ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang):
Cùng tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng quy hoạch

Chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội về quy hoạch rất trúng và đúng, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn trước những vấn đề vướng mắc nảy sinh kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành. Thực tế, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhiều lần đôn đốc và ban hành nghị quyết nhằm hỗ trợ đẩy nhanh quá trình lập các quy hoạch, thế nhưng công tác quy hoạch vẫn không đáp ứng được yêu cầu đề ra. Vì vậy, chuyên đề giám sát lần này nhằm kịp thời nhận diện những vấn đề tồn tại, cản trở quá trình lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch, từ đó có giải pháp hiệu quả để nhanh chóng hoàn thành các quy hoạch bởi công tác quy hoạch có ý nghĩa rất quan trọng, tạo nền tảng cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, đặc biệt là trong giai đoạn tới.
Những hệ lụy do quy hoạch kém đang làm ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày của người dân, được rất nhiều cử tri quan tâm. Chẳng hạn như tác động của quy hoạch đô thị ở Hà Nội cứ mưa là ngập, tắc đường liên miên… khiến người dân bức xúc. Công tác quy hoạch cần phải được thực hiện đồng bộ, từ vấn đề hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội phục vụ người dân… Khi xây dựng các quy hoạch cần phải tính toán được quy mô dân số, quy mô xây dựng nhà ở, chợ dân sinh, công viên vui chơi… Cử tri mong muốn, công tác quy hoạch giải quyết được những tồn tại, bất cập trong công tác quy hoạch, như sự chắp vá, manh mún, chất lượng kém trong quy hoạch dẫn đến việc cứ đụng đến đâu, đến chỗ nào cũng có vấn đề. Gốc của vấn đề là chất lượng quy hoạch kém, tổ chức thực hiện quy hoạch không nghiêm. Giám sát tối cao của Quốc hội là để cùng tìm ra giải pháp nhằm đẩy nhanh và nâng cao chất lượng trong công tác quy hoạch tới đây.
ĐBQH Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh):
Xác định rõ trách nhiệm trong chậm trễ lập các quy hoạch

Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua năm 2017, nhằm tạo cơ sở pháp lý và thực hiện việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh thực hiện các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia và quản lý nhà nước về quy hoạch. Luật có những điểm mới khắc phục được tình trạng nhiều luật, pháp lệnh quy định về quy hoạch. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm có hiệu lực thi hành, mới có quy hoạch sử dụng đất quốc gia được Quốc hội thông qua, 6 quy hoạch được Chính phủ phê duyệt, còn 104 quy hoạch đang lập và chưa hoàn thành.
Việc chậm tiến độ phê duyệt quy hoạch ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thực hiện Kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội (2021 - 2025) và cả giai đoạn quy hoạch. Do đó, việc Quốc hội giám sát tối cao, đánh giá toàn diện kết quả, chỉ rõ những vướng mắc, bất cập để có giải pháp đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch trong thời kỳ 2021 - 2030 có ý nghĩa hết sức quan trọng. Tôi thống nhất với ý kiến của Đoàn giám sát về việc cần xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc chậm trễ lập các quy hoạch.
Bên cạnh đó, hiện nay, việc phân bổ chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất quốc gia cho địa phương có lĩnh vực chưa sát thực tế nhưng là cơ sở để lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị của tỉnh. Nhiều địa phương còn vướng mắc trong bố trí không gian lập quy hoạch theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội và tuân thủ các quy hoạch cấp cao hơn. Tôi mong muốn, qua chuyên đề giám sát này, Chính phủ sẽ có giải pháp tháo gỡ, chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường của các bộ có liên quan phối hợp với địa phương khảo sát thực tế trước khi đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất quốc gia, làm cơ sở để phân bổ các chỉ tiêu sát với thực tế, giúp cho công tác lập quy hoạch xác thực hơn.
ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội):
Đẩy mạnh “hậu giám sát”

Chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội đã mang lại nhiều kết quả rất tích cực, giúp phát hiện rất kịp thời, chỉ rõ những điểm còn vướng mắc trong công tác quy hoạch hiện nay, đó là những vướng mắc về mặt quy định pháp luật và công tác chỉ đạo triển khai còn lúng túng, quy hoạch cấp dưới làm trước trong khi quy hoạch cấp trên chưa có dẫn đến những mâu thuẫn trong công tác quy hoạch. Đoàn giám sát cũng đưa ra nhiều giải pháp, định hướng thực hiện quy hoạch, trong đó có nhiều giải pháp cần thực hiện ngay và các giải pháp trong trung hạn, dài hạn.
Vấn đề tôi quan tâm là “hậu giám sát” để giải quyết được tận gốc những vướng mắc trong quy hoạch. Những vấn đề được Quốc hội cho phép và yêu cầu tại nghị quyết giám sát về công tác quy hoạch phải được đưa vào trong cuộc sống. Đó chính là tinh thần giám sát đến cùng của Quốc hội. Vai trò giám sát của Quốc hội nâng cao đồng nghĩa với các bộ, ngành, địa phương cũng phải thực hiện nghiêm túc để công tác quy hoạch được tốt hơn trong thời gian tới.