- Đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030, tập trung kiểm toán, nhất là vấn đề dư luận, đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm
- Kiểm toán Nhà nước chú trọng phòng, chống tham nhũng gắn với làm trong sạch từ nội ngành
- Khác biệt giữa kiểm toán nhà nước và kiểm toán độc lập
Giúp nền kinh tế minh bạch, công khai hơn
- Từng gắn bó và có nhiều duyên nợ với ngành kiểm toán, ông có thể cho biết kiểm toán độc lập (KTĐL) và kiểm toán nhà nước (KTNN) ra đời như thế nào?
- Đầu những năm 90 của thế kỷ XX, Việt Nam bắt đầu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, chúng ta kiên quyết từ bỏ cơ chế kế hoạch tập trung để chuyển sang cơ chế thị trường mở cửa và hội nhập, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Một trong những yêu cầu cấp thiết đặt ra của nền kinh tế ở giai đoạn này là các thông tin về tài chính, kế toán phải công khai, minh bạch và có độ tin cậy cao, phục vụ không chỉ cho quản lý nhà nước mà còn cho các quyết định kinh doanh của nhà đầu tư.
Chính vì lẽ đó, năm 1991, Bộ Tài chính quyết định thành lập hệ thống KTĐL Việt Nam với sự ra đời của Công ty kiểm toán Việt Nam - VACO (Deloitte Việt Nam ngày nay) và Công ty Dịch vụ tư vấn tài chính kế toán và kiểm toán Việt Nam - AASC (nay là Công ty TNHH Tư vấn tài chính kế toán và kiểm toán). Đến năm 1994, do yêu cầu phát triển và quản lý nền kinh tế, KTNN được thành lập. Đây là cơ quan kiểm tra tài chính cấp cao nhất của Nhà nước, tập trung chủ yếu vào đối tượng quản lý và sử dụng tài chính quốc gia.
- Kiểm toán Việt Nam đã trải qua hơn 30 năm phát triển. Ông có cảm nhận như thế nào khi nhìn lại chặng đường đã qua của KTNN và KTĐL?
- Như tôi vừa nói, thời điểm đó, kiểm toán là một lĩnh vực rất mới. Cũng ở thời điểm đó, chúng ta đã nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ thông tin của một số tổ chức quốc tế, cơ quan kiểm toán tối cao các nước, nhưng quan trọng hơn, đội ngũ những người làm kế toán, kiểm toán Việt Nam đã đổi mới tư duy, cách làm, từ đó tập trung tìm hiểu, nghiên cứu, chọn lọc những chuẩn mực, thông lệ tốt nhất trên thế giới cho Việt Nam.
Thành quả là, sau một thời gian, chúng ta đã hình thành được hệ thống lý luận cho kiểm toán, đồng thời có được các chế độ, chính sách, quy trình, phương pháp tiến hành hoạt động kiểm toán thích hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam. Cùng với đó, công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ và phát triển đội ngũ những người làm kế toán, kiểm toán cũng được chú trọng.
Đối với riêng KTNN, sau hơn 10 năm thành lập, năm 2005, Luật Kiểm toán Nhà nước ra đời đã xác định được vị thế của KTNN không thuần túy là cơ quan chuyên môn mà là công cụ kiểm tra tài chính cao nhất của Nhà nước. Tiếp đó, Hiến pháp năm 2013 quy định địa vị pháp lý của KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Đây là bước phát triển quan trọng và từ nền tảng này, Luật Kiểm toán Nhà nước đã tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện không chỉ về nội dung, phương pháp, cách thức kiểm toán mà cả những vấn đề liên quan đến bộ máy, con người, sử dụng kết quả kiểm toán, trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan và việc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán.
Có thể nói, trải qua chặng đường 30 - 33 năm hình thành và phát triển, hoạt động kiểm toán Việt Nam mới dần hoàn thiện. Đây là kết quả từ sự nỗ lực, đóng góp của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là đội ngũ những người làm nghề kiểm toán để giúp nền kinh tế Việt Nam minh bạch, công khai hơn, thông tin kế toán có độ tin cậy cao, tạo được sự tin cậy và tín nhiệm của các nhà đầu tư cũng như phục vụ đắc lực cho việc ra quyết định của Nhà nước.
