Kiểm toán và nghị viện: Nghị viện sử dụng kiểm toán như thế nào?

- Thứ Sáu, 11/07/2008, 00:00 - Chia sẻ
Cơ quan kiểm toán có thể được coi là công cụ giám sát tài chính công của Nghị viện. Vì thế, làm thế nào để Nghị viện sử dụng “công cụ” này một cách hiệu quả?

      Theo Luật Kiểm toán Nhà nước của nước ta có hiệu lực từ ngày 1.1.2006, cơ quan Kiểm toán Nhà nước trực thuộc Quốc hội thay vì trực thuộc Chính phủ như trước kia. Tổng kiểm toán Nhà nước là người lãnh đạo cao nhất của cơ quan Kiểm toán Nhà nước, do Quốc hội bầu theo đề cử của Ủy ban thường vụ Quốc hội sau khi được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Nhiệm kỳ của Tổng kiểm toán Nhà nước là 7 năm, có thể được bầu lại nhưng không quá 2 nhiệm kỳ. Sự điều chỉnh này được đánh giá là mang tính bước ngoặt bởi nó đã giúp bảo đảm tính độc lập và khách quan của cơ quan Kiểm toán Nhà nước trong việc kiểm soát ngân sách nhà nước, vốn là một trong những tiêu chí không thể thiếu để bảo đảm cho cơ quan Kiểm toán hoạt động hiệu quả.

      Tổng kiểm toán nhà nước đương nhiệm là ông Vương Đình Huệ, giáo sư, tiến sỹ kinh tế tu nghiệp tại Slovakia. Ông từng là giảng viên, Trưởng Khoa Kế toán, Hiệu phó Trường Đại học Tài chính kế toán. Từ tháng 7.2001, ông là Phó tổng Kiểm toán Nhà nước, Phó chủ tịch Hội Kế toán – kiểm toán Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Kiểm toán.

      Kinh nghiệm các nước cho thấy, trước hết, cơ quan lập pháp phải có khả năng hiểu và sử dụng thông tin giám sát tài chính mà cơ quan kiểm toán cung cấp. Trong hầu hết các trường hợp, Nghị viện thường có một đội ngũ hỗ trợ cho việc phân tích báo cáo kiểm toán và các đơn vị nghiên cứu của nghị viện, đồng thời phải có một cơ sở hạ tầng pháp lý hỗ trợ. 
      Thứ hai, Nghị viện các nước thường thành lập một ủy ban chịu trách nhiệm giám sát hoạt động của cơ quan kiểm toán, đồng thời, chịu trách nhiệm xem xét và phân tích, đánh giá các thông tin trong báo cáo kiểm toán như Ủy ban Tài khoản công. Để bảo đảm hiệu quả hoạt động của cơ quan này, thành viên của ủy ban phải bao gồm tất cả các đảng phái hay các nhóm có lợi ích liên quan trong cơ quan lập pháp. Nếu không, tình trạng đấu đá chính trị có nguy cơ xảy ra và công việc của Ủy ban này sẽ bị chi phối bởi những toan tính chính trị. Khi đó, việc đánh giá hoạt động của kiểm toán nhà nước sẽ trở nên thiếu chính xác, công bằng. Ủy ban Tài khoản công phải luôn xác định mục tiêu hoạt động là nhằm đóng góp cho hiệu quả hoạt động cơ quan lập pháp và vì lợi ích quốc gia chứ không phải vì lợi ích của cá nhân nào. Tính công khai, minh bạch là yếu tố then chốt trong hoạt động của Ủy ban. Các phiên họp của Ủy ban phải được công khai trước công chúng và báo chí.
      Thứ ba, kinh nghiệm các nước cũng cho thấy, sau khi đã phân tích báo cáo kiểm toán, Nghị viện thường có cơ chế buộc cơ quan Hành pháp trả lời về các báo cáo kiểm toán. Cách phổ biến nhất là Nghị viện yêu cầu Chính phủ phải thể hiện quan điểm một cách công khai trước những nhận định mà Ủy ban kiểm toán đưa ra. Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, cơ quan lập pháp có thể yêu cầu đưa vấn đề ra tòa án giải quyết. Các nhà lập pháp có thể thông qua các đạo luật yêu cầu phải có cải cách thủ tục hoặc thay đổi chính sách trong lĩnh vực quản lý tài chính công. Nghị viện cũng cần bảo đảm rằng, các kết quả kiểm toán được xét đến trong lập kế hoạch ngân sách, nhất là khi các ủy ban đều có quyền sửa đổi các đề xuất ngân sách.

Hoài Thu