Đoàn công tác của Ban Dân nguyện do Phó Trưởng Ban dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng làm Trưởng đoàn, cùng sự tham gia của đại diện Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Tổng cục Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp và đại diện một số cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận đã có buổi khảo sát thực địa tại dự án Nhà hàng ăn uống và phục hồi sức khoẻ của Công ty TNHH Thương mại Du lịch My My (Công ty My My) tại phường Phú Hài, TP Phan Thiết.
Tại dự án, Đoàn công tác ghi nhận khu đất làm dự án nằm ngay cửa ngõ vào Mũi Né – một trung tâm du lịch nổi tiếng của tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên nơi đây hiện hoang tàn, cỏ dại bao phủ. Nhiều công trình xây dựng dang dở, xuống cấp trầm trọng, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Đáng chú ý, dự án còn bị một số người dân tái lấn chiếm, dựng nhà làm nơi buôn bán.
Sau buổi khảo sát thực địa, Đoàn công tác đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận với sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Minh, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông, cùng đại diện các sở ban ngành tỉnh Bình Thuận và UBND TP Phan Thiết.
Địa phương bế tắc
Tại buổi làm việc, Phó Ban dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cho biết, sau khi nghiên cứu đơn thư và tiếp công dân thấy rằng, vụ việc này đã trải qua thời gian rất dài, cụ thể là 20 năm, đã có trong danh mục các vụ việc tồn đọng, kéo dài của cả nước. Vấn đề này liên quan tới quyền lợi của doanh nghiệp và người dân.
Báo cáo với Đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Minh chia sẻ cảm thấy áy náy vì vụ việc này nằm trong danh mục các vụ việc tồn đọng, kéo dài của cả nước. Do đó, ông Minh đề nghị các đơn vị liên quan báo cáo cụ thể với Đoàn công tác.
Đại diện UBND TP Phan Thiết cho biết, dự án đã kéo dài 20 năm, bản án liên quan tới đã có hiệu lực pháp luật. Tại các bản án, quyết định của UBND TP Phan Thiết ban hành liên quan tới dự án là đúng pháp luật và UBND TP Phan Thiết vẫn giữ nguyên, không hủy các quyết định này.
Tuy nhiên, trong các bản án không nêu về việc cơ quan nào sẽ thực hiện thi hành án. Do đó, khi Sở TN-MT hướng dẫn và UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo như thế nào thì TP Phan Thiết sẽ cùng các ngành chức năng thực hiện thi hành bản án này.
Theo đại diện Sở TN-MT, dự án này bắt nguồn từ văn bản chấp thuận đầu tư số 4466/UBBT-XDCB ngày 12.12.2003 của UBND tỉnh Bình Thuận, sau đó có Quyết định 4105/QĐ-CTUBBT ngày 22.9.2004 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận về việc thu hồi đất thực hiện dự án. Quá trình thực hiện do giao thời giữa Luật Đất đai năm 1993 và Luật Đất đai năm 2003 nên xảy ra nhiều vướng mắc.
Theo bản án của toà, việc thu hồi đất là đúng theo quy định của Luật Đất đai năm 1993 nên bác yêu cầu khởi kiện của ông Trần Thúc Dương. Đến thời điểm hiện tại có 7 hộ dân chưa đồng ý giao đất, trong đố 6 hộ dân không khiếu kiện, khiếu nại nhưng chưa chịu giao đất vì chờ kết quả xử lý đối với trường hợp của ông Trần Thúc Dương để làm theo.
“Sở TN-MT đã tham mưu cho UBND tỉnh, báo cáo Thường trực Tỉnh uỷ về các nội dung liên quan đến dự án, gần đây cũng mời các hộ dân và chủ dự án làm việc bàn hướng giải quyết. Quá trình bàn bạc, thương thảo không đi đến sự đồng thuận. Do đó, địa phương rất bế tắc, không biết cách nào xử lý”, Đại diện Sở TN-MT tỉnh Bình Thuận thông tin tại cuộc họp.
Về phía Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Thuận, đơn vị này cho biết đã tiếp nhận đơn yêu cầu thi hành bản án hành chính của Công ty My My vào tháng 10.2022. Tuy nhiên, Cục Thi hành án chưa tiếp nhận bản án của toà nên không có căn cứ trả lời cho đương sự.
Ngày 3.7.2023, TAND tỉnh mới chuyển giao Bản án sơ thẩm số 09 và Bản án phúc thẩm số 64 cho Cục Thi hành án. Sau khi tiếp nhận, Cục đã có công văn trả lời cho Công ty My My, vụ việc này Cục Thi hành án chỉ theo dõi khi có quyết định buộc thi hành án của toà án có thẩm quyền là TAND tỉnh Bình Thuận.
UBND TP Phan Thiết phải thi hành các quyết định hành chính
Trước những bế tắc về công tác thi hành án nêu trên, Phó Tổng Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp Nguyễn Văn Lực khẳng định, cơ chế thi hành các bản án hành chính ở nước ta hiện nay là cơ chế tự thi hành. Nghĩa là cơ quan hành chính Nhà nước phải tự tổ chức thi hành các bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật theo đúng quy định của Luật Tố tụng hành chính và Nghị định 71/NĐ-CP ngày 1.7.2016 của Chính phủ (Nghị định 71).
Cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm theo dõi thi hành án hành chính chứ không trực tiếp tổ chức thi hành các bản án hành chính.
Đối với vụ việc liên quan tới dự án của Công ty My My, bản án có hiệu lực pháp luật là bản án phúc thẩm, toà án đã bác yêu cầu khởi kiện của ông Trần Thúc Dương về việc huỷ các quyết định hành chính của UBND TP Phan Thiết.
