Thời gian vừa qua, Kiên Giang và nhiều tỉnh, thành trên cả nước tập trung triển khai các ý kiến chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác IUU, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phòng, chống khai thác IUU. Để giúp cử tri hiểu rõ hơn về các phần việc UBND tỉnh Kiên Giang thực hiện nhằm chống khai thác thủy sản bất hợp pháp trên địa bàn tỉnh, PV Báo Đại biểu Nhân dân có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh xung quanh nội dung này.
- Được biết, Kiên Giang là một trong những tỉnh trong nhóm các tỉnh thành có số lượng tàu tham gia đánh bắt hải sản nhiều nhất cả nước, ông cho biết tình hình đánh bắt thuỷ hải sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang như thế nào?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh: Kiên Giang có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển ngành khai thác thuỷ sản, bờ biển dài trên 200 km, với hơn 140 hòn đảo lớn nhỏ. Ngư trường khai thác rộng 63.290 km2 tiếp giáp với một số nước trong khu vực như: Campuchia, Thai Lan, Malaysia, Indonesia… Số lượng tàu cá Kiên Giang hiện có 8.221 tàu cá đã đăng ký (đạt 100%), trong đó: tàu cá có chiều dài từ 6m đến dưới 12m: 3.237 tàu; tàu cá có chiều dài từ 12m đến dưới 15m: 1.341 tàu; tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên: 3.643 tàu.
Tình hình đánh bắt hải sản trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, hiệu quả đánh bắt hải sản trong 3 năm gần đây giảm, thậm chí thua lỗ do nguồn lợi thuỷ sản vùng biển Việt Nam suy giảm, cường lực khai thác tăng, năng suất khai thác giảm, chi phí sản xuất tăng cao, lao động trực tiếp trên biển khan hiếm do thu nhập thấp, thậm chí không có thu nhập sau chuyến biển. Mặt khác, áp lực trả nợ vay ngân hàng thương mại của chủ tàu rất là lớn, lo phải trả nợ vay đúng theo cam kết, nếu không thì các tổ chức tín dụng phát mãi tài sản thế chấp, thu hồi nợ cho vay.
- Vừa qua, Kiên Giang đã thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp gì để ngăn chặn hành động đánh bắt hải sản bất hợp pháp? Đến nay, kết quả như thế nào?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh: Thứ nhất, UBND tỉnh Kiên Giang đã cụ thể hoá các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác IUU, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phòng, chống khai thác IUU.
Thứ hai, Kiên Giang tập trung tuyên truyền pháp luật đến các tổ chức, cá nhân và cộng đồng như dân về các quy định chống khai thác IUU với nhiều hình thức và nhiều lần như: tổ chức thăm hỏi, viết thư kêu gọi của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, tặng cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ, toạ đàm, phóng sự, viết bài đăng trên báo, cấp phát tờ rơi, tổ chức đối thoại với ngư dân…
Thứ ba, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tăng cường công tác quản lý, giám sát tàu cá. Tính đến ngày 30.9.2023, toàn tỉnh Kiên Giang có 8.221 tàu cá đã đăng ký (đạt 100% tàu cá đủ điều kiện đăng ký theo quy định). Số tàu đã được cấp phép là 7.791/8.221 tàu (đạt 94,8%), còn hạn giấy phép 7.042/8.221 tàu (đạt 85,7%). Số tàu cá từ 12 mét trở lên còn hạn đăng kiểm là 3.964/4.984 chiếc (đạt 79,5%). Số tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là 3.618/3.643 (đạt 99,32%) trong tổng tàu cá từ 15 mét trở lên thuộc diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Thứ tư, xác nhận nguyên liệu thuỷ sản khai thác và chứng nhận nguồn gốc thuỷ sản khai thác. Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trực thuộc tổ chức thẩm định xác nhận nguyên liệu thuỷ sản khai thác và chứng nhận nguồn gốc thuỷ sản khai thác phải đảm bảo đúng quy trình, thủ tục theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Sử dụng các công cụ cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (trong đó có có các loại giấy: Chứng nhận đăng ký tàu cá, Chứng nhận kỹ thuật an toàn tàu cá, giấy phép khai thác…) và hệ thống giám sát hành trình tàu cá (hành trình hoạt động khai thác đúng vùng quy định, thiết bị giám sát hành trình tàu cá phải duy trì liên tục kết mối với hệ thống giám sát tàu cá).
