã trở thành “cầu nối tri thức và cảm xúc”.






Văn hóa - giáo dục - xã hội là trụ cột bền vững của không gian phát triển
Mọi sự phát triển đều cần căn cốt. Mọi đổi mới đều cần điểm tựa. Không thể kiến tạo không gian giá trị mới nếu thiếu nền tảng văn hóa, thiếu hệ thống giáo dục và thiếu sự đồng hành xã hội. Chúng ta cần không gian phát triển mà ở đó trẻ em học được tình yêu thiên nhiên và lịch sử địa phương, người trẻ được khuyến khích sáng tạo, khởi nghiệp, người lớn tuổi được lắng nghe, chia sẻ và phát huy giá trị, nghề truyền thống được phục hồi như một phần di sản sống.
Kiến tạo không gian giá trị mới là bản giao hưởng của đổi mới, bản sắc và tri thức. Trong thế giới đầy biến động, không thể phát triển chỉ bằng cách “đi tiếp trên con đường cũ”, cũng không thể thụ động thích nghi với những đổi thay đến từ bên ngoài. Thay vào đó, mỗi vùng đất, mỗi cộng đồng cần và đều có thể kiến tạo không gian giá trị mới, một hệ sinh thái phát triển được hình thành từ trí tuệ, bản sắc và sự kết nối thông minh giữa các nguồn lực.
Không gian không tự tạo ra giá trị. Giá trị đến từ cách con người nhìn không gian và cách thắp lên giấc mơ từ vùng đất ấy. Trước kia, không gian phát triển được hiểu là lãnh thổ, nơi có tài nguyên để khai thác, dân cư để tổ chức, hạ tầng để đầu tư. Nhưng nay, không gian phát triển phải là “không gian giá trị”, nơi mà tài nguyên chỉ là điểm khởi đầu, còn đích đến là sự kết hợp giữa khoa học, công nghệ, văn hoá, đổi mới sáng tạo và tri thức xã hội.
Không gian phát triển không chỉ là nơi chúng ta sống, mà là bức tranh tương lai mà chúng ta đồng kiến tạo, nơi màu xanh của thiên nhiên hoà quyện với sắc màu của sáng tạo, nơi tiếng nói truyền thống được nâng tầm qua công nghệ, và nơi giá trị không nằm ở đất đai, mà ở ý tưởng và lòng người.