Nguồn gốc đất tranh chấp
Theo đơn của ông Nguyễn Việt Dũng trình bày, ngày 6.1.2020, ông nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) 11.420,9m2 (ấp Suối Đá, xã Dương Tơ, TP Phú Quốc) thuộc thửa 218, tờ bản đồ số 1 của bà Nguyễn Thị Bích Liên. Khi nhận chuyển nhượng, ông Dũng đã thực hiện theo đúng quy định pháp luật, được Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai TP Phú Quốc đăng ký biến động QSDĐ vào 9.1.2020.
Thời gian này, bà Lâm Thị Chính đã phát sinh tranh chấp đất với bà Liên, nhưng ông Dũng không hay biết.
Về nguồn gốc thửa đất tranh chấp, theo các văn bản giải quyết khiếu nại của UBND huyện Phú Quốc (nay là TP Phú Quốc) và UBND tỉnh Kiên Giang đối với bà Lâm Thị Chính thể hiện, khoảng năm 1978, khu đất do Huyện ủy Phú Quốc quản lý. Sau đó, giao cho ông Lâm Văn Mười (cha ruột bà Lâm Thị Chính) trong coi khu đất có căn nhà cũ (không giao quyền sử dụng đất). Đến năm 1985, Huyện ủy Phú Quốc sử dụng một phần diện tích làm Xí nghiệp sản xuất gạch. Lúc này, cha bà Chính vẫn ở trong căn nhà cũ trên thửa đất được Huyện ủy giao thông coi trước đây.
Đến năm 1992, Xí nghiệp sản xuất gạch được Nhà nước đo đạc, cấp giấy xanh (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm) với diện tích hơn 38.600m2, thửa đất 60, tờ bản đồ số 1, ấp Suối Đá, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc. Đến 1993, Nhà nước giải thể Xí nghiệp sản xuất gạch và tổ chức bán đấu giá toàn bộ tài sản cho ông Huỳnh Văn Mang.
Ông Mang quản lý, sử dụng Xí nghiệp sản xuất lò gạch đến năm 1995 thì có đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích hơn 27.800m2 (trong đó có phần diện tích hơn 11.400m2 bà Chính tranh chấp với ông Dũng) và được UBND huyện Phú Quốc xác nhận. Đến tháng 11.1998, UBND huyện Phú Quốc cấp giấy xanh cho ông Mang với diện tích đất nêu trên.
Đến năm 2003, ông Mang có đơn xin cấp đổi giấy mới thì được UBND huyện Phú Quốc cấp sổ đỏ nhưng diện tích chỉ còn hơn 27.000m2, giảm hơn 800m2; gồm: thửa đất số 60a, tờ bản đồ số 1, diện tích 13.400m2; thửa 60b, tờ bản đồ số 1, diện tích hơn 13.600m2, đất cây công nghiệp, tại ấp Suối Đá, xã Dương Tơ.
Ông Mang sử dụng toàn bộ diện tích đất này đến năm 2004, ông Mang bán hơn 23.800m2 đất cho Công ty cổ phần chế biến thủy sản Liên Thành (gọi tắt là Công ty Liên Thành), sau đó công ty Liên Thành được UBND huyện Phú Quốc cấp sổ đỏ với diện tích 26.800m2 (trong đó có diện tích hơn 11.400m2 đất bà Chính tranh chấp với ông Dũng).
Đến tháng 8.2015, Công ty Liên Thành bán thửa đất hơn 11.400m2 (trong thửa đất 26.800m2) cho bà Nguyễn Thị Bích Liên. Đến tháng 9.2015, UBND huyện Phú Quốc cấp sổ đỏ cho bà Liên. Bà Liên trình bày, khi mua khu đất 11.400m2, thửa đất liền kề với đất bà Chính, có tường rào kẽm rai xung quanh khu đất. Đến năm 2020, bà Liên bán thửa đất lại cho ông Nguyễn Việt Dũng.
Về quyền lợi của gia đình ông Lâm Văn Mười (người thừa hưởng là bà Lâm Thị Chính), sau khi việc tranh chấp đất giữa bà Chính và ông Huỳnh Văn Mang được UBND huyện Phú Quốc, UBND tỉnh Kiên Giang giải quyết đúng theo quy định pháp luật, đến ngày 30.12.2005, bà Chính có đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích hơn 8.200m2 (khu đất Huyện ủy giao cho ông Lâm Văn Mười và bà Chính sinh sống) và được UBND huyện cấp sổ đỏ cho bà Chính.
Thắng nhiều cấp tòa vẫn chưa sử dụng được đất
Mặc dù nguồn gốc đất rõ ràng như thế, tuy nhiên, năm 2015, bà Chính phát sinh tranh chấp đất với bà Liên. Vì bà Chính ro rằng, khu đất UBND huyện cấp sổ xanh cho Xí nghiệp sản xuất gạch là phần đất của cha ruột bà. Do đó, việc ông Mang mua lại khu đất này và sau đó được UBND huyện Phú Quốc cấp sổ đỏ cho ông Mang là trái quy định pháp luật. Từ đó, việc ông Mang bán thửa đất cho Công ty Liên Thành và công ty này bán cho bà Liên; bà Liên bán cho ông Dũng là sai.