Đồng thời tham khảo thêm về Nhật ký khai thác thuỷ sản, Nhật ký thu mua/chuyển tải thuỷ sản khi cần thiết để đảm bảo chứng nhận nguồn gốc thuỷ sản nguồn gốc đạt yêu cầu, không bị nước nhập khẩu nghi ngờ, kiểm tra, thanh tra có thể làm mất thời gian, chi phí, thậm chí cả uy tín của doanh nghiệp cũng như chủ tàu cá, thuyền trưởng, cơ quan xác nhận, chứng nhận nguyên liệu, nguồn gốc thuỷ sản khai thác; đặc biệt là ảnh hưởng đến quyết tâm của Việt Nam chống khai thác IUU, sớm gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC.
Thứ 5, tập trung vấn đề thực thi pháp luật, xử lý tàu cá vi phạm khai thác IUU vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý và tàu cá có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài: Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia và các cơ quan chức năng cung cấp từ đầu năm 2023 đến nay Kiên Giang có 13 vụ/23 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý và tàu cá có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài đang xác minh làm rõ.
Kết quả xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài: Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 01 vụ/02 tàu với số tiền 900.000.000 đồng và 02 tịch thu tàu cá. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đang điều tra, xác minh rõ 12 vụ/21 tàu và xử lý theo quy định.
Cùng với đó là ngành chức năng tỉnh tập trung xử lý vi phạm khai thác IUU trong nước.Các lực lượng chức năng phối hợp với các địa phương đã mở nhiều đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát trên biển và đã tiến hành xử lý các phương tiện vi phạm khai thác IUU, như sau: Các sở, ngành (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, Hải đoàn Biên phòng 28) đã xử lý 378 vụ/403 tàu với tổng số tiền phạt 8.757.930.000 đồng. các địa phương đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 122 tàu với số tiền 1.317.000.000đ đồng. Ngoài ra các sở, ngành, lực lượng chức năng đã xử phạt 85 thiết bị giám sát hành trình với tổng số tiền 13.723.000.000 đồng...
Khởi tố vụ án hình sự liên quan hành vi tổ chức, môi giới đưa tàu cá, ngư dân ra nước ngoài khai thác hải sản trái phép, liên quan đến tàu cá và khởi tố hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan hành vi chuộc ngư dân.
- Trong thời gian “chạy nước rút" trong việc xem xét gỡ thẻ vàng IUU cho Việt Nam, Kiên Giang đang tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh: Tỉnh Kiên Giang đang tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại Thông báo số 370/TB-VPCP ngày 9.9.2023 của Văn phòng Chính phủ tại Hội nghị thúc đẩy các giải pháp chống khai thác IUU, chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn Thanh tra của Uỷ ban Châu Âu; Công văn số 6181/BNN-KN ngày 06.9.2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; trong đó khẩn trương thực hiện các biện pháp mạnh, xử lý dứt điểm các tồn tại, hạn chế, hoàn thành các nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm; cụ thể như sau:
Thứ nhất, ngăn chặn, xử lý tàu cá, ngư dân khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Chỉ đạo điều tra, xác minh, xử lý 100% các trường hợp tàu cá, ngư dân địa phương bị nước ngoài bắt giữ, xử lý và do lực lượng chức năng trong nước phát hiện, xử lý. Phối hợp với các lực lượng chức năng trung ương đóng trên địa bàn tỉnh (Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, Hải đoàn Biên phòng 28, Chi cục Kiểm ngư Vùng 5) tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm để tàu cá, ngư dân của tỉnh không còn tiếp tục vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Tập trung củng cố hồ sơ, đưa ra truy tố, xét xử về hành vi tổ chức, cá nhân môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài, công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để răn đe, giáo dục. Tăng cường lực lượng, giao trách nhiệm cho UBND xã, phường, thị trấn nắm chắc địa bàn cơ sở/trọng điểm có tàu cá, ngư dân vi phạm; phân công đảng viên, cán bộ, công chức phụ trách từng hộ chủ tàu cá để tuyên truyền, vận động, răn đe, ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp có dấu hiệu chuẩn bị đưa tàu/ngư dân đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Thứ hai, về quản lý đội tàu: Chỉ đạo rà soát, hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản theo quy định, cập nhật đầy đủ trên cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase). Đảm bảo số liệu tàu cá tại thời điểm báo cáo phải khớp, thống nhất với số liệu tàu cá trên VNFisbase; số lượng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên trên VNFishbase phải khớp với số lượng tàu cá trên Hệ thống giám sát tàu cá (VMS).