Tại Điều 15 Nghị định 71 quy định về thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm với người không thi hành án, quyết định của toà án. Trong trường hợp bản án, quyết định của toà án về việc không chấp nhận yêu cầu khởi kiện quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước thì các bên đương sự phải tiếp tục thi hành các quyết định đó.
Tức là các quyết định hành chính mà UBND TP Phan Thiết đã ban hành, đương sự khởi kiện và toà đã bác các yêu cầu khởi kiện của đương sự thì các quyết định của UBND TP Phan Thiết có hiệu lực thi hành và UBND TP Phan Thiết sẽ phải tự thi hành các quyết định này theo quy định của pháp luật về hành chính.
Điều 15 Nghị định 71 cũng quy định cơ quan có thẩm quyền, có quyền dùng các biện pháp cưỡng chế hành chính để thi hành các quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật.
"Như vậy, rõ ràng trách nhiệm trong vụ việc này thuộc về UBND TP Phan Thiết. Đã ban hành quyết định hành chính, nếu người dân không khởi kiện thì các quyết định hành chính này sẽ thi hành. Còn người dân khởi kiện nhưng tòa án đã bác yêu cầu khởi kiện rồi thì quyết định hành chính cũng phải tiếp tục thi hành, không có lý do để dừng thi hành, chờ cơ quan thi hành án hay chờ các cơ quan khác”, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Lực khẳng định.
Về xử lý trách nhiệm cơ quan Nhà nước chậm thi hành án, thi hành án không đầy đủ và không thi hành các bản án hành chính, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Lực phân tích, tại Nghị định 71 đã có quy định về việc này.
Cụ thể, nếu bản án kéo dài nhưng chưa thi hành xong thì sẽ xử lý trách nhiệm của người đứng đầu là Chủ tịch UBND TP Phan Thiết. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận là cấp trên của cơ quan phải thi hành án cũng có trách nhiệm đôn đốc, chỉ đạo việc thi hành bản án này. Nếu không thi hành thì sẽ bị kỷ luật bằng các hình thức khiển trách, cảnh cáo, buộc thôi việc và nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường. Đặc biệt là có thể xử lý hình sự.
Do đó, Phó Tổng Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp đề nghị đại diện UBND TP Phan Thiết xem kỹ lại Nghị định 71. Trong trường hợp UBND TP Phan Thiết không tiếp tục thi hành các quyết định hành chính đã ban hành thì doanh nghiệp có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại bằng việc khởi kiện ra toà hoặc cơ quan ban hành quyết định hành chính phải giải quyết việc bồi thường thiệt hại theo các quy định của tại Điều 8, Điều 33 và Điều 52 Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2017.
Tại cuộc họp, đại diện Thanh tra Bộ TN-MT cho biết, liên quan tới dự án của Công ty My My, Bộ TN-MT đã có nhiều văn bản hướng dẫn về việc thu hồi đất và bồi thường. Trong đó có những văn hướng dẫn từ cách đây nhiều năm.
Hiện vụ việc chỉ có vướng mắc ở việc thực hiện bản án đã có hiệu lực vì không biết giao cho cơ quan nào thực hiện thì Phó Tổng Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp đã có ý kiến liên quan đến việc thi hành các bản án này.
Cân nhắc trách nhiệm
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng Ban dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, từ một câu chuyện nhỏ này sẽ dẫn tới một câu chuyện lớn. Chỉ là một vụ việc thôi nhưng suy xét mọi vấn đề thì thấy rất phức tạp, qua đó thấy trách nhiệm rất lớn. Tất cả quyết định đều được tòa án chấp nhận thì không có vấn đề gì phải huỷ bỏ.
“Bao nhiêu mồ hôi công sức của cán bộ công chức tại địa phương dồn cho dự án trong nhiều năm, vậy bây giờ lại có sự bỏ rơi, không theo đuổi?” Phó Trưởng Ban dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng đặt vấn đề.
Theo Phó Trưởng Ban dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng, vấn đề tiếp theo là liên quan đến quyền lợi của cả 2 bên chứ không chỉ là quyền lợi của hộ dân.
“Hôm nay tôi đến dự án, thấy ở đó quá hoang tàn, trở thành nơi nuôi gà, mái ngói rơi rụng, có thể đổ sập bất cứ lúc nào, đất đai thì lãng phí còn các hộ dân không nhận đền bù, không nhận thỏa thuận hỗ trợ của doanh nghiệp cũng là thiệt thòi. Nếu vụ việc này giải quyết không đến nơi đến chốn sẽ dẫn tới việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương sẽ rất khó”, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ.
Trưởng Đoàn công tác của Ban dân nguyện đề nghị lãnh đạo tỉnh Bình Thuận phải cân nhắc về vấn đề trách nhiệm phải làm sao cho người dân đồng thuận. Đã có bản án của tòa, đã có hướng dẫn của các cơ quan Trung ương tại sao không thực hiện được?
Trưởng Đoàn công tác của Ban dân nguyện đã yêu cầu tỉnh Bình Thuận hoàn thiện báo cáo về vụ việc gửi Ban Dân nguyện để báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Trưởng Đoàn công tác của Ban Dân nguyện cũng đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận tiếp tục theo dõi vụ việc, tổ chức nghiên cứu và có báo cáo giám sát.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Minh cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu những ý kiến góp ý của Đoàn công tác Ban Dân nguyện và khẳng định sẽ xem xét xử lý vụ việc một cách khách quan, công tâm và nhanh chóng nhất. Đồng thời có báo cáo cụ thể gửi Ban Dân nguyện.