Bà Chính cho rằng, bà có quá trình canh tác sử dụng thửa đất tranh chấp từ trước năm 1996; trên đất có trồng cây, cất 2 căn nhà tạm nhưng không nhớ cất năm nào. Đặc biệt, trên thửa đất này, bà Chính còn quả quyết có 2 ngôi mộ, trong đó, có mộ liệt sĩ Lâm Văn Nhiều (anh trai bà Chính) được chôn cất từ năm 1996.
Trên cơ sở đó, bà Chính yêu cầu tòa án hủy tất cả các giấy chứng nhận QSDĐ do UBND huyện Phú Quốc và UBND tỉnh Kiên Giang đã cấp sổ đỏ cho thửa đất tranh chấp; hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà Liên và ông Nguyễn Việt Dũng. Bà Chính yêu cầu tòa án công nhận quyền sử dụng diện tích hơn 11.400m2 cho bà.
Tuy nhiên, tại bản án sơ thẩm số 18/2020/DS-ST ngày 2.7.2020 của TAND tỉnh Kiên Giang và bản án phúc thẩm số 677/DS-PT, ngày 15.12.2020 của TAND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đã bác toàn bộ yêu cầu của bà Lâm Thị Chính.
Nhưng đến ngày 4.11.2021, Chánh án TAND Tối cao ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao hủy bản án dân sự phúc thẩm và bản án dân sự sơ thẩm, xét xử lại theo quy định pháp luật.
Sau khi củng cố hồ sơ, từ ngày 15-23.11.2022, TAND tỉnh Kiên Giang mở phiên tòa sơ thẩm xét xử lại vụ án. Theo đó, TAND tỉnh Kiên Giang tiếp tục bác toàn bộ yêu cầu của bà Lâm Thị Chính; Công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà Nguyễn Thị Liên và ông Nguyễn Việt Dũng là hợp pháp. Buộc bà Chính di dời 2 ngôi mộ ra khỏi khu đất tranh chấp.
Liên quan đến mộ liệt sĩ Lâm Văn Nhiều được chôn cất trên thửa đất tranh chấp, Tòa án cho rằng, theo hồ sơ liệt sĩ Lâm Văn Nhiều tại công văn số 778/LĐTBXH-NCC ngày 17/4/2020, của Sở LĐ - TB&XH tỉnh Kiên Giang trả lời cho Tòa án xác định: "Liệt sĩ Lâm Văn Nhiều còn có tên gọi khác là Lâm Văn Đức, hy sinh ngày 20/11/1969, tại Kinh Xẻo Đước, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, thi hài liệt sĩ được mai táng tại xã Đông Yên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang; năm 1988 đã được quy tập và mai táng tại nghĩa trang liệt sĩ huyện An Biên đến nay".
Từ đó, Hội đồng xét xử nhận định, lời khai của bà Chính cho rằng mộ liệt sĩ Lâm Văn Nhiều đang được mai táng trên phần đất tranh chấp là không có cơ sở.
Kháng cáo lên tòa cấp cao… nhưng không đến dự tòa
Ngày 30.11.2022, bà Chính có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm lên TAND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh.
Đến ngày 24.4.2022 và ngày 19.5.2022, TAND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh mở phiên tòa phúc thẩm. Tại các phiên tòa này, bà Lâm Thị Chính và người đại diện theo ủy quyền đều vắng mặt.
Căn cứ vào Điều 289, 295, 296 Bộ luật tố tụng dân sự, TAND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh ra quyết định đình chỉ vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, yêu cầu di dời tài sản, vật kiến trúc trên đất, hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là bà Lâm Thị Chính, bị đơn là bà Nguyễn Thị Bích Liên và ông Nguyễn Việt Dũng người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
TAND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh còn quyết định Bản án sơ thẩm số 55/2022/DS-ST, ngày 23.11.2022 của TAND tỉnh Kiên Giang có hiệu lực pháp luật từ ngày 19.5.2022.
Ông Nguyễn Việt Dũng cho rằng, gia đình ông mất nhiều thời gian và công sức theo đuổi vụ kiện hơn 3 năm qua nhưng đến nay bà Lâm Thị Chính vẫn chưa di dời 2 ngôi mộ ra khỏi khu đất theo bản án đã tuyên. Ông Dũng đề nghị cơ quan thi hành án sớm thực hiện biện pháp cưỡng chế, di dời 2 ngôi mộ ra khỏi phần đất của ông, nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của ông.
Liên quan đến công tác thi hành án, ngày 5.6.2023, Cục Thi hành án dân sự tỉnh kiên Giang đã ban hành quyết định thi hành án theo yêu cầu của ông Nguyễn Việt Dũng.
Tuy nhiên đến nay, việc cưỡng chế di dời 2 ngôi mộ ra khỏi khu đất ông Dũng vẫn chưa được Cục Thi hành án dân sự tỉnh Kiên Giang triển khai.
* Báo điện tử Đại biểu Nhân dân sẽ tiếp tục giám sát và thông tin kết quả thực thi pháp luật của các cơ quan liên quan trong vụ việc nêu trên đến bạn đọc và cử tri cả nước.