Kiên Giang: Người dân mòn mỏi chờ giải quyết sau khi đất bị lấy giao cho doanh nghiệp
Đó là trường hợp của ông Mong Chung Liêm (58 tuổi, ấp Hòn Chông, xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang). Vụ việc kéo dài hàng chục năm nhưng đến nay ông Liêm vẫn chưa được ngành chức năng xem xét, giải quyết dứt điểm.
Ông Liêm là nguyên đơn trong vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất với bị đơn là Công ty Cổ phần xi măng Hà Tiên Kiên Giang (Công ty xi măng), UBND tỉnh Kiên Giang là người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan. Vụ án được TAND tỉnh Kiên Giang thụ lý số 114/2022/TLST-DS ngày 19.12.2022, nhưng đến nay, sau nhiều lần hòa giải, tòa án vẫn chưa đưa ra xét xử.
Nguồn gốc thửa đất
Ông Liêm trình bày, ngày 9.5.1989, ông Phan Văn Dậu (chủ đất cũ) có đơn xin cấp đất thổ cư và đất kinh tế gia đình, trong đó diện tích đất thổ cư khoảng 850m2, diện tích đất vườn kinh tế gia đình là 1.000m2. Đơn xin cấp đất đã được UBND xã Bình An (huyện Hà Tiên cũ) xác nhận đủ điều kiện cấp đất.

Theo ông Liêm và ông Dậu, tại thời điểm năm 1985, ông Mong Chữ Thành (cha ruột ông Mong Chung Liêm) có cho ông Phan Văn Cảnh (cha ruột ông Dậu) 1.200m2 đất nền gieo mạ (thửa đất liền kề với thửa đất được UBND xã Bình an xét duyệt năm 1989). Sau đó, ông Cảnh giao thửa đất cho ông Dậu canh tác.
Đến tháng 7.1993, UBND tỉnh Kiên Giang giao đất cho Công ty xi măng xây dựng nhà máy; Thời gian này, ông Dậu được Công ty xi măng hỗ trợ diện tích 961m2, tương ứng với số tiền hơn 1,4 triệu đồng. Ông Dậu không nhận được quyết định thu hồi đất nên không biết thửa đất nào dính dự án. Riêng thửa đất được UBND xã Bình An xét duyệt từ năm 1989, ông vẫn canh tác.
Đến năm 1994, Phòng Địa chính huyện Hà Tiên (cũ) rà soát đo đạc diện tích đất còn lại của ông Dậu (không dính với đất Công ty xi măng) và đến 28.10.1995, UBND huyện Hà Tiên cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho ông Dậu, tờ bản đồ số 12, thửa 566, diện tích 2.168m2, tọa lạc tại ấp Hòn Chông, Xã Bình An, huyện Hà Tiên (cũ).

