Đáp ứng mong muốn của cử tri và Nhân dân
Cử tri đã tín nhiệm, lựa chọn bầu cử những người tiêu biểu tham gia hoạt động ở cơ quan dân cử địa phương; đồng thời, ủy quyền cho đại biểu có trách nhiệm bầu chọn những chức danh quan trọng để lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan Nhà nước thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật. Quá trình hoạt động của cơ quan nhà nước luôn được cử tri và Nhân dân quan tâm theo dõi, giám sát và thường xuyên có những ý kiến, kiến nghị gửi đến cơ quan có thẩm quyền. Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là hệ quả của việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của các chức danh được bầu cử; đồng thời, trách nhiệm, chức năng của đại biểu dân cử và đáp ứng được mong muốn, ý nguyện của cử tri và Nhân dân.
Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm lần này chỉ tập trung các chức danh của chính quyền cấp tỉnh và cấp huyện, những người có tầm ảnh hưởng lớn tác động nhiều đến tình hình kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. HĐND lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện nhiệm vụ của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, giúp họ thấy được mức độ tín nhiệm để tiếp tục rèn luyện, phấn đấu, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tạo thêm niềm tin của cử tri và Nhân dân. Nghị quyết bảo đảm trách nhiệm, quyền hạn hoạt động giám sát của đại biểu dân cử và được yêu cầu tiến hành dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch, bảo đảm đánh giá đúng thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn các chức vụ làm cho cử tri và Nhân dân càng thêm phấn khởi, tin tưởng cơ quan dân cử.
Phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc
Với vai trò đại diện Nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tập hợp được các thành viên của mình, mọi tầng lớp Nhân dân tham gia xây dựng chính quyền. Thường xuyên tổ chức giám sát, phản biện xã hội các cơ quan Nhà nước, tổng hợp được nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân.
Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là hình thức giám sát quan trọng, hệ quả các hình thức giám sát khác của HĐND trong nhiệm kỳ. Thường trực HĐND, đại biểu HĐND rất cần những thông tin chính xác, khách quan về nhận xét, đánh giá năng lực, phẩm chất những người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Bởi vậy, MTTQ Việt Nam với vai trò đại diện Nhân dân có khả năng, ưu thế quy tụ được các thành viên, tập hợp được mọi tầng lớp Nhân dân có những ý kiến, kiến nghị sát đúng, công tâm, khách quan giúp cho đại biểu dân cử cân nhắc, thận trọng khi cầm bút đánh giá những chức danh do chính mình đã lựa chọn bầu cử.
Lần này, Quốc hội quy định rõ ở khoản 3, điều 11, Nghị quyết 96: Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm (nếu có) gửi đến Thường trực HĐND... Như vậy, tại kỳ họp thường lệ cuối năm nay, ngoài Báo cáo tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân theo thường kỳ, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam còn báo cáo nhận xét, đánh giá những chức danh HĐND sẽ lấy phiếu tín nhiệm. Mặt trận - một tổ chức liên hiệp rộng rãi với rất nhiều thành viên gần gũi, gắn bó với cơ sở có khả năng tập hợp đầy đủ ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân qua những lần tổ chức cho đại biểu dân cử TXCT. Không những thế, còn tổng hợp các kênh thông tin từ thành viên của Mặt trận. Điều quan trọng, Mặt trận nên nghe nhiều chiều, chọn lọc kỹ những ý kiến cụ thể, cần thiết, chính xác liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm.
Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri và Nhân dân của Ủy ban MTTQ Việt Nam được Thường trực HĐND gửi đến người được lấy phiếu tín nhiệm để chuẩn bị báo cáo, giải trình. Đồng thời, gửi đến đại biểu dân cử để xem xét cân nhắc khi đánh giá mức độ tín nhiệm người được lấy phiếu tín nhiệm. Nghị quyết yêu cầu đại biểu dân cử đánh giá chính xác, công tâm người được lấy phiếu tín nhiệm; do đó, cũng yêu cầu báo cáo đánh giá của Mặt trận phải khách quan, chính xác để giúp cho đại biểu dân cử nghiên cứu, đánh giá đúng đắn người được mình lựa chọn bầu cử giữ các chức danh chính quyền địa phương. Như vậy, ý kiến của Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp là kênh thông tin quan trọng, cần thiết để đại biểu đánh giá đúng đắn cán bộ chính quyền, là sứ mệnh chính trị của người được lấy phiếu tín nhiệm.
Tăng cường tổ chức phản biện xã hội
Thông thường, Ủy ban MTTQ Việt Nam tập hợp được nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân, nhưng đa phần các nội dung đều liên quan đến quyền lợi cụ thể của từng người dân. Còn ý kiến tham gia xây dựng chính quyền rất hạn chế, nhất là kiến nghị liên quan đến năng lực, phẩm chất của cán bộ chính quyền lại còn ít hơn và có thể chưa được chính xác. Bởi vậy, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp cần tổ chức giám sát sâu rộng, nhất là những ngành có nhiều vấn đề nổi cộm Nhân dân còn bức xúc. Thông qua giám sát ở các ngành và đơn vị để nhìn nhận, đánh giá đầy đủ, chính xác năng lực, phẩm chất những chức danh trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị hay lĩnh vực đó. Quá trình giám sát, Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam nên phối hợp với các Ban của HĐND cùng cấp và các thành viên của Mặt trận liên quan đến lĩnh vực giám sát để có sức mạnh tổng hợp, đánh giá công tâm, kết luận chính xác sự việc, con người cụ thể.
Hoạt động giám sát của Mặt trận nên phát huy vai trò, trách nhiệm các Hội đồng tư vấn của Ủy ban MTTQ. Đó là những người có kinh nghiệm, chuyên môn sâu; thành viên chủ yếu là những người nghỉ hưu không bị ràng buộc bởi một cơ quan, đơn vị nào nên có ý kiến nhận xét, đánh giá khách quan, trung thực. Ngoài tổ chức giám sát, MTTQ Việt Nam nên tổ chức phản biện xã hội, một chức năng còn mới trong hoạt động của Mặt trận cần được phát huy, nhất là lúc này cần những thông tin chính xác, khách quan chuẩn bị Báo cáo của Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam trong việc HĐND chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm. Khi phản biện chủ trương, chính sách hay quy định thực thi pháp luật của địa phương sẽ làm bộc lộ năng lực, khả năng của người đứng đầu ngành hay phụ trách lĩnh vực, làm cơ sở để nhận xét, đánh giá cán bộ chính xác hơn.
Hơn nữa, khi nắm chắc được “có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc không thực hiện đúng và đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn được giao...” của cán bộ, Ủy ban MTTQ Việt Nam có thể đề nghị Thường trực HĐND cùng cấp trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm theo điểm b, khoản 2, điều 13 và điểm b, khoản 2 điều 14 Nghị quyết 96 và hướng dẫn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.