Hàng loạt cá nhân, doanh nghiệp kéo nhau ra tòa
Không tìm được tiếng nói chung trong việc chia đất theo tỷ lệ góp vốn nên các cá nhân, doanh nghiệp liên quan tại dự án cụm công nghiệp Quang Trung đã phải kéo nhau ra TAND quận 12 phán xử.
Ngày 22.11.2002, TAND quận 12 đã mở phiên tòa sơ thẩm vụ án đòi chia đất theo tỷ lệ góp vốn liên quan đến chia đất tại dự án cụm công nghiệp Quang Trung.
Theo bản án dân sự sơ thẩm số 205/DSST, nguyên đơn, bị đơn trong vụ án này là các cá nhân, doanh nghiệp đã tham gia góp vốn để bồi thường đất tại dự án nói trên.
Theo bản án, để có đất làm dự án, 18 cá nhân, doanh nghiệp đã góp tổng cộng hơn 10 tỷ đồng để đền bù cho 24 hộ dân. So sánh số tiền phải trả cho dân và tiến độ đóng góp tiền của các đơn vị dễ dàng nhận thấy tổng số tiền các đơn vị đã đóng góp hoàn toàn đủ để thanh toán hết cho 24 hộ dân mà vẫn còn thừa. Tuy nhiên, trên thực tế sự việc diễn ra hoàn toàn khác với sự thể hiện trong sổ quỹ.
Tính đến ngày 7.4.2001, tổng số tiền mà các đơn vị cần phải thanh toán hết cho 23 hộ dân (trừ hộ ông Đinh Văn Khả) là hơn 8,9 tỷ đồng. Trong khi đó số tiền các đơn vị góp hơn 8,8 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau đó các cá nhân doanh nghiệp lại xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp trong vấn đề chia đất theo tỷ lệ góp vốn.
Ngoài ra, 13 đơn vị còn tự ý mở con đường diện tích khoảng 4.000m2 không có trong bản quy hoạch cụm công nghiệp mà UBND quận 12 đã thông qua, nhận chuyển nhượng thêm của hộ ông Thân Văn Nghĩa 2.098m2. Trên cơ sở đó đã tự xác định lại tỷ lệ chia đất là 63,9% cho tất cả 18 đơn vị dẫn đến nhiều tranh chấp khác nảy sinh.
Như vậy, 13 đơn vị (trừ 4 đơn vị nguyên đơn và Công ty Trần Vũ) đã tự quyết định thực hiện những việc làm tại cụm công nghiệp khi chưa có sự thống nhất của tất cả các đơn vị, khi chưa có sự cho phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình.
Tại phiên tòa, hầu hết các đơn vị đều không chứng minh được việc phân chia đất theo tỷ lệ đóng góp tiền đã xác định 66%, 63,9% là trên cơ sở số liệu nào, không lý giải được tính chính xác của các tỷ lệ đã đưa ra.
Tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX chấp nhận yêu cầu “xác định tỷ lệ chia đất được chia tương ứng với tiền đóng góp” của các nguyên đơn. Lấy tỷ lệ đóng góp tiền làm cơ sở cho việc chia đất của các đương sự.
Công nhận tổng số đất mà các đương sự đã đền bù, nhận chuyển nhượng của 24 hộ dân tính đến ngày 17.5.2001 là 96.311m2.
HĐXX cũng tuyên tạm xác định diện tích đất để giao cho từng đương sự quản lý chờ đến khi có quyết định của UBND cấp có thẩm quyền về toàn bộ dự án cụm công nghiệp tương ứng với tỷ lệ góp vốn; Buộc các đương sự được xác định phần đất trong quy hoạch phải tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết và làm nghĩa vụ tài chính để UBND cấp có thẩm quyền giao đất hoặc cho thuê đất…
Gần 20 năm mòn mỏi chờ xét xử sở thẩm lần 2
Không đồng ý với bản án sơ thẩm, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã có đơn kháng cáo.
Đến ngày 28.6.2005, TAND TP. Hồ Chí Minh đã mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án nói trên. Ngày 4.7.2005, TAND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành bản án số 1396/2005/DS-PT.
Tại phiên phúc thẩm, HĐXX tuyên hủy bản án sơ thẩm nói trên; Giao hồ sơ vụ án về cho TAND quận 12 điều tra xét xử lại từ giai đoạn sơ thẩm.
Chờ đợi gần 2 năm vẫn không thấy TAND quận 12 đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm lần 2 nên ngày 26.4.2007, đại diện một số doanh nghiệp đã cùng ký biên bản gửi TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, Ban Pháp chế Quốc hội, Ban Pháp chế Văn phòng Chính phủ, TAND quận 12…
Tại văn bản này, các doanh nghiệp nêu: "Từ sau bản án phúc thẩm đến nay đã gần hai năm mà nội vụ vẫn chưa được chính thức điều tra và xét xử lại. Hiện phần đất các doanh nghiệp đã được giao không tranh chấp, đã đi vào hoạt động sản xuất ổn định từ năm 2004 vẫn không lập được thủ tục cấp sổ đỏ do bị đơn đã đem sổ đỏ đất đai thế chấp ở ngân hàng. Nếu tòa không xét xử, vụ án kéo dài gây thiệt hại nghiệm trọng đến quyền lợi của nhiều doanh nghiệp".
Thế nhưng từ đó đến nay, gần 20 năm qua, TAND quận 12 chưa đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm lần 2 khiến những người liên quan mòn mỏi chờ đợi.
Nhìn nhận về vụ việc trên, Luật sư Lê Bá Thường (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) nhận định: "Từ 2005 đến nay nhưng TAND quận 12 không có động thái để đưa vụ việc ra xét xử sơ thẩm lần 2 là vượt quá thời hạn giải quyết. Bởi theo quy định, vụ án dân sự đã được thụ lý giải quyết, thời hạn đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm là 4 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì được gia hạn thêm 2 tháng".
“Việc không đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm lần 2, kéo dài hơn gần 20 năm qua đã vi phạm nghiêm trọng quy định về tố tụng, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Trong trường hợp này, nguyên đơn hay bị đơn nên làm đơn nhắc nhở gửi tòa án và yêu cầu đưa vụ án dân sự ra xét xử cho đương sự”, luật sư Thường phân tích.
* Báo điện tử Đại biểu Nhân dân sẽ tiếp tục giám sát và thông tin kết quả thực thi pháp luật của các cơ quan liên quan trong vụ việc nói trên đến bạn đọc và cử tri cả nước.