Nhìn vào hình thể, vị trí thửa đất vẽ tay theo đơn xin cấp đất năm 1989 và vị trí thửa đất 566 được UBND huyện Hà Tiên (cũ) cấp cho ông Phan Văn Dậu được xác định là cùng một thửa đất.
Đến năm 1997-1998, ông Phan Văn Dậu có nhận của ông Mong Chung Liêm 30 chỉ vàng và thỏa thuận chuyển nhượng toàn bộ thửa đất 566 cho ông Liêm. Tại thời điểm này, chính quyền thực hiện chia tách huyện Hà Tiên, lập thêm huyện Kiên Lương nên ông Liêm và ông Dậu chưa làm thủ tục sang nhượng theo quy định pháp luật.
Sau đó, ông Liêm đi làm ăn xa, chưa hoàn tất việc sang nhượng thửa đất của ông Dậu. Đến ngày 2.9.2007, vợ chồng ông Dậu viết giấy chuyển nhượng thửa đất 566 cho ông Liêm. Tuy nhiên, thời gian này, thửa đất 566 đã phát sinh tranh chấp với Công ty xi măng.
Đến thời điểm hiện tại, GCNQSDĐ thửa 566 và các giấy tờ liên quan, ông Dậu đã bàn giao cho ông Liêm và không có bất kỳ tranh chấp nào với ông Liêm.
Công ty xi măng được thuê đất thế nào?
.jpg)
Công ty xi măng được UBND tỉnh Kiên Giang cấp đất dưới hình thức cho thuê đất, chia thành 3 đợt, với tổng diện tích hơn 84.700m2, tọa lạc tại ấp Hòn Chông, xã Bình An, huyện Kiên Lương.
Đợt 1, ngày 5.3.1993, UBND tỉnh Kiên Giang có Quyết định số 158, giao 52.500m2 đất cho Công ty xi măng. Vị trí thửa đất giao cho Công ty xi măng không liên quan đến vị trí thửa đất 566 của ông Dậu được UBND huyện Hà Tiên (cũ) cấp giấy đỏ vào năm 1995.
Đợt 2, tháng 6.1993, UBND tỉnh Kiên Giang có Quyết định số 599, giao 12.056m2 đất cho Công Ty xi măng. Vị trí thửa đất, phía Bắc mở rộng 2.800m2; Phía Tây mở rộng đến đường tỉnh lộ 11. Như vậy, theo sơ đồ xin cấp đợt 2 của Công ty xi măng đã vẽ chồng lên phần diện tích đất của ông Dậu sử dụng ổn định liên tục từ trước năm 1989 và được UBND huyện Hà Tiên (cũ) cấp giấy đỏ vào năm 1995, thửa 566, diện tích 2.168m2.
Đợt 3, Ngày 15.10.2000, UBND tỉnh Kiên Giang có Quyết định số 2349 giao thêm cho Công ty xi măng 22.948,1m², không liên quan đến thửa đất 566 của ông Dậu.

Tổng diện tích UBND tỉnh Kiên Giang giao đất đợt 1 và đợt 2 cho Công ty xi măng là 64.556m2. Tuy nhiên theo tờ trình số 225/TTr06, ngày 17.6.2006 của Công ty xi măng về việc xin điều chỉnh tiền thuê đất từ năm 1993 - 2000, gửi Sở Tài Nguyên và Môi Trường (TN-MT) Kiên Giang, diện tích sử dụng đất chỉ có 61.756m2. Điều này cho thấy, Công ty xi măng không sử dụng diện tích đất 2.168m2, thửa đất 566 của ông Phan Văn Dậu được cấp sổ đỏ vào năm 1995.
Chính quyền địa phương nói gì?
Liên quan đến vụ án tranh chấp thửa đất 1.850m2 (sau này là thửa đất 566, diện tích hơn 2.168m2) giữa ông Mong Chung Liêm và Công ty Xi Măng, ngày 24.4.2023, UBND tỉnh Kiên Giang có công văn Số 725 gửi đến TAND tỉnh Kiên Giang.
Theo đó, UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng, diện tích 1.850m2 đất của ông Phan Văn Dậu nằm trong diện tích đất 12.056m2 (giao đất đợt 2 cho Công ty xi măng) và ông Dậu đã được hỗ trợ theo phiếu chi ngày 22.7.1993, với diện tích 961m2, số tiền hơn 1,4 triệu đồng.

