Kiên quyết từ chối dự luật không bảo đảm chất lượng

- Thứ Sáu, 02/07/2021, 07:31 - Chia sẻ
Khẳng định thể chế là đột phá của đột phá, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu các cơ quan trình và cơ quan thẩm tra phải tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong công tác xây dựng pháp luật. Cương quyết không chấp nhận bất cứ dự án luật nào của các cơ quan trình nếu không nằm trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và không được chuẩn bị kỹ lưỡng. Cần xem đây là một trong những nguyên tắc cơ bản trong công tác lập pháp thời gian tới để khắc phục được cơ bản những tồn tại, hạn chế đã được Quốc hội Khóa XIV chỉ ra.

Dành thời gian thích đáng   

Tại Phiên họp thứ 57 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị khẳng định rõ và đưa vào kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu “cương quyết không chấp nhận bất cứ dự án luật hay nghị quyết nào của các cơ quan trình mà không nằm trong chương trình và không chuẩn bị kỹ lưỡng là phải bác bỏ”. Điều này thể hiện sự quyết tâm của người đứng đầu cơ quan lập pháp trong việc siết chặt kỷ cương, kỷ luật, bảo đảm chất lượng xây dựng các dự án luật. 

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông chỉ rõ, lập pháp là quy trình có nhiều công đoạn và mỗi một cơ quan, tổ chức có những vị trí, vai trò nhất định trong công đoạn đó. Trong câu chuyện làm luật, Chính phủ có vai trò hết sức quan trọng vì đây là cơ quan hoạch định chính sách, điều hành thực tế và có nhu cầu xây dựng pháp luật lớn nhất. Để nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan tham gia vào quy trình lập pháp, theo ông Lê Minh Thông, cơ quan hoạch định chính sách phải ý thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình.

"Làm luật không phải tự nghĩ ra, luật không xuất phát từ ý chí chủ quan của ai đó, luật là nhu cầu của sự phát triển trong đời sống, chúng ta phải nhận ra nhu cầu đó và điều chỉnh, xem xét, tháo gỡ những rào cản, những quy tắc gò bó sự phát triển. Luật phải hướng tới thúc đẩy sự phát triển, đồng thời quản trị sự phát triển ấy". Nhấn mạnh điều này, ông Lê Minh Thông cũng cho rằng, Chính phủ trong quá trình quản trị quốc gia, sẽ nhận biết được nhu cầu quản trị, nhu cầu thay đổi cơ chế quản trị để thích ứng với sự phát triển mới. Điều đó đòi hỏi Chính phủ phải có tầm nhìn quản trị để dự đoán nhu cầu quản trị ở mức nào và xác định tầm nhìn trong hoạch định chính sách. Do đó, chất lượng pháp luật phụ thuộc rất lớn vào khâu hoạch định chính sách.

Trong các nhiệm kỳ vừa qua, Chính phủ và Thủ tướng đã rất quan tâm đến công tác xây dựng luật. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác tổ chức thực hiện chưa tương xứng. Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, tình trạng "khoán" luật và nghị quyết cho một bộ, rồi bộ trưởng "khoán" cho Thứ trưởng, Thứ trưởng "khoán" cho Vụ là có xảy ra. Do đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, phải quán triệt tinh thần của Thủ tướng là từng Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực phải xem xét các dự án luật ngay từ đầu, Chính phủ cần tăng cường hơn nữa năng lực về xây dựng pháp luật, các Phó Thủ tướng phụ trách phải dành thời gian thích đáng cho công tác xây dựng pháp luật.

Sát cánh với Chính phủ

Quốc hội và Chính phủ phải đồng hành, chịu trách nhiệm trước Nhân dân và trước xã hội về chất lượng các đạo luật. Khi đưa ra một chính sách, một dự luật thì "tâm phải sáng, trí phải tinh, ý chí kiên cường vì lợi ích chung của Nhân dân, của đất nước". Về phía Quốc hội, trong công tác xây dựng pháp luật cũng phải sát cánh với Chính phủ ngay từ đầu. Với quan điểm đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các Phó Chủ tịch Quốc hội cũng phải bám sát việc xây dựng pháp luật, cùng với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban phụ trách ngay từ đầu để khắc phục tình trạng “đưa vào, đưa ra” khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, hay tình trạng trình ra Quốc hội rồi nhưng lại không được chấp nhận. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan trình và cơ quan thẩm tra phải tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong công tác xây dựng pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội tăng cường năng lực và đề cao trách nhiệm trong công tác xây dựng pháp luật, chủ động phối hợp chặt chẽ với nhau, phối hợp với Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Chính phủ trong quá trình thẩm tra các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, các dự án luật về những nội dung liên quan đến lĩnh vực Hội đồng Dân tộc, Ủy ban mình phụ trách. Phối hợp với các cơ quan của Chính phủ rà soát các luật, các pháp lệnh, các nghị quyết thuộc lĩnh vực mình theo dõi, mà thực tiễn đang đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung và trực tiếp làm việc với các bộ chuyên ngành để giúp Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, đề xuất, bổ sung các nội dung cụ thể vào chương trình. Trong thẩm tra phải nêu rõ quan điểm và khẳng định đã đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đủ điều kiện trình Quốc hội hay chưa? Không thẩm tra đối với những dự án không đầy đủ hồ sơ, hoặc hồ sơ gửi đến chậm so với quy định để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đưa vào chương trình phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, không đưa vào chương trình Kỳ họp của Quốc hội các dự án chưa bảo đảm chất lượng. Đồng thời khẩn trương thực hiện nhiệm vụ được giao trong việc xây dựng đề án, định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV theo phân công.

Anh Thảo