Công ty cổ phần Cảng Phú Định (Cảng Phú Định) thuộc Tổng Công ty Cơ Khí Giao thông Vận tải Sài Gòn - TNHH MTV (SAMCO). Hiện đơn vị này đã được Nhà nước cổ phần hóa một phần và SAMCO là đại diện phần vốn Nhà nước còn lại tại đây.
Theo tìm hiểu của PV Báo Đại biểu Nhân dân, một số phần kho bãi của Cảng Phú Định được cho thuê có nhiều bất thường, có dấu hiệu thất thoát tài sản Nhà nước.
Cụ thể, qua kiểm tra của các phòng ban nghiệp vụ của Cảng Phú Định, Phòng kinh doanh xác định có khách hàng sử dụng 1.444 m2 tại kho số 1 và số 2 của Công ty chưa ký hợp đồng và hoạt động của kho này chưa ghi nhận có doanh thu.
Nhận thấy việc này có dấu hiệu chưa đúng quy định, nguy cơ thất thu cho Cảng Phú Định, Phòng Kinh doanh đã đề xuất với Tổng Giám đốc Cảng Phú Định duyệt, chỉ đạo cá nhân, phòng nghiệp vụ đã cho khách hàng sử dụng kho khi chưa ký hợp đồng trong thời gian qua liên hệ với Phòng Kinh doanh để đàm phán ký hợp đồng theo đúng quy định.
Trước kết quả kiểm tra của các phòng ban và đề xuất của Phòng Kinh doanh, lãnh đạo Cảng Phú Định đã không duyệt đề xuất này từ Phòng Kinh doanh. Tại văn bản còn có phần lưu ý với nội dung “Phòng kinh doanh không cần quan tâm đến các kho này”.
Tiếp đến, ngày 16.3.2023, một đơn vị có công văn gửi Công ty Cổ phần Cảng Phú Định về việc giảm giá chi phí thuê kho, bãi, cầu cảng tại Cảng Phú Định và tạm hoãn thanh toán. Lý do đơn vị này đưa ra là do ảnh hưởng chung tình hình kinh tế nên đơn vị gặp khó khăn, đề xuất xin giảm giá 90% giá thuê kho, bãi, cầu cảng tại Cảng Phú Định. Việc giảm giá được đề xuất áp dụng từ tháng 9.2022 (trước thời điểm đề xuất 6 tháng).
Trước đề xuất của đơn vị trên, lãnh đạo Cảng Phú Định đã xác nhận với đề xuất này. Tại phần xác nhận còn có lưu ý rõ “Đồng ý việc giám 90% giá thuê kho, bãi, cầu cảng tại Cảng Phú Định từ tháng 9.2022”.
Đáng chú ý, phần xác nhận còn còn có nội dung cho đơn vị xin giảm giá thuê kho bãi nêu trên tạm hoãn nghĩa vụ thanh toán chi phí thuê kho, bãi, cầu cảng tại Cảng Phú Định đến khi hoạt động.
“Lãnh đạo Công ty đã chỉ đạo giảm giá thuê kho bãi đối với khách hàng trong khi khách hàng đang có công nợ quá lớn (khoảng 5 tỷ đồng) chưa thanh toán. Bên cạnh đó, khi không được phòng nghiệp vụ thống nhất giảm gần 90% giá thuê kho, bãi, cầu cảng thì lãnh đạo Công ty lại thống nhất thì chuyển sang giảm diện tích thuê kho nhưng vẫn giữ nguyên diện tích sử dụng kho, nhằm giảm tiền thuê hàng tháng khoảng 500 triệu đồng gây thất thoát vốn Nhà nước”, người lao động tại Cảng Phú Định bức xúc.
Liên quan đến Cảng Phú Định, UBND TP. Hồ Chí Minh có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng, UBND Quận 8 về đề nghị của Cơ quan An ninh điều tra, Công an TP. Hồ Chí Minh đề nghị cung cấp thông tin liên quan đến Công ty Cổ phần Cảng Phú Định.
Trước đó, Cơ quan An ninh Điều tra, Công an TP. Hồ Chí Minh đã thụ lý điều tra dấu hiệu sai phạm xảy ra tại Công ty CP cảng Phú Định theo kiến nghị của Thanh tra Thành phố.
