Ưu tiên vốn phát triển hệ thống kho xăng dầu dự trữ Quốc gia
Trong năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”. Qua giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ rõ những bất cập, điểm nghẽn trong quản lý năng lượng, những rào cản trong chuyển dịch năng lượng bền vững và đề xuất hệ thống giải pháp trước mắt, dài hạn để giải bài toán phát triển năng lượng bền vững trong tình hình mới.
Từ kết quả giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết giám sát chuyên đề xác định hệ thống giải pháp đồng bộ trước mắt và lâu dài, các giải pháp cần làm ngay trong giai đoạn 2024 - 2025 để biến thách thức thành cơ hội, thực hiện thành công các mục tiêu mà Bộ Chính trị đã đề ra tại Nghị quyết số 55 – NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong số các nhiệm vụ phải hoàn thành trước năm 2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách phát triển, vận hành thị trường năng lượng cạnh tranh phù hợp với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp theo lộ trình phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh.
Đối với dự trữ xăng dầu Quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu nghiên cứu, đánh giá tác động, hoàn thiện cơ chế, chính sách về huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng, quy chế quản lý kho dự trữ Quốc gia về dầu thô và sản phẩm xăng dầu tại mỗi miền Bắc, Trung, Nam, bảo quản xăng dầu dự trữ Quốc gia; Trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét, quyết định.
Khẩn trương xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật về bảo quản xăng dầu dự trữ Quốc gia phù hợp thực tế. Có chính sách về ưu tiên cân đối, bố trí vốn đầu tư công trung hạn và dài hạn cho các dự án đầu tư phát triển hệ thống kho xăng dầu dự trữ Quốc gia phù hợp với tiến độ quy hoạch.
Cơ cấu lại mặt hàng xăng dầu dự trữ Quốc gia phù hợp với các loại sản phẩm được lưu thông trên thị trường; Biện pháp đảm bảo đủ nguồn cung xăng dầu, tránh đứt gãy ở mọi phân khúc, thị trường, nhất là trong thời gian bảo dưỡng các nhà máy lọc dầu. Khẩn trương triển khai thực hiện Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Dự án Tổng kho dự trữ 450.000m3 xăng dầu chờ “hồi sinh”
Trong danh mục dự án năng lượng trọng điểm vướng mắc, chậm tiến độ được đưa vào Nghị quyết giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021” của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có Tổng kho xăng dầu Phú Xuân - Nhà Bè do Công ty cổ phần Kho cảng xăng dầu hàng không miền Nam làm chủ đầu tư.
Tổng kho xăng dầu Phú Xuân - Nhà Bè được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1030/QĐ-TTg ngày 13.7.2017 về Quy hoạch phát triển hệ thống dự trữ dầu thô và các sản phẩm xăng dầu của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 với sức chứa 450.000m3, do Công ty Cổ phần Kho cảng Xăng dầu hàng không miền Nam đầu tư xây dựng, kinh phí dự toán khoảng 12.000 tỷ đồng. Đây cũng là công trình cơ khí trọng điểm nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia,
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sự bất ổn của thị trường xăng dầu trong nước và quốc tế đã làm tiến độ xây dựng công trình kho cảng bị đình trệ. Mặt khác do thiếu hụt nguồn vốn khiến công trình rơi vào bế tắc. Hiện Tổng kho xăng dầu Phú Xuân – Nhà Bè đã thi công được 70% cầu cảng, vật tư thiết bị chuẩn bị cho việc xây dựng kho chứa 230.000m3 đạt 80%.
Nếu được giải quyết sớm về nguồn vốn, kho cảng sẽ được đưa vào sử dụng trước tháng 12.2023 với sức chứa 230.000m3 xăng dầu và hoàn thành toàn bộ tổng kho chứa 430.000m3 xăng dầu vào tháng 6.2024. Khi Tổng kho xăng dầu Phú Xuân – Nhà Bè được đưa vào sử dụng giúp tăng dự trữ thương mại khoảng 16 ngày tiêu thụ khu vực phía Nam và 45 ngày tiêu thụ TP. Hồ Chí Minh.
