Thanh tra TP. Hồ Chí Minh vừa công khai thông báo kết luận thanh tra (KLTT, số 153/TB-TTTP-P3) ngày 1.11.2023 thanh tra trách nhiệm Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính tại Sở. Thời kỳ thanh tra 2021 – 2022.
Hàng loạt thiếu sót trong lĩnh vực tài chính, ngân sách
Thông báo KLTT về công tác quản lý, sử dụng nguồn kinh phí ngân sách: Sở GD-ĐT không giao dự toán trên cơ sở phương án thu chi ngân sách theo quy định tại Điều 18, Điều 19 Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14.10.2015 của Chính phủ mà thực hiện phân bổ theo số học sinh bình quân đối với khối giáo dục phổ thông.
Dự toán quỹ tiền lương tại Văn phòng Sở và các đơn vị trực thuộc chưa thực hiện giảm chi dự toán đối với số lượng biên chế giảm do tình giản biên chế và nghỉ việc của các đơn vị (số lượng 213 người). Điều này chưa phù hợp theo quy định tại điểm b, điểm c Mục 3 Điều 12 Thông tư số 71/2020/TT-BTC ngày 30.7.2020 của Bộ Tài chính và khoản III Mục B Công văn số 5055/STC-NS ngày 10.8.2020 của Sở Tài chính…
Đối với công tác công khai tài chính Sở GD-ĐT còn hạn chế, thiếu sót trong việc theo dõi, quản lý, thống kê, tổng hợp việc công khai tài chính tại Sở và các đơn vị trực thuộc. Điều này dẫn đến vẫn còn nhiều đơn vị chưa đảm bảo thực hiện đầy đủ việc công khai tài chính theo quy định tại Thông tư số 61/2017/TT-BTC ngày 15.6.2017 và Thông tư số 90/2018/TT-BTC ngày 28.9.2018 của Bộ Tài chính; Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28.12.2017 của Bộ GD-ĐT và Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015.
Theo thông báo KLTT, Sở GD-ĐT ban hành công văn số 2925/GDĐT-KHTC ngày 14.9.2020 hướng dẫn khung mức thu đối với các khoản thu thỏa thuận cho các đơn vị trực thuộc Sở năm học 2020 – 2021 (tiếp tục áp dụng cho năm học 2021 – 2022) là chưa phù hợp thẩm quyền quy định tại điểm b khoản 6 Điều 99 Luật Giáo dục năm 2019 và khoản 3 Điều 7 Nghị định số 24/2021/NĐ-CP ngày 23.3.2021 của Chính phủ.
Sở chưa xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật đối với các ngành đào tạo, các dịch vụ giáo dục đào tạo do Nhà nước tổ chức đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ từ nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước theo quy định khoản 1 Điều 11 Thông tư số 14/2019/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT.
Đối với khoản thu hộ, chi hộ (điện, nước uống, đề thi giấy thi, phục vụ thi nghề, văn bằng tốt nghiệp) các đơn vị chưa đảm bảo nguyên tắc thu đủ bù chi; Việc công khai kế hoạch, tình hình quản lý thu, chi đối với các khoản thu thỏa thuận, thu hộ vẫn chưa đảm bảo đầy đủ theo quy định.
Sở GD-ĐT chưa hướng dẫn xử lý đối với khoản thu hộ, chi hộ hơn 590 triệu đồng từ hoạt động của Trung tâm Văn hóa ngoài giờ để dạy thêm cho học sinh tại Trường THPT Củ Chi.
Đối với chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt, thông báo KTLT nêu: Một số đơn vị trực thuộc vẫn còn thực hiện các khoản thu qua hình thức tiền mặt, chưa triển khai thu học phí và các khoản thu khác bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Điều này chưa thực hiện nghiêm túc theo tinh thần của Nghị quyết số 02/NQ-CP và Quyết định số 241/QĐ-TTg của Chính phủ.
Việc lập dự toán, quản lý thiết bị phục vụ kỳ thi: Đơn giá thuê máy hủy giấy công nghiệp siêu tốc và máy in laser trắng đen tốc độ cao in 2 mặt, Ethernet bằng 47,3% đến 48% so với đơn giá mua, thời gian thuê 2 tháng gần bằng với giá tiền mua máy mới. Điều này cho thấy việc thuê máy cần phải xem xét cẩn trọng để đảm bảo hiệu quả. Số lượng thuê tăng 1,3 đến 2 lần so với dự toán số lượng mua cho thấy việc lập dự toán số lượng mua ban đầu phục vụ kỳ thi là chưa sát với thực tế…
Chưa có chính kiến trong đề án sử dụng tài sản công
Đối với việc xử lý, sắp xếp cơ sở nhà, đất theo quy định tại Nghị định số 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ và quản lý việc sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, liên kết đối với các đơn vị trực thuộc cũng có nhiều thiếu sót.
Cụ thể Sở GD-ĐT không có ý kiến bằng văn bản thể hiện chính kiến đối với các đề án sử dụng tài sản công của các đơn vị trực thuộc. Điều này chưa thực hiện đúng chỉ đạo của UBND TP. Hồ Chí Minh tại văn bản số 2742/VP-KT ngày 4.4.2020 của Văn phòng UBND TP. Hồ Chí Minh và quy định tại điểm a, khoản 3 Điều 44 Nghị định 151/2017/NĐ-CP ngày 26.12.2017 của Chính phủ.
Trong thời gian chờ phê duyệt đề án sử dụng tài sản công, 7 trường được kiểm tra trong năm 2021 – 2022: có thực hiện việc ký kết các hợp đồng, phụ lục gia hạn hợp đồng cho thuê, liên kết chưa thông qua đấu thầu, đấu giá hoặc có thông qua đấu giá nhưng hết thời gian năm học không tổ chức đấu giá lại mà tiếp tục gia hạn hợp đồng (Trường THPT Lê Quý Đôn, Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Định, Trường THPT Phú Nhuận, Trường THPT Trần Đại Nghĩa, Trường THPT Củ Chi).
Cho thuê, liên kết để thực hiện các hoạt động dịch vụ đặt máy ATM (Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh), đặt tiệm trà bánh, photocopy, cho thuê phòng học và phóng vi tính (Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền). Các vấn đề trên là thực hiện chưa đúng chỉ đạo của UBND TP. Hồ Chí Minh tại thông báo kết luận số 634/TB-VP ngày 23.9.2019 và hướng dẫn của Sở GD-ĐT tại văn bản số 3706/GDĐT-KHTC ngày 9.10.2019 và số 57/GDĐT-KHTC ngày 7.1.2020.
Từ các sai sót trên, Thanh tra TP. Hồ Chí Minh kiến nghị và được Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh chấp thuận chỉ đạo: Giao Giám đốc Sở GD-ĐT tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát và nghiêm túc tổ chức thực hiện tốt, đầy đủ các biện pháp về công khai, minh bạch tài chính; Thống kê lại toàn bộ các cơ sở nhà, đất mà Sở và các đơn vị trực thuộc đang quản lý, sử dụng để phân loại rõ danh mục nhà, đất thuộc hay không thuộc phạm vi phải xử lý, sắp xếp theo Nghị định 67/2021/NĐ-CP.
Thực hiện các thủ tục nộp ngân sách đối với khoản thu hộ, chi hộ hơn 590 triệu đồng tại Trường THPT Củ Chi theo quy định.
* Báo Đại biểu Nhân dân sẽ giám sát, thông tin quá trình thực thi pháp luật của Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh và các đơn vị trực thuộc đến bạn đọc và cử tri cả nước.