Nâng cao độ tin cậy của thông tin kế toán và kiểm toán
- Ra đời trong cùng một giai đoạn lịch sử với bối cảnh nền kinh tế có sự chuyển đổi về cơ chế, KTNN và KTĐL có những điểm chung nào, thưa ông?
- KTNN và KTĐL có sứ mệnh chung, mục tiêu chung là đánh giá và xác nhận các mức độ tin cậy của các thông tin kế toán để cung cấp cho các đối tượng quản lý cũng như các đối tượng có nhu cầu sử dụng. Đóng góp lớn và tích cực nhất của KTNN và KTĐL là nâng cao độ tin cậy của thông tin kế toán và kiểm toán. Đồng thời, nó góp phần làm cho nền tài chính của Việt Nam nói chung, bao gồm cả tài chính doanh nghiệp, tài chính nhà nước lành mạnh hơn, minh bạch hơn và công khai hơn. Đây có lẽ cũng là kỳ vọng của nhân dân đối với Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do dân, của dân và vì dân.
- Bên cạnh điểm chung, theo ông, KTNN và KTĐL có những điểm khác biệt gì?
- Bên cạnh điểm chung, KTNN và KTĐLkhác nhau về chủ thể, phạm vi, đối tượng và giá trị của kết luận, kiến nghị kiểm toán.
Trước hết, KTĐL là hoạt động mang tính dịch vụ giúp cho các nhà đầu tư yên tâm trước những thông tin kế toán, từ đó đưa ra quyết định đầu tư. Hoạt động KTNN và KTĐL đều phải bảo đảm tính độc lập nhưng khác nhau về mức độ. Trong đó, chủ thể của KTĐL là chuyên gia kiểm toán có chuyên môn sâu, hoạt động độc lập, đưa ra ý kiến mà không chịu sự chi phối, ảnh hưởng mang tính vật chất, xã hội. KTĐL giúp các thông tin kế toán của doanh nghiệp minh bạch hơn, được tin cậy hơn, từ đây cũng hình thành một thị trường dịch vụ kế toán và kiểm toán.
Khác với KTĐL, KTNN có chức năng kiểm tra, đánh giá, xác nhận và tư vấn, từ đó chỉ ra những khiếm khuyết của cơ chế, chính sách, kẽ hở trong quá trình tổ chức thực hiện các chính sách. KTNN tập trung vào kiểm tra tài chính nhà nước, quá trình quản lý, sử dụng tài sản công, bảo đảm các tài sản này được sử dụng hiệu quả, không thất thoát, lãng phí. Đối tượng phục vụ chủ yếu của KTNN là cơ quan dân cử và cơ quan quản lý nhà nước. Hoạt động của KTNN được thực hiện bởi những công chức của Nhà nước, có điều kiện, tiêu chuẩn riêng và phải bảo đảm tính độc lập.
- Làm thế nào để người dân cũng như toàn xã hội hiểu hơn về KTNN và KTĐL, thưa ông?
- Đến nay, chúng ta đã có sự tiến bộ nhất định trong nhận thức về hoạt động kiểm toán so với giai đoạn đầu thành lập. Tuy nhiên, trong phạm vi nhất định, nhận thức của các cơ quan nhà nước, của nhân dân vẫn chưa thực sự đầy đủ và đúng nghĩa về các loại hình cũng như nội hàm kiểm toán.
Do đó, các cơ quan truyền thông, đặc biệt là chính những người làm kiểm toán, phải tăng cường tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu cho các cơ quan quản lý nhà nước, các cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân hiểu đúng bản chất, giá trị của kiểm toán. Bản thân những người kiểm toán cũng cần phải rèn giũa, bổ sung, hoàn thiện các phương và kỹ năng kiểm toán để đưa những ý kiến của mình vào trong các báo cáo kiểm toán. Để ĐBQH có thể sử dụng kết quả kiểm toán trong cái các diễn đàn, kỳ họp, cơ quan kiểm toán phải chuyển tải thông tin kiểm toán một cách ngắn gọn, chính xác và đầy đủ nhất. Chúng ta cần có những bộ phận chuyên trách để hỗ trợ ĐBQH, đại biểu HĐND nắm bắt, sử dụng kết quả, kiến nghị kiểm toán một cách thuận tiện, hiệu quả nhất.
- Xin cảm ơn ông!