Kiên quyết thực hiện số lượng cấp phó theo đúng quy định

- Thứ Tư, 14/10/2020, 18:13 - Chia sẻ
Số lượng cấp phó thực hiện theo đúng quy định của Chính phủ. Với những đơn vị vượt quá số lượng cấp phó mà không liên quan đến việc sắp xếp, phải kiên quyết thực hiện đảm bảo đúng số lượng. Đây là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Tuấn Anh tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương do Bộ Nội vụ tổ chức sáng nay, 14.10.

Bỏ chế độ “biên chế suốt đời” với viên chức

Tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Nguyễn Hữu Thành cho biết, Luật xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong việc quy định tiêu chí thành lập và số lượng biên chế tối thiểu để tổ chức đơn vị trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Luật quy định về tổ chức, khung số lượng, tiêu chí thành lập và số lượng biên chế tối thiểu để tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, các đơn vị trực thuộc cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Luật này bổ sung quy định cụ thể để tránh việc phân cấp, ủy quyền tràn lan, làm giảm hiệu lực quản lý trong thực hiện nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định rõ khi thực hiện phân quyền, phân cấp phải gắn phân quyền với phân cấp và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đồng thời, bảo đảm các điều kiện cụ thể về ngân sách, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác; trách nhiệm của các cơ quan khi thực hiện ủy quyền và điều kiện bảo đảm cho việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được ủy quyền.

Ngày 25.11.2019, tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ Công chức và Luật Viên chức. Giới thiệu những nội dung cơ bản và điểm mới của Luật, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức (Bộ Nội vụ) Nguyễn Tư Long cho biết, Luật không quy định công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập; giao Chính phủ quy định chi tiết việc thực hiện chế độ công chức đối với người làm việc trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí, phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước.

Luật sửa đổi, bổ sung cũng không quy định áp dụng Luật Cán bộ, công chức đối với người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp Nhà nước. Luật bổ sung và giao Chính phủ quy định cụ thể đối với cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác, áp dụng đối với cả người có hành vi vi phạm trước ngày 1.7.2020 thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm; gắn hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật.

Một trong những nội dung đáng chú ý của Luật sửa đổi lần này Luật chính thức bỏ chế độ “biên chế suốt đời” với viên chức.

Căn cứ vào quy định pháp luật để thực hiện cho đúng

Để tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đòi hỏi mỗi bộ, ngành, địa phương, cơ quan phải tuân thủ nghiêm quy định của Luật, cũng như văn bản hướng dẫn. Tại hội nghị cũng có ý kiến băn khoăn về Nghị định 107 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP) của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương). Có ý kiến đặt vấn đề, đối với các đơn vị sau khi sáp nhập cơ quan, tổ chức lại mà số lượng cấp phó nhiều hơn quy định thì có lộ trình 3 năm để tiến hành sắp xếp. Tuy nhiên, với các đơn vị không tổ chức sắp xếp lại mà hiện nay số lượng cấp phó cũng đang nhiều hơn so với quy định thì không điều khoản chuyển tiếp. Trước thực tế này, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà đề nghị bổ sung thêm trong điều khoản chuyển tiếp của Nghị định này để bố trí sắp xếp cho phù hợp.

Làm rõ vấn đề này, quyền Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế (Bộ Nội vụ) Nguyễn Văn Lượng khẳng định, không có điều khoản chuyển tiếp đối với đơn vị không sắp xếp lại tổ chức. Các đơn vị giữ ổn định, không sắp xếp lại mà thực hiện không đúng số lượng cấp phó thì phải tự sắp xếp.

“Không có nghị định nào hướng dẫn cái sai của chúng ta cả, các địa phương căn cứ vào quy định của pháp luật để thực hiện cho đúng”, ông Nguyễn Văn Lượng khẳng định.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phát biểu khai mạc hội nghị tại điểm cầu Bộ Nội vụ (Hà Nội). Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Cùng quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nhấn mạnh, số lượng cấp phó phải thực hiện theo đúng quy định của Chính phủ. Với những đơn vị vượt quá số lượng cấp phó mà không liên quan đến việc sắp xếp, phải kiên quyết thực hiện đảm bảo đúng số lượng.

Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai luật, nghị định có phát sinh các vướng mắc, những vấn đề chưa được quy định, thì kịp thời gửi Bộ Nội vụ tổng hợp, nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh kịp thời. Qua đó, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ nhằm thực hiện tốt Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, đảm bảo các chủ trương của Đảng về tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, hoạt động của các cơ quan, tổ chức từ trung ương đến địa phương hiệu lực, hiệu quả, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đối với tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, các bộ, ngành, địa phương thực hiện đúng quy định của Luật. Khi chuyển viên chức từ đơn vị sự nghiệp này sang đơn vị sự nghiệp khác phải tuân thủ Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn theo hướng, khi viên chức có nguyện vọng chuyển đi nơi khác mà được nơi đến đồng ý tiếp nhận thì phải chấm dứt hợp đồng làm việc ở tại đơn vị đó, sang đơn vị mới ký lại hợp đồng.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn

Lê Hùng