Trước đó, tại Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về công tác quản lý Nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, môi trường đối với khu công nghiệp, khu đô thị đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại Khu công nghiệp (KCN) Tây Bắc Củ Chi.
Cụ thể, tư năm 2010 - 2016, KCN Tây Bắc Củ Chi xảy ra việc tính tiền thuê đất diện tích 919.095 m2 không đúng thời gian của các hợp đồng thuê đất theo quy định, dẫn đến chậm nộp tiền vào ngân sách Nhà nước.
Cho Công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) thuê đất nhưng để đất trống 24 ha và không có biện pháp xử lý gây lãng phí.
Sử dụng 1.943 triệu đồng nguồn duy tu trả cho việc xây dựng Văn phòng làm việc cơ quan Đảng, Đoàn thể tại KCN Tây Bắc Củ Chi là không đúng quy định của Bộ Tài chính.
Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/2000 Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi từ 215,7 ha xuống 208 ha làm giảm 7,7 ha về quy mô, diện tích, ranh giới của KCN Tây Bắc Củ Chi so với diện tích được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Không lấy ý kiến nhân dân trước khi phê duyệt điều chỉnh quy hoạch; Không ban hành quy định quản lý quy hoạch điều chỉnh, dẫn đến không đảm bảo đúng quy trình, định hướng, sự công khai đối với người dân, đảm bảo việc xây dựng khu công nghiệp được thống nhất.
Lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, cấp phép xây dựng mật độ xây dựng thuần (net-tô) tối đa tại các khu đất B3, B2, B1, A2, A1, C1, D, C2 là 70% (vượt Quy chuẩn xây dựng quy định tối đa là 60%), dẫn đến một số khu chức năng không đảm bảo theo quy định ảnh hưởng đến việc đảm bảo diện tích đất xây dựng hạ tầng, cây xanh, môi trường; không trồng 4,5 ha cây xanh tại khu công viên; không thực hiện đầu tư công trình vận chuyển - xử lý chất thải nguy hại tập trung theo quy định.
Theo Thanh tra Chính phủ, để xảy ra những tồn tại, khuyết điểm, sai phạm tại KCN Tây Bắc Củ Chi nêu trên thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư, các sở ngành của thành phố, UBND các quận, huyện, Ban quản lý khu công nghiệp thành phố và UBND TP. Hồ Chí Minh.
Liên quan về vấn đề này, Ban Quản lý các Khu chiết xuất và công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (BQL) cho biết, thời điểm triển khai xây dựng trụ sở Văn phòng Đảng – Đoàn thể, để kịp thời triển khai dự án theo tiến độ đề ra, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghiệp Thương mại Củ Chi (CIDICO) có ứng trước từ nguồn phí duy tu tái tạo cơ sở hạ tầng để xây dựng trụ sở Văn phòng Đảng – Đoàn thể. Tuy nhiên, ngày 13.6.2018, Công ty CIDICO đã hoàn trả số tiền này.
Đối với việc đầu tư công trình vận chuyển – xử lý chất thải nguy hại tập trung, BQL cho biết ngày 2.8.2010 UBND Thành phố đã ban hành quyết định về điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 KCN Tây Bắc Củ Chi.
Theo đó đất xây dựng công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật có diện tích 1,93 ha gồm các hạng mục: nhà máy xử lý nước thải tập trung, trạm cấp nước (không có hạng mục công trình vận chuyển - xử lý chất thải nguy hại tập trung).
Mặt khác, Luật Bảo vệ Môi trường 2005 có quy định chi tiết tại Điểm a, Khoản 1, Điều 74: "I. Cơ sở xử lý chất thải nguy hại phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ một trưởng sau đây: a) Phù hợp với quy hoạch về thu gom, xử lý, chôn lấp chất thải nguy hại đã được phê duyệt".
Điều 9 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu có quy định: "Địa điểm của cơ sở xử lý chất thải nguy hại (trừ trường hợp cơ sở sản xuất có hoạt động đồng xử lý chất thải nguy hại) thuộc các quy hoạch có nội dung về quản lý, xử lý chất thải do cơ quan có thẩm quyền từ cấp tỉnh trở lên phê duyệt theo quy định của pháp luật".
“Do đó, điều kiện để Chủ đầu tư Khu công nghiệp thực hiện xử lý chất thải nguy hại phải phù hợp với Quy hoạch về thu gom, xử lý, chôn lấp đã được phê duyệt. Căn cứ theo Quyết định số 589/QĐ-TTg ngày 20/05/2008 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch vùng TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2050 có quy hoạch 1 khu xử lý chất thải công nghiệp và y tế nguy hại tại Tây - Bắc huyện Củ Chi với quy mô 800 ha, theo quyết định này thì không có khu xử lý chất thải nguy hại trong khu công nghiệp tập trung, do đó việc Công ty CIDICO không triển khai hạng mục xử lý chất thải nguy hại là phù hợp quy định”, BQL nêu rõ trong văn bản trả lời.
BQL cũng cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp đang hoạt động trong KCN Tây Bắc Củ Chi có phát sinh chất thải nguy hại đều có bố trí khu vực lưu chứa tạm thời chất thải nguy hại riêng, báo cáo định kỳ, kho chứa lắp đặt biển báo, dán nhãn và ký hợp đồng chuyển giao chất thải nguy hại với đơn vị có chức năng là đúng với theo quy định.
Theo đó, KCN Tây Bắc Củ Chi được Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận đã thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Tây Bắc Củ Chi, đáp ứng đầy đủ cácyêu cầu về bảo vệ môi trường để vận hành chính thức KCN đúng theo quy định về đánh giá môi trường chiến lược, báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường.
KCN Tây Bắc Củ Chi được Chính phủ thành lập theo Quyết định số 405/TTg ngày 11/06/1997 (giai đoạn 1), diện tích 208 ha và Quyết định số 5058/QĐ-UBND ngày 02/10/2012 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh về việc thành lập khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi mở rộng (giai đoạn 2 đang trong giai đoạn triển khai), diện tích 173,24 ha.
KCN Tây Bắc Củ Chi do Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Phát Triển Công Nghiệp Thương Mại Củ Chi (CIDICO) đầu tư xây dựng.
*Báo điện tử Đại biểu Nhân dân tiếp tục giám sát và thông tin kết quả thực thi pháp luật đến bạn đọc và cử tri cả nước.