Trước những khó khăn này, ngày 09.11.2022, Công ty Cổ phần Kho cảng xăng dầu hàng không miền Nam có đơn số 912/XDHK-MN gửi Thủ Tướng Chính phủ với nội dung mong muốn sớm có cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ở các ngân hàng thương mại, giúp doanh nghiệp thực hiện hoàn chỉnh các hạng mục công trình của Tổng kho Phú Xuân - Nhà Bè sớm đưa vào sử dụng.
Qua đó bổ sung kịp thời nguồn dự trữ xăng dầu, giúp tăng dự trữ thương mại khoảng 16 ngày tiêu thụ khu vực phía Nam và 45 ngày tiêu thụ TP. Hồ Chí Minh.
Được sự quan tâm chỉ đạo của Thủ Tướng, ngày 16.11.2022 Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 7739/VPCP-KTTH gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét xử lý theo thẩm quyền, trả lời cho Công ty Cổ phần Kho cảng xăng dầu hàng không miền Nam và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý trước ngày 20.11.2022.
Ngày 7.12.2022, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 8223/VPCP-CN thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Công thương xử lý đối với các vấn đề liên quan đến thông tin báo chí và dư luận nêu thời gian vừa qua về Tổng kho dự trữ xăng dầu bị bỏ hoang.
Sau đó, Bộ Công thương đề nghị Công ty Cổ phần Kho cảng xăng dầu hàng không miền Nam báo cáo tình hình triển khai đầu tư xây dựng công trình Tổng kho xăng dầu Phú Xuân - Nhà Bè.
Ghi nhận thực tế, bên trong công trình cỏ mọc um tùm, cầu cảng dở dang, sắt thép, máy móc hoen rỉ, bồn chứa bỏ hoang, nhiều nguyên vật liệu, thiết bị đã có dấu hiệu xuống cấp sau thời gian dài dừng hoạt động.
Nói về việc nguồn cung xăng dầu khan hiếm và tầm quan trọng của việc xây dựng các tổng kho xăng dầu dự trữ để phòng ngừa rủi ro, theo chuyên gia kinh tế - PGS.TS Ngô Trí Long (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả - Bộ Tài chính), trước bối cảnh nguồn cung năng lượng bị khủng hoảng, thâm hụt, Chính phủ cũng đã yêu cầu xây dựng các kho dự trữ. Nhưng để phòng ngừa rủi ro về giá có rất nhiều yếu tố, ví dụ đối với doanh nghiệp phải phòng ngừa bằng công cụ Hedging (thuật ngữ chỉ các công cụ, giải pháp phòng ngừa rủi ro). Còn đối với quốc gia hay ngay từ doanh nghiệp cũng phải có quy định về lượng dự trữ xăng dầu cụ thể.
“Bất kỳ quốc gia nào cũng như vậy, muốn đảm bảo an ninh năng lượng phải có dự trữ. Dự trữ đến mức độ nào và tuỳ thuộc vào năng lực, tiềm năng của từng nước mà xây dựng kho chứa làm sao cho hợp lý... Cái thứ hai là trong bối cảnh tình hình nguồn cung khó khăn, khan hiếm như vừa qua thì có tác dụng nhưng thực tế nếu anh dự trữ không hợp lý thì cũng sẽ không có hiệu quả”, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long phân tích.
Cũng theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, dự trữ cần phải tính toán quy mô là bao nhiêu, vốn đầu tư là bao nhiêu, dự trữ mức độ nào và bao nhiêu là cần thiết...
Liên quan Tổng kho xăng dầu Phú Xuân - Nhà Bè bị bỏ hoang vì thiếu kinh phí và tầm quan trọng của việc xây dựng các kho dự trữ, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, dự trữ là cần thiết, là tất yếu đối với vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng. Các vấn đề đặt ra là có nâng dự trữ bắt buộc đối với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hay không? bao nhiêu ngày? quốc gia là bao nhiêu ngày? phải tính toán cụ thể.
“Việc dự trữ, xây dựng các tổng kho dự trữ xăng dầu nhằm đảm bảo an ninh năng lượng là rất cần thiết, nhưng phải tính toán cho phù hợp với nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp, của quốc gia”, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh.
* Báo Đại biểu Nhân dân sẽ tiếp tục giám sát và thông tin đến bạn đọc và cử tri cả nước.