Bức tranh đan xen những gam màu sáng - tối
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2024 tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, dù thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng các hoạt động kinh tế - xã hội ở trong nước diễn ra sôi động hơn. Tăng trưởng kinh tế tiếp tục phục hồi mạnh mẽ; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn, an ninh lương thực, an ninh năng lượng được bảo đảm. Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao về kết quả đạt được và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam năm 2024. Các cấp, ngành, địa phương đã khẩn trương, tập trung triển khai công việc, phấn đấu hoàn thành tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ và khối lượng công việc lớn đặt ra trong năm 2024.
Cũng theo Thứ trưởng, trong những tháng đầu năm 2024, công tác rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật tiếp tục được quan tâm, tập trung chỉ đạo; các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm và là điểm sáng… Đặc biệt, các hoạt động đối ngoại, ngoại giao cấp cao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục được triển khai toàn diện, hiệu quả. Nhờ vậy, vị thế, uy tín của Việt Nam tiếp tục được nâng cao, mở ra các cơ hội hợp tác trên nhiều lĩnh vực nhất là kinh tế, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...
Cơ bản tán thành với đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhưng theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), tình hình thế giới và trong nước có một số vấn đề cần được đánh giá đầy đủ hơn, để có nhận diện tình hình chính xác hơn, từ đó xác định giải pháp đúng và trúng cho các tháng còn lại của năm 2024, cũng như năm cuối giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025. Trong đó, đối với tình hình thế giới, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh, kinh tế thế giới đã không còn suy thoái, bước đầu phục hồi tương đối tốt nên sẽ là một động lực quan trọng cho phục hồi xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài và ngành du lịch của nước ta. Dù tăng trưởng của kinh tế thế giới được dự báo sẽ "đi ngang" trong năm 2024, nhưng cũng có thuận lợi khi lạm phát giảm tương đối nhanh. Đây sẽ là một cơ sở để nhiều quốc gia xem xét giảm lãi suất, giúp giảm áp lực lãi suất và tỷ giá với các quốc gia đang phát triển trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Đối với tình hình trong nước, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, các báo cáo của Chính phủ và Ủy ban Kinh tế cần nhấn mạnh đến quyết tâm đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế của Quốc hội, Chính phủ trong thời gian qua. Các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành của Chính phủ đã "làm ngày, làm đêm" để trình Quốc hội thông qua những đạo luật quan trọng, như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)... Việc Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường để thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã cho thấy tinh thần lập pháp chủ động, quyết sách kịp thời để tháo gỡ hiệu quả nhiều điểm nghẽn của nền kinh tế.
Dù vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, diễn biến tình hình kinh tế - xã hội quý I.2024 cũng bộc lộ những khó khăn, thách thức. Để nhìn nhận đầy đủ, toàn diện hơn tình hình phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm, trên cơ sở bám sát các nhóm nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Quốc hội, nhiều đại biểu đề nghị, Chính phủ, các bộ, ngành cần chú ý đánh giá tốc độ tăng trưởng GDP quý I dù có cải thiện nhưng chưa có sự đột phá để tạo đà cho giai đoạn tăng trưởng cao; ngành khai khoáng suy giảm trong khi công nghiệp chế biến, chế tạo chưa lấy lại đà tăng trưởng cao như giai đoạn trước đại dịch Covid - 19.
Theo ĐBQH Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ), cần quan tâm đánh giá việc tổng cầu trong nước yếu, chậm hồi phục. Trên thực tế, trong “cỗ xe tam mã” (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu), ngoại trừ xuất khẩu hàng hóa có mức phục hồi tăng trưởng ấn tượng trong quý I.2024, cầu tiêu dùng tăng thấp hơn kỳ vọng, cầu đầu tư phục hồi chậm, trong đó cầu đầu tư tư nhân yếu và tình trạng nhập siêu dịch vụ chưa được cải thiện. Vấn đề cũng đồng thời được đưa ra tại báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và báo cáo kết quả nghiên cứu bước đầu của Thường trực Ủy ban Kinh tế.
Đánh giá về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, không chỉ cầu tiêu dùng trong nước thấp, nhìn chung người tiêu dùng trên thế giới đều chi tiêu thận trọng. Một ví dụ có thể thấy ngay trong ngành du lịch nước ta, thông qua nhận định “số lượng khách du lịch nước ngoài tăng cao, song thu từ du lịch tăng trưởng không tương xứng” được đưa ra trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Do vậy, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cần quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phối hợp hiệu quả chính sách tài khóa và tiền tệ, nâng hạng thị trường chứng khoán…
Bên cạnh những giải pháp nêu trên, một số ý kiến lưu ý, việc duy trì thành công ổn định kinh tế vĩ mô nước ta trong những năm vừa qua có nguyên nhân quan trọng do Quốc hội, Chính phủ kiên trì duy trì mục tiêu “thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế”. Do vậy, các chính sách điều hành kinh tế thời gian tới cần đưa ra trên cơ sở nhìn nhận vấn đề thật bài bản, kiên trì thực hiện theo mục tiêu đề ra và có sự phối hợp, đồng hành của Quốc hội, Chính phủ.
Cần giải pháp quyết liệt hơn
Trong Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu rõ một số hạn chế khác trong các tháng đầu năm 2024 gồm: tỷ giá USD bán ra tại các ngân hàng thương mại có xu hướng tăng; thị trường tài chính, tiền tệ, hệ thống ngân hàng còn tiềm ẩn rủi ro; quản lý thị trường vàng còn bất cập, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn; thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn khó khăn, áp lực đáo hạn trái phiếu năm 2024 lớn…
Trong các bất cập về quản lý thị trường vàng, một số ý kiến lưu ý, chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới chỉ là một yếu tố. Vấn đề quan trọng hơn đang nằm ở việc không ai biết quy mô thực sự của thị trường ra sao, khối lượng giao dịch và cung cầu thực tế của thị trường như thế nào? ĐBQH Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) cho rằng, dù việc Chính phủ triển khai đấu giá vàng SJC là đúng và kịp thời, nhưng thời gian tới cần quản lý hiệu quả hơn nữa.
Để khắc phục tình trạng chênh lệch giá vàng cao, biến động trên thị trường nhiều, theo đại biểu Phạm Văn Thịnh, Chính phủ cần nghiên cứu áp dụng biện pháp quản lý mới, yêu cầu các điểm kinh doanh vàng phải đăng ký và quản lý chặt chẽ sản lượng giao dịch của các điểm giao dịch, giúp ngăn chặn hiệu quả tình trạng thao túng thị trường, triệt tiêu lợi ích, động cơ không trong sáng với thị trường vàng. “Việc áp dụng giải pháp này cũng đã cho thấy hiệu quả rõ rệt trong quản lý thị trường xăng dầu nước ta thời gian trước”, đại biểu Phạm Văn Thịnh nói.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội các tháng đầu năm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, trong các tháng tới, cần kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu của hệ thống tài chính, ngân hàng. Đồng thời, điều hành đồng bộ, hài hòa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác nhằm tháo gỡ khó khăn cho các thị trường, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với chính sách thúc đẩy đầu tư, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy đầu tư công mà trọng tâm là các dự án quan trọng quốc gia, để vừa kích tổng cầu trong ngắn hạn, vừa tạo cung dài hạn và hạn chế tác động phụ của các chính sách trọng cầu. Cùng với đó, tiếp tục kiến tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho khu vực tư nhân thông qua việc cắt giảm thực chất những điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp thành lập và phát triển; cải thiện khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp nhằm giúp khơi thông dòng vốn tín dụng…