Cụ thể, Thanh tra TP. Hồ Chí Minh đã thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong việc cổ phần hóa, tăng vốn điều lệ sau cổ phần hóa và thực hiện dự án Cảng Phú Định tại Công ty cổ phần Cảng Phú Định.
Để thực hiện dự án này, năm 2001, Thủ tướng có quyết định thu hồi hơn 64 ha tại phường 16, quận 8, và cho Công ty Cảng sông TP. Hồ Chí Minh (doanh nghiệp Nhà nước) thuê trong 50 năm để xây cảng Phú Định.
5 năm sau, UBND Thành phố ký quyết định chuyển Công ty Cảng Sông TP. Hồ Chí Minh (đơn vị quản lý Cảng Phú Định) thành Công ty TNHH MTV Cảng Sông TP. Hồ Chí Minh (100% vốn Nhà nước) trực thuộc Tổng công ty Cơ Khí Giao thông Vận tải Sài Gòn - TNHH MTV (SAMCO).
Ngày 25.10.2012, Thủ tướng phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước của UBND TP. Hồ Chí Minh, trong đó Công ty Cảng Sông TP. Hồ Chí Minh thực hiện cổ phần hóa, trong đó Nhà nước giữ trên 50% vốn điều lệ.
Cuối năm 2014, công ty này hoàn thành cổ phần hóa và đổi tên thành Công ty Cổ phần Cảng Phú Định với vốn điều lệ 330 tỷ đồng. Sau đó, SAMCO tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng.
Năm 2015-2016, TP. Hồ Chí Minh có 3 quyết định về điều chỉnh quy hoạch đối với khu dân cư phường 16, quận 8. Theo đó, phần lớn diện tích được chuyển mục đích sử dụng, trong đó chủ yếu là đất ở. Cụ thể, đất công nghiệp - kho - bến bãi hơn 6ha; đất phức hợp có chức năng ở hơn 44ha; đất khu tái định cư cảng sông khoảng 4ha và đất sông, kênh rạch, đất khác khoảng 10ha.
Theo quy hoạch, Cảng Phú Định có tổng diện tích hơn 64ha gồm bến sà lan, hệ thống kho bãi và nhiều công trình khác được đầu tư, trang bị hiện đại, có khả năng tiếp nhận, trung chuyển lên đến 2,5 triệu tấn hàng hóa các loại một năm vào 2020.
Tuy nhiên, sau khi rà soát, tháng 7.2020, UBND TP. Hồ Chí Minh đã có quyết định về việc hủy bỏ 3 quyết định nêu trên. Như vậy, chức năng sử dụng đất hiện nay ở Cảng sông Phú Định (hơn 60ha) là đất xây dựng cảng (kho bãi - hạ tầng kỹ thuật).
Hiện nay, tại khu Cảng sông Phú Định là cầu cảng, khu kho phục vụ cảng, rộng khoảng 6ha, phần diện tích còn lại là đất trống, chưa đầu tư xây dựng.
Cũng liên quan đến một đơn vị mà Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn - TNHH MTV – SAMCO là đại diện vốn Nhà nước cũng đang vướng vào những “lùm xùm” là Công ty Cổ phần Vận tải biển Sài Gòn.
Cụ thể, thành viên HĐQT SSC nhiều lần gửi công văn kiến nghị, phản ánh đến Samco; UBND TP. Hồ Chí Minh; Thanh tra TP. Hồ Chí Minh; Công ty Cổ phần Vận tải biển Sài Gòn. Qua đó nêu ra hàng loạt bất cập, có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại kho bãi cho thuê khi không đủ điều kiện khái thác, kéo dài thời gian khai thác, không có sở hữu, vi phạm mật độ xây dựng, không đảm bảo an toàn PCCC, vi phạm việc ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh với đối tác; hoạt động kinh doanh không hiệu quả trong thời gian dài…
Về các vấn đề bất cập nêu trên, Thanh tra TP. Hồ Chí Minh đã có kết luận gửi UBND TP. Hồ Chí Minh và chờ Samco giải quyết dứt điểm.
* Báo Đại biểu Nhân dân sẽ giám sát, thông tin quá trình thực thi pháp luật, xử lý các vấn đề liên quan đến vụ việc trên đến bạn đọc và cử tri cả nước.