Thực hiện có hiệu quả việc khai thác, sử dụng VMS theo dõi, giám sát hoạt động tàu cá trên biển. Tổ chức trực ban 24/24 giờ để theo dõi, giám sát, đảm bảo 100% tàu cá phải duy trì kết nối với VMS từ lúc rời cảng đến khi cập cảng. Ngay khi phát hiện các trường hợp mất kết nối với VMS, vượt ranh giới trên biển…cử đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trực tiếp với chủ tàu, liên lạc với thuyền trưởng yêu cầu tuân thủ quy định về VMS, không vượt ranh giới trên biển và tiến hanh xác minh, xử lý vi phạm hành chính khi tàu về bờ.
Lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU (chưa đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác, thường xuyên ngắt kết nối VMS, vượt ranh giới trên biển, hoạt động sai vùng...) cho các lực lượng chức năng Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và UBND các huyện, thành phố ven biển, đảo theo dõi, giám sát. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ 100% tàu cá của tỉnh và tàu cá của tỉnh khác khi xuất, nhập bến phải đảm bảo đầy đủ điều kiện theo quy định; đặc biệt thiết bị giám sát hành trình tàu cá trên tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên phải mở máy, hoạt động bình thường từ lúc rời cảng, đến khi cập cảng.
Thứ ba, về truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác: Thực hiện nghiêm túc quy định kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng tại thực địa. Thu, nộp Nhật ký khai thác có sự kiểm tra chéo với dữ liệu trên VMS để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp hoạt động sai vùng (không để xảy ra trường hợp tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên hoạt động khai thác sai vùng, phát hiện qua trên VMS và thông tin ghi trên Nhật ký khai thác nhưng không có kết quả xác minh, xử lý).
Giám sát 100% sản lượng thủy sản khai thác được bốc dỡ tại các cảng cá chỉ định, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc thủy sản khai thác, không khai thác IUU. Tổng hợp danh sách các cảng cá, bến cá và sản lượng thuỷ khai thác được bốc dỡ qua các bến cá, điểm lên cá trên địa bàn toàn tỉnh từ các báo cáo của địa phương.
Khẩn trương rà soát toàn bộ hồ sơ xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thuỷ sản khai thác xuất khẩu sang thị trường Châu Âu đảm bảo truy xuất được nguồn gốc thủy sản khai thác theo chuỗi và thực hiện đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Căn cứ vào Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11.3.2021 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Kiên Giang đã triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế biển bền vững tỉnh Kiên Giang thông qua Đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2030, tầm nhìn 2045, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế thúc đẩy nghề nuôi biển phát triển nhanh theo hướng công nghiệp hiện đại.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 có 7.500 lồng nuôi cá biển, trong đó có 1.900 lồng công nghệ cao. Sản lượng nuôi cá lồng bè đạt 29.870 tấn, diện tích mặt nước biển sử dụng là 7.000 ha. Đến năm 2030 đạt 14.000 lồng nuôi, trong đó có 6.600 lồng công nghệ cao. Sản lượng đạt 105.720 tấn, diện tích sử dụng mặt nước biển là 16.000 ha.