Diện tích rừng phải trồng thay thế mới đạt 60%
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, từ khi thành lập Quỹ đến 31.3.2023, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang và thành phố Hải Phòng đã phê duyệt phương án thu tiền trồng rừng thay thế để chuyển đổi 5.470,01ha rừng (rừng tự nhiên 170,09ha, rừng trồng 5.299,92ha) sang mục đích khác, diện tích rừng phải trồng thay thế 5.607,54ha, diện tích rừng đã trồng thay thế 3.341,64ha (bằng 60% so với diện tích phải trồng); diện tích còn phải trồng rừng thay thế 2.274,07ha, trong đó, Quảng Ninh 2.065,69ha; Hải Dương 28,05ha; Bắc Giang 128,12ha; Hải Phòng 52,21ha.

Qua kiểm toán, tỉnh Hải Dương quyết định chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê toàn bộ diện tích đất rừng, bao gồm cả diện tích đất rừng chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền trồng rừng thay thế với 2 dự án. Tuy nhiên, Hải Dương, Bắc Giang chưa ban hành Quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với các dự án đã nộp tiền trồng rừng thay thế (Hải Dương 5 dự án, Bắc Giang 35 dự án) theo quy định tại khoản 1 Điều 42, khoản 1 Điều 43 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Tỉnh Hải Dương thực hiện chuyển loại rừng đặc dụng với 3,9624 ha sang loại rừng sản xuất trước khi chuyển mục đích sử dụng 3,9624ha rừng sản xuất sang mục đích khác (thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường dẫn cầu Đồng Việt kết nối với quốc lộ 37 thành phố Chí Linh). Đến thời điểm kết thúc kiểm toán, địa phương chưa thực hiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng diện tích rừng đặc dụng 3,9624 ha do đã chuyển loại rừng đặc dụng thành rừng sản xuất trước khi chuyển mục đích sử dụng rừng như nêu trên.
Tại tỉnh Bắc Giang và thành phố Hải Phòng, khi quyết định phương án chấp thuận nộp tiền trồng rừng thay thế, địa phương đã không xác định rõ thuộc trường hợp UBND tỉnh bố trí đất để trồng rừng thay thế trên địa bàn theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư số 13/2019/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác (Thông tư 13) hoặc trường hợp địa phương không còn quỹ đất quy hoạch phát triển rừng để trồng rừng thay thế theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Thông tư 13.
Địa phương đã chấp thuận phương án nộp tiền trồng rừng thay thế, đã thu tiền trồng rừng thay thế nhưng đến thời điểm kết thúc kiểm toán chưa giao kế hoạch trồng rừng thay thế cho toàn bộ diện tích rừng đã chuyển mục đích sử dụng rừng, diện tích rừng trồng thay thế; số tiền trồng rừng thay thế đã quá thời hạn 12 tháng kể từ ngày chủ dự án nộp tiền nhưng chưa địa phương không bố trí được hoặc chưa bố trí đủ diện tích đất trồng rừng thay thế cần phải chuyển tiền trồng rừng thay thế về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam để tổ chức trồng rừng thay thế tại địa phương khác theo quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 4 Thông tư 13.
Kiểm toán Nhà nước cho biết, tỉnh Quảng Ninh không phê duyệt lại đơn giá thu nộp tiền trồng rừng thay thế khi quy định tính toán có thay đổi dẫn đến đơn giá thu tiền trồng rừng thay thế thấp hơn đơn giá giao kế hoạch trồng rừng thay thế; 814,3ha diện tích rừng chuyển đổi mục đích đã nộp tiền trồng rừng thay thế 121.293,8 triệu đồng theo đơn giá tại thời điểm thu từ 80,62 triệu đồng/ha đến 80,87 triệu đồng/ha (đơn giá rừng trồng trên cạn) và từ 246,5 triệu đồng/ha đến 247,36 triệu đồng/ha (đơn giá rừng trồng ngập mặn) nhưng đến nay chưa được giao kế hoạch trồng rừng thay thế. Theo đơn giá tại Quyết định số 318/QĐ-UBND ngày 9.2.2023, Quyết định số 148/QĐ-UBND ngày 17.1.2023 của UBND tỉnh Quảng Ninh về phê duyệt kế hoạch trồng rừng thay thế đợt 2, đợt 3 năm 2023 thì đơn giá trồng rừng thay thế đối với 1ha đang cao hơn so với đơn giá/1ha tại thời điểm thu”.
UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt kế hoạch trồng rừng thay thế nhưng xác định diện tích trồng thay thế không đủ so với diện tích rừng đã quyết định chuyển mục đích sử dụng (còn thiếu 17,37ha); cho phép đơn vị nộp tiền làm nhiều đợt theo đơn giá tính ban đầu, mà không thực hiện xác định đơn giá tại thời điểm nộp tiền theo quy định tại 2 Điều 4 Thông tư số 23/2017/TT-BNNPTNT quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác (Thông tư 23); phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán trồng rừng thay thế, trong đó xác định dự toán đơn giá cây giống Thông mã vĩ cao hơn từ 1,95 lần đến 2 lần so với đơn giá quy định của UBND tỉnh Hải Dương.
Chấn chỉnh, khắc phục bất cập
Kiểm toán Nhà nước đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Ninh kiểm tra, rà soát, xác định ảnh hưởng của việc phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán kinh phí trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng thay thế đến việc nghiệm thu, thanh toán, quyết toán chi phí trồng rừng thay thế để đảm bảo nghiệm thu, thanh toán, quyết toán đúng quy định, tránh thất thu tài chính công, gồm các nội dung: tính thiếu định mức sử dụng công cụ thủ công theo quy định; xác định chi phí giám sát chưa chính xác (hồ sơ thiết kế kinh tế kỹ thuật và dự toán kinh phí trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng trồng thay thế 05 năm (2022-2026) của Ban quản lý rừng phòng hộ Ba Chẽ).
Đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Quảng Ninh và các đơn vị có liên quan trong quá trình nghiệm thu, thanh toán, quyết toán chi phí trồng rừng thay thế, tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng thực hiện kiểm tra, rà soát, xác định chi phí được nghiệm thu, thanh toán, quyết toán theo đúng chế độ quy định; kịp thời thu hồi số đã nghiệm thu, thanh toán, quyết toán sai quy định (nếu có) để tránh thất thoát tài chính nhà nước đối với các trường hợp sau: Chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2021 từ nguồn điều tiết tiền dịch vụ môi trường rừng được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam phân bổ về; Các trường hợp hồ sơ thanh toán tiền trồng rừng thay thế chưa thể hiện đủ số nhân công cần thiết để thực hiện công việc theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán; hồ sơ nghiệm thu chưa có tài liệu nghiệm thu, bàn giao phân bón, cây giống trước khi trồng và chăm sóc rừng; hồ sơ thể hiện công việc vận chuyển và bón phân trước thời điểm trên biên bản bàn giao phân bón; thể hiện công việc trồng cây trước thời điểm trên biên bản bàn giao, giao nhận cây giống; chi phí trồng dặm.
Đối với UBND tỉnh Hải Dương, KTNN đề nghị UBND tỉnh Hải Dương kiểm tra, rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ quy định xác định đơn giá trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh Hải Dương tại Quyết định 20 theo đúng quy định của Luật Lâm nghiệp, Nghị định 156 và các văn bản hướng dẫn hiện hành. Đồng thời, báo cáo và đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc địa phương đã thực hiện chuyển loại rừng đặc dụng (diện tích 3,9624ha) sang loại rừng sản xuất để chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác (thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường dẫn cầu Đồng Việt kết nối với quốc lộ 37 thành phố Chí Linh).
KTNN đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang ban hành quyết định phê duyệt phương án nộp tiền trồng rừng thay thế đối với 11 dự án không tính đơn giá theo mức dự toán trồng rừng trên địa bàn tỉnh tại thời điểm chủ dự án đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang chấp thuận nộp tiền trồng rừng thay thế theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 Thông tư 13, mà áp dụng đơn giá trồng rừng thay thế tại thời điểm UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định về việc phê duyệt đơn giá trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Kiểm toán Nhà nước đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, báo cáo Chính phủ xem xét ban hành bổ sung quy định để xử lý việc chậm nộp tiền trồng rừng thay thế của các chủ dự án khi được phép chuyển đổi đất rừng sang mục đích khác và quy định tính lại đơn giá thu tiền trồng rừng thay thế tại thời điểm chủ dự án nộp tiền trồng rừng thay thế.
Ban hành văn bản quy định, hướng dẫn xác định hệ số điều chỉnh (K1) mức chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với trữ lượng rừng cho rừng trồng làm cơ sở xác định số tiền chi trả cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng.
Xem xét báo cáo Chính phủ bổ sung quy định cụ thể về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong chuyển loại rừng đặc dụng sang rừng khác tương ứng với thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng sang mục đích khác quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật Lâm nghiệp để tránh quy định của pháp luật chưa chặt chẽ, thống nhất.
Báo cáo Chính phủ xem xét bổ sung quy định về thời gian chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng tại điểm a khoản 2 Điều 69, điểm a khoản 2 Điều 71 Nghị định 156 đối với các địa phương có mức chi trả hàng năm cho 01 đơn vị cung ứng dịch vụ môi trường rừng thấp theo hướng UBND cấp tỉnh quyết định thời gian chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng phù hợp với điều kiện tại địa phương.