Về nội dung này, ông Phạm Anh Tuấn – người đại diện cho ông Mong Chung Liêm cho rằng, theo nội dung văn bản của UBND tỉnh Kiên Giang, diện tích đất 1.850m2 của ông Dậu nằm trong diện tích 12.056m2 (giao đất đợt 2 cho Công ty xi măng) và ông Dậu đã nhận hỗ trợ 1,4 triệu đồng cho diện tích 961m2. Vậy phần diện tích còn lại của ông Dậu, vì sao không được bồi hoàn? Hơn nữa, khi lấy đất dân giao cho doanh nghiệp, vì sao chính quyền địa phương không ra quyết định thu hồi đất của ông Dậu?
Còn ông Liêm cho rằng, diện tích 961m2 ông Dậu được nhận tiền hỗ trợ có thể là diện tích đất hơn 1.200m2 mà cha ông đã cho cha ông Dậu gieo mạ trước đây; không phải thửa đất 566 do UBND huyện Hà Tiên cũ cấp giấy đỏ cho ông Dậu vào năm 1995.
Tại công văn Số 725 gửi đến TAND tỉnh Kiên Giang còn có nội dung: "Việc UBND huyện Hà Tiên (cũ) cấp giấy đỏ cho ông Phan Văn Dậu diện tích 2.168m2 (thửa 566) vào năm 1995 là không phù hợp với quy định tại Điều 21, Luật Đất đai năm 1993. Vì thời điểm này, UBND tỉnh Kiên Giang đã có quyết định giao đất cho Công ty xi măng".
.jpg)
Về điều này, ông Phạm Tuấn Anh cho rằng: “Nội dung này mâu thuẫn với việc UBND tỉnh Kiên Giang lấy đất của ông Dậu (sau này là ông Liêm) giao cho Công ty xi măng mà không ra quyết định thu hồi đất là trái với Điều 21, Luật Đất đai 1993. Vì Điều 21 quy định rõ: “Việc quyết định giao đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được tiến hành sau khi có quyết định thu hồi đất đó”.
Hơn nữa, khi cấp sổ đỏ cho ông Dậu, Phòng Địa chính Hà Tiên cũ xác minh đất không tranh chấp và thửa đất từng được UBND xã Bình An xét duyệt từ năm 1989 nên ngành chức năng đo đạc thực tế và UBND huyện Hà Tiên (cũ) cấp giấy đỏ cho ông Dậu vào năm 1995, tờ bản đồ số 12, thửa 566, diện tích 2.168m2, tọa lạc tại ấp Hòn Chông, Xã Bình An, huyện Hà Tiên.


Về nội dung, UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng, sơ đồ giải thửa lập năm 1995 không có thửa 566, ông Mong Chung Liêm xác nhận nội dung này đúng. Tuy nhiên, trong sổ mục kê sách được lập vào năm 1995 thể hiện danh sách các hộ dân sử dụng đất và kèm số thửa. Cụ thể, ông Phan Văn Dậu sử dụng thửa 566; ông Mong Chữ Thành sử dụng thửa 565 – là cha ruột ông Mong Chung Liêm.
Để chứng minh có thửa đất 565 là có thật trên thực tế cũng như trong sổ mục kê, ông Liêm còn cung cấp quyết định số 1703/2023 của UBND tỉnh Kiên giang về việc trả lại 799m2 đất, thửa 565, tờ bản đồ 12 của ông Mong Chữ Thành – cha ruột ông Liêm.
Mặc dù, UBND tỉnh Kiên Giang đã công nhận thửa 565, nhưng ông Liêm chưa hiểu vì sao UBND tỉnh Kiên Giang phủ nhận thửa 566, trong khi 2 thửa đất này đều thể hiện số thửa, tên người sử dụng trong sổ mục kê được lập vào năm 1995?
Ông Mong Chung Liêm cho rằng, có thể tại thời điểm lập sơ đồ giải thửa giao đất cho Công ty xi măng, cán bộ địa chính đã sơ suất "xóa" thửa 565 và thửa 566 trên sơ đồ giải thửa?
.jpg)
Tại văn bản Công ty xi măng gửi đến TAND tỉnh Kiên Giang, có nội dung: "Trong các phiên hòa giải, diện tích đất Công ty đang sử dụng đều có hợp đồng thuê đất và GCNQSDĐ hợp pháp, không lấn chiếm đất của ông Mong Chung Liêm".
Mặc dù bệnh tai biến, đi lại khó khăn nhưng nhiều năm qua, ông Liêm vẫn cố gắng đi gõ cửa nhiều cơ quan chức năng, xin trích lục hồ sơ liên quan thửa đất 566 để chứng minh thửa đất thuộc sở hưu hợp pháp của mình.