Kịp thời phát hiện, công khai, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm
Theo đại diện Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Tây Ninh, thực hiện chuyên đề giám sát về công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2023, Ban đã tổ chức khảo sát, làm việc trực tiếp với UBND huyện Gò Dầu, thị xã Hòa Thành và một số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Đồng thời, làm việc với Chi cục ATVSTP giám sát đối với Sở Y tế, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…
Qua giám sát cho thấy, giai đoạn 2022 - 2023, công tác bảo đảm ATVSTP trên địa bàn được quan tâm, chú trọng thực hiện; hoạt động kiểm tra, hậu kiểm liên quan đến lĩnh vực này được thực hiện theo kế hoạch, có trọng tâm, trọng điểm, đúng trình tự, thủ tục. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm, công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định. Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật được chú trọng đã góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng; giúp người dân thay đổi thói quen sản xuất, chế biến, bảo quản, sử dụng thực phẩm an toàn. Công tác phối hợp giữa các cấp, ngành trong kiểm tra, điều tra, xét nghiệm xác định các mối nguy đối với ATVSTP được các cấp, các ngành quan tâm triển khai…
Bên cạnh những kết quả đạt được, qua giám sát cũng cho thấy, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý của cấp huyện, cấp xã chưa cao; chủ yếu nhắc nhở, chưa xử lý nghiêm đối với các cơ sở vi phạm để bảo đảm tính răn đe, cũng như chưa tạo được động lực khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.
Công tác quản lý, kiểm soát ATVSTP, nguồn gốc, xuất xứ đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, kinh doanh thức ăn đường phố, các loại đồ ăn nhanh còn nhiều khó khăn, bất cập, tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP cao; chưa quản lý chặt chẽ các hoạt động mua bán, quảng cáo thực phẩm trên nền tảng số, thương mại điện tử, mạng xã hội như: Zalo, Facebook, YouTube, TikTok. Một số cơ sở kinh doanh trên nền tảng số đăng ký thông tin không chính xác để giao dịch làm cho công tác quản lý gặp nhiều khó khăn…
Khắc phục tình trạng chồng chéo trong quản lý
Đáng chú ý, kết quả giám sát cũng cho thấy, thời gian qua, công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) được phân công cho ngành y tế, công thương và nông nghiệp vẫn tồn tại một số nội dung chưa thống nhất, dẫn đến khó khăn cho người dân trong thực hiện hồ sơ pháp lý về ATTP. Việc quy định trách nhiệm về quản lý theo ngành, lĩnh vực như hiện nay khiến một số hoạt động quản lý, kiểm tra giám sát bị chồng chéo, khó phân định...
Tại các buổi giám sát, đại diện các Sở Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiến nghị tỉnh thành lập một cơ quan quản lý về ATTP để thực hiện quản lý và tránh tình trạng chồng chéo giữa 3 ngành quản lý; chỉ đạo các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan triển khai đồng bộ… Cùng với đó, quan tâm bố trí kinh phí; đầu tư trang thiết bị đáp ứng nhiệm vụ công tác bảo đảm ATTP, nhất là về thanh tra, kiểm tra, giám sát; huy động các tổ chức xã hội, các thành phần kinh tế tham gia công tác bảo đảm ATTP.
Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Xuân Hương cho biết, qua giám sát, Ban ghi nhận kết quả các đơn vị đã thực hiện thời gian. Đối với các kiến nghị, đề xuất, Ban sẽ tổng hợp hoàn chỉnh và có kiến nghị chung đến lãnh đạo tỉnh xem xét, giải quyết. Đồng thời, sẽ tiến hành khảo sát tại một số huyện, xã cũng như các trung tâm kiểm nghiệm, làm cơ sở đề xuất thêm một số vấn đề mở rộng trong công tác quản lý ATTP trên địa bàn.