Kiểm toán Nhà nước kiến nghị tăng thu, giảm chi ngân sách 21.346 tỷ đồng

Minh Anh 30/05/2024 20:14

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, qua kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách năm 2022, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị tăng thu giảm chi ngân sách 21.346 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác 28.595 tỷ đồng.

Chiều 30.5, Quốc hội nghe Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trình bày Báo cáo tóm tắt Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022.

“Qua kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2022 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và tổng hợp một số kết quả kiểm toán chính của các cuộc kiểm toán tổ chức trong năm 2023, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị tăng thu giảm chi NSNN 21.346,33 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác 28.595,09 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế, ban hành mới một số nội dung không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn của 198 văn bản”, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết.

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị tăng thu, giảm chi ngân sách 21.346 tỷ đồng -0
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trình bày Báo cáo tóm tắt Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước trước Quốc hội chiều 30.5. Ảnh: Lâm Hiển.

Thu ngân sách năm 2022 vượt dự toán 406.902 tỷ đồng

Cụ thể, với thu ngân sách nhà nước, năm 2022, quyết toán 1.820.310 tỷ đồng, bằng 128,8% (tương ứng vượt 406.902 tỷ đồng) so với dự toán giao, bằng 114,3% so với thực hiện năm 2021 (1.591.411 tỷ đồng). 

Trong đó, thu nội địa vượt 22,9% dự toán giao; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu vượt 24% dự toán giao; thu dầu thô vượt 177% dự toán giao. 

Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, bên cạnh đa số các khoản thu vượt dự toán, còn một số khoản thu đạt thấp như: thuế bảo vệ môi trường đạt 72,2% dự toán giao; thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu chi ngân hàng nhà nước đạt 83,5% dự toán giao (nguyên nhân do số thu hồi vốn NSNN đầu tư tại các tổ chức kinh tế chỉ đạt 12,83% dự toán giao).

Tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí từ đó tính thiếu thuế cũng như các khoản thu khác được Kiểm toán Nhà nước phát hiện qua kiểm toán và kiến nghị tăng thu NSNN 3.841 tỷ đồng.

Bội chi ngân sách 293.313 tỷ đồng

Về chi ngân sách năm 2022, số quyết toán là 1.750.790 tỷ đồng, bằng 94,3% dự toán (giảm 104.851 tỷ đồng).

Trong đó, chi đầu tư phát triển quyết toán 615.640 tỷ đồng, bằng 103,1% dự toán giao.

Qua kiểm toán cho thấy còn tình trạng 44 dự án nguồn ngân sách trung ương được kéo dài thời gian giải ngân, thanh toán từ năm 2021 sang năm 2022 nhưng không giải ngân hết trong năm 2022 phải hủy bỏ với số tiền 348,7 tỷ đồng và tiếp tục được bố trí kế hoạch vốn năm 2022 nhưng vẫn không giải ngân được, phải kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023 là 611 tỷ đồng hoặc hủy bỏ 1.418 tỷ đồng, bằng 80% kế hoạch vốn giao năm 2022.  

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư tại một số bộ, cơ quan Trung ương thấp dưới 50% kế hoạch vốn được giao; tỷ lệ giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi chỉ đạt 47%.

Bên cạnh đó, số nợ đọng xây dựng cơ bản đến ngày 31.12.2022 còn lớn; tỷ lệ tiết kiệm đấu thầu qua mạng còn thấp (khoảng 2,34%), chỉ bằng ½ so với tỷ lệ tiết kiệm chung (4,72%).

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị tăng thu, giảm chi ngân sách 21.346 tỷ đồng -0
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Chi thường xuyên quyết toán 1.034.250 tỷ đồng, bằng 93,07% dự toán. Một số khoản chi sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương thực hiện thấp so với dự toán giao: Chi lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề đạt 56,9% dự toán (11.876 tỷ đồng), lĩnh vực y tế, dân số và gia đình đạt 43,1% dự toán (12.082 tỷ đồng), lĩnh vực văn hóa thông tin đạt 56,7% (1.416 tỷ đồng), lĩnh vực bảo vệ môi trường đạt 64,5% (1.047 tỷ đồng).

Tại một số bộ, cơ quan Trung ương còn tình trạng chi sai quy định phải thu hồi nộp NSNN; có 5/60 địa phương được kiểm toán hỗ trợ không đúng nhiệm vụ chi theo phân cấp; 31/60 địa phương sử dụng sai nguồn 3.296,266 tỷ đồng.

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, tổng chi chuyển nguồn năm 2022 là 1.146.676 tỷ đồng.

“Chi chuyển nguồn tiếp tục tăng cao cả về số tương đối (tăng 47,7%) và số tuyệt đối (tăng 370.325 tỷ đồng) so với năm 2021, nếu không tính chuyển nguồn nguồn cải cách tiền lương, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thì chuyển nguồn năm 2022 sang năm 2023 là 426.952 tỷ đồng, tăng 55.917 tỷ đồng so năm 2021”, theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn.

Về bội chi NSNN, dự toán bội chi NSNN Quốc hội quyết nghị đầu năm 372.900 tỷ đồng, tương đương 4% GDP và được điều chỉnh trong năm là 442.233 tỷ đồng. Quyết toán số bội chi NSNN là 293.313 