- Đề nghị làm rõ hàng loạt hợp đồng giao việc tiền tỷ của Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh
- Vì sao nguyên Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ nghỉ việc nhưng chưa hoàn tất bàn giao?
- TP. Hồ Chí Minh: Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xin nghỉ việc nhưng không hợp tác bàn giao
Nhiều tồn tại
Ngày 27.4.2015, UBND TP. Hồ Chí Minh có quyết định số 2032/QĐ-UBND phê duyệt dự án “Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020” (thuộc chương trình Quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020), cơ quan quản lý dự án là Sở KH-CN; Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (thuộc Sở KH-CN) là đơn vị thường trực.
Tổng kinh phí thực hiện dự án giai đoạn 2016-2020 hơn 30 tỷ đồng. Kinh phí thực hiện dự án được huy động từ các nguồn kinh phí của doanh nghiệp từ Quỹ phát triển KH-CN, từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ và các kinh phí khác có liên quan đến dự án.
Mục tiêu chung của dự án là phát triển phong trào năng suất thông qua việc xây dựng các mô hình doanh nghiệp năng suất điển hình, từ đó nhân rộng các mô hình này một cách đồng bộ và rộng khắp tại các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh; Tạo bước chuyển biến rõ rệt về năng suất và chất lượng của các sản phẩm hàng hóa chủ lực của thành phố, nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.
Dự án có 6 nhóm nhiệm vụ, gồm: Đánh giá thực trạng tình hình sản xuất, xác định danh mục doanh nghiệp cần nâng cao năng suất và sản phẩm, hàng hóa cần nâng cao chất lượng; Thông tin và tuyên truyền; Xây dựng đội ngũ chuyên gia nòng cốt về năng suất và chất lượng; Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng; Xây dựng tổ chức đánh giá sự phù hợp; Đánh giá trình độ chất lượng của sản phẩm, hàng hóa của địa phương; Đo lường TFP của doanh nghiệp, TFP của thành phố và một số ngành công nghiệp.
Ngày 23.10.2020, Sở KH-CN TP. Hồ Chí Minh có báo cáo (số 2782/SKHCN-TĐC) báo cáo tổng kết, đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện dự án trên, gửi Bộ KH-CN, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Văn phòng UBND TP. Hồ Chí Minh.
Theo báo cáo, từ năm 2017, chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp đã thay đổi hình thức hỗ trợ thực hiện từ cách hỗ trợ trực tiếp chuyển sang hỗ trợ thông qua các tổ chức tư vấn, huấn luyện thông qua hình thức vận dụng nhiệm vụ KH-CN.
Nội dung báo cáo nêu: Việc triển khai dự án tại TP.Hồ Chí Minh gặp không ít khó khăn, thách thức như: Đội ngũ cán bộ quản lý, tư vấn năng suất chất lượng còn rất thiếu; nguồn kinh phí sử dụng chủ yếu từ ngân sách địa phương còn hạn hẹp, nhận thức và sự quan tâm, chủ động thực hiện các cải tiến nâng cao năng suất chất lượng còn chưa đầy đủ…
Tại Phục lục 2 (việc hoàn thành các mục tiêu của dự án giai đoạn 2016-2020) của báo cáo cho thấy có nhiều chỉ tiêu, mục tiêu không đạt.
Cụ thể: Năm 2016, chỉ tiêu hỗ trợ đào tạo tối thiểu 30 chuyên gia tư vấn về năng suất chất lượng/năm, đào tạo tối thiểu 30 giảng viên năng suất chất lượng/năm đều không đạt.
Trong các năm từ 2016-2020, chỉ tiêu hướng dẫn tối thiểu 60-100 doanh nghiệp/năm áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng không đạt. Chỉ tiêu hỗ trợ 300-500 doanh nghiệp/giai đoạn nhưng chỉ hỗ trợ được 159 doanh nghiệp.
Chỉ tiêu hỗ trợ tối thiểu một phòng thí nghiệm/năm để nâng cấp phòng thử nghiệm, tăng cường năng lực trang thiết bị thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa đáp ứng yêu cầu đánh giá phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các sản phẩm hàng hóa trọng yếu của thành phố chỉ làm được 3 phòng thay vì 5 phòng như đã đề ra.
Nội dung báo cáo còn nêu: Nguyên nhân các kết quả đạt được quá cao hay quá thấp so với mục tiêu ban đầu của dự án là do trong quá trình thực hiện Sở KH-CN chủ động điều chỉnh nội dung, mục tiêu và phương pháp thực hiện…
Nghiệm thu đã đảm bảo minh bạch, đúng pháp luật?
Để có được kết quả báo cáo như trên, ngày 18.9.2020, Sở KH-CN và Chi Cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã ký hợp đồng giao việc (số 62/2020/HĐ-SKHCN) về việc thực hiện đánh giá hiệu quả triển khai dự án trên.
Theo hợp đồng này, Chi Cục sẽ thực hiện các nội dung: Xây dựng bộ tiêu chí, chỉ tiêu điều tra, đánh giá hiệu quả triển khai chương trình; Tổ chức thực hiện điều tra, đánh giá kết quả, hiệu quả triển khai chương trình; Lập báo cáo đánh giá kết quả, hiệu quả triển khai chương trình; Lập báo cáo tổng hợp, phân tích, đánh giá về tác động của cơ chế quản lý, cơ chế tài chính thực hiện dự án; Lập báo cáo đề xuất, khuyến nghị cải tiến chương trình trong giai đoạn tiếp; Tổ chức hội thảo khoa học chia sẻ kết quả nhiệm vụ.
Đáng chú ý trong hợp đồng giao việc trên là “Nhiệm vụ sẽ được giao cho Chi nhánh Viện Năng suất Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh”?.
Tổng giá trị hợp đồng hơn 852 triệu đồng. Hợp đồng được thực hiện năm 2020 và 2021. Theo hợp đồng, số tiền trên sẽ được chuyển vào tài khoản của Chi Cục thành 3 đợt.
Theo Quyết định 2032/QĐ-UBND ngày 27.4.2015 của UBND TP. Hồ Chí Minh, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng là cơ quan thường trực có nhiệm vụ tham mưu giúp Sở KH-CN quản lý, điều hành và thực hiện dự án; Lập kế hoạch và dự toán kinh phí hoạt động hàng năm cho hoạt động của dự án để Sở KH-CN trình UBND TP. Hồ Chí Minh phê duyệt; Thực hiện việc sơ kết, tổng kết và báo cáo định kỳ…
Đáng chú ý, Chi cục là tổ chức được quy định nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện quản lý, triển khai thực hiện dự án nên phải có trách nhiệm đánh giá, tổng kết dự án, nhưng Sở KH-CN lại ký hợp đồng với Chi cục để đánh giá dự án, rồi sau đó tiếp tục giao cho Chi nhánh Viện Năng suất Việt Nam TP. Hồ Chí Minh.
*Báo Đại biểu Nhân dân tiếp tục giám sát và thông tin kết quả thực thi pháp luật của các đơn vị liên quan đến bạn đọc và cử tri cả nước.