Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Nghiệm (Lạng Sơn) cho rằng, đối với công tác triển khai kinh tế xã hội năm 2024 và dự kiến các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế xã hội năm 2025, báo cáo của Chính phủ đã được xây dựng dựa trên sự phối hợp của các bộ, ngành và địa phương, đưa ra các đánh giá, mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp đầy đủ, toàn diện và sâu sắc. Báo cáo của Ủy ban Kinh tế cũng đã tổng hợp và nhấn mạnh thêm một số nội dung để góp ý với Chính phủ, làm rõ và sâu sắc hơn các vấn đề.
Liên quan đến hoạt động đầu tư PPP được triển khai theo chủ trương chính sách pháp luật, đại biểu Hoàng Văn Nghiệm nhấn mạnh, nhiều công trình dự án giao thông đầu tư theo phương thức này được đưa vào vận hành khơi thông “mạch máu” phát triển đất nước, mang lại hiệu quả rất quan trọng.
Tuy nhiên, những năm qua, nhất là sau đại dịch Covid-19 và do nhiều nguyên nhân khách quan dẫn đến nhà đầu tư các dự án gặp nhiều khó khăn. “Qua trao đổi với đại diện Bộ Giao thông vận tải , chúng tôi được biết hiện nay, trên phạm vi cả nước có 11 dự án đang rất khó khăn về tài chính cần phải quan tâm xem xét giải quyết, vào khoảng hơn 15.000 tỷ. Để tháo gỡ việc này, các nhà đầu tư cũng như các địa phương đã phối hợp tìm các giải pháp, tuy nhiên có những việc vượt quá thẩm quyền.
Đại biểu Hoàng Văn Nghiệm cho biết, như dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (đoạn gần đến TP. Lạng Sơn) đã đem lại những hiệu quả rất lớn, tuy nhiên còn tồn tại những khó khăn đòi hỏi phải có các giải pháp và cơ chế để tháo gỡ.
Trong báo cáo trình bày về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ có nhắc đến cần có cơ chế phù hợp để giải quyết những khó khăn, giúp các doanh nghiệp và nhà đầu tư có điều kiện giải quyết những tồn đọng hiện nay.
“Với chủ trương như vậy, chúng tôi nhận thấy rằng các bộ, ngành, địa phương cũng đã có các kiến nghị với Chính phủ. Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội cũng đưa ra chủ trương. Trong chương trình tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thảo luận và thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số luật như Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công – tư, Luật Đấu thầu,... Tôi ủng hộ và cho rằng đây là việc làm hết sức cần thiết”, đại biểu bày tỏ.
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị cần rà soát, đưa những nội dung để khắc phục, tháo gỡ các “điểm nghẽn” kể cả ở những dự án đang được đang thực hiện và đã khai thác vận hành. Như vậy mới có thể tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp, củng cố niềm tin và uy tín về chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư đã có những đóng góp thời gian qua.
Cũng tại phiên thảo luận này, đại biểu Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) tán thành ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về việc cần bổ sung, nhấn mạnh một số nhiệm vụ giải pháp, mà trong Báo cáo của Chính phủ chưa đề cập. Trong đó bao gồm nội dung có liên quan đến việc tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn; xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng kéo dài, cải thiện môi trường kinh doanh tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, từ đó tăng thêm mức độ tin cậy và uy tín cho các nhà đầu tư, cũng như các ngân hàng trong thời gian tới.
Cụ thể, đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị cân nhắc bổ sung thêm nội dung về việc đẩy mạnh công tác xử lý các vướng mắc, bất cập tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT do Bộ Giao thông Vận tải quản lý cũng như một số địa phương quản lý, đặc biệt là các dự án BOT đã định lượng được những khó khăn, vướng mắc, bao gồm có tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thanh Hoá, Thái Bình, Hà Nam...
Ví dụ, tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Bắc Giang có Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, đoạn Km45+100 đến Km108+500, kết hợp tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km1+800 đến Km106+500, tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn theo phương thức PPP, hợp đồng BOT. Đây là dự án được thực hiện ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, thậm chí đặc biệt khó khăn.
Do vậy, đại biểu Lưu Bá Mạc cho rằng cần phải bổ sung thêm nhiệm vụ, giải pháp trong Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2025, với nội dung cần phải đẩy mạnh giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, xử lý các vướng mắc, bất cập tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, đặc biệt là một số dự án BOT đã triển khai và đã định lượng được những khó khăn, vướng mắc.
Trong đó cân nhắc giải pháp về việc sử dụng ngân sách nhà nước để chi trả phần giảm doanh thu do nguyên nhân khách quan như Điều 69 Luật PPP hiện hành.
Đồng thời, cần có giải pháp cho phép áp dụng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP được vượt mức 50% lên tối đa 70%, trong trường hợp qua các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, hoặc đặc biệt khó khăn như đã áp dụng thí điểm đối với Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) tại Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28.11.2023 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ.
Đây cũng là phương án vừa được ngân hàng TPBank đề xuất với UBND tỉnh Lạng Sơn ngày 25.10 vừa qua tại văn bản số 46/2024/CV-TPB.TLG nhằm gia tăng cơ sở và đảm bảo điều kiện để dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng được cấp gói tín dụng trị giá 2.500 tỷ đồng.
Liên quan tới dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, TP Bank đề xuất chính quyền tỉnh Lạng Sơn báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội sớm giải quyết dứt điểm các vướng mắc, tránh gây đổ vỡ phương án tài chính, ảnh hưởng tới tính kết nối, uy tín và năng lực của các nhà đầu tư dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.