Chậm do “nội sinh”
Mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Mai Nhữ Thắng nêu thực trạng: tính đến ngày 5.12.2023, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 là 9.921 tỷ đồng, đạt 66,5% kế hoạch. Trong đó, giải ngân vốn năm 2023 bằng 70,5% kế hoạch và giải ngân vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023 đạt 45,5% kế hoạch. Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết nguyên nhân của việc giải ngân chưa đạt yêu cầu và đưa ra các giải pháp cụ thể đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Lê Minh Nghĩa thẳng thắn chỉ rõ: nguyên nhân khách quan do vướng mắc trong một số văn bản, quy định mới của Trung ương khiến thủ tục đầu tư kéo dài. Điển hình như: bổ sung đánh giá tác động môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, bổ sung quy hoạch 1/500 theo quy định của Luật Xây dựng, khó khăn trong việc cân đối giữa đất phục vụ dự án và chỉ tiêu đất lúa của các địa phương, thời gian thực hiện các dự án ODA kéo dài hơn các dự án sử dụng nguồn vốn khác, phân bổ vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia chậm…
Nguyên nhân chủ quan được xác định do công tác khảo sát, thiết kế chuẩn bị các dự án đầu tư chưa tốt. Trong đó, chất lượng tư vấn, công tác kiểm tra, kiểm soát của chủ đầu tư còn kém nên hồ sơ bị trả lại nhiều lần làm mất thời gian. Cùng đó, năng lực chỉ đạo, điều hành của nhiều chủ đầu tư còn yếu kém, thiếu sâu sát trong việc kiểm tra tình hình thực hiện các bước công việc. Công tác phối hợp giữa chủ đầu tư với địa phương trong giải phóng mặt bằng chưa tốt, chưa tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Nhiều chủ đầu tư chưa chủ động nghiên cứu đầy đủ, nắm vững các quy định của pháp luật dẫn đến chần chừ, sai sót trong thực hiện các thủ tục.
Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư khẳng định, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Bởi, trong cùng môi trường, cùng điều kiện, hoàn cảnh nhưng có địa phương làm tốt, có địa phương vẫn “ì ạch”. Triển khai nhanh hay chậm phụ thuộc rất lớn vào cách làm của từng địa phương, từng chủ đầu tư, liệu có đủ sáng tạo, đủ khéo léo, đủ công tâm để rút ngắn các quy trình thủ tục và tạo được sự đồng thuận của nhân dân để công tác giải phóng mặt bằng tiến hành thuận lợi. Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư khẳng định, làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công phần lớn do “nội sinh”, trong đó có trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương, nhưng trách nhiệm lớn nhất thuộc về các chủ đầu tư.
Cần chế tài mạnh
“Nguyên nhân chủ yếu do các chủ đầu tư, vậy có cần chế tài hoặc giải pháp mạnh mẽ nào để các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trong thời gian tới?”. Đó là câu hỏi đại biểu Cao Tiến Đoan đặt ra đối với Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư.
Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Lê Minh Nghĩa khẳng định, quá trình thực hiện, các ngành đã tham mưu UBND tỉnh các giải pháp để có chế tài mạnh tay hơn. Trong đó, xác định kết quả giải ngân vốn đầu tư công là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các chủ đầu tư và của các đơn vị. Nếu chủ đầu tư giải ngân chậm, sẽ không giao cho làm các dự án mới. Nghiên cứu rà soát kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, chủ đầu tư nào có dự án giải ngân chậm tiến độ thì sẽ bị cắt giảm nguồn vốn của các dự án còn lại trong danh mục đã được giao. Đó là những giải pháp mạnh mẽ, tạo áp lực đối với các chủ đầu tư đang thiếu chủ động trong thực hiện nhiệm vụ. Nếu cứ tiếp tục kiên trì, động viên, hỗ trợ mà không áp dụng biện pháp mạnh thì không thể đạt hiệu quả.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng cho rằng: đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cần tập trung ưu tiên hàng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh đề ra giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, công tác đấu thầu các dự án đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án. Kiên quyết điều chuyển vốn các dự án thực hiện chậm, không bảo đảm yêu cầu theo mốc thời gian giải ngân tỉnh giao; không giao các dự án mới cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng, các đơn vị có nhiều dự án thực hiện chậm, không đạt yêu cầu. Có chế tài xử lý nghiêm đối với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Chủ tịch HĐND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành là cơ quan thường trực các chương trình mục tiêu quốc gia khẩn trương hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và giám sát UBND cấp huyện, các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, nhất là các dự án chuyển tiếp. Kịp thời tháo gỡ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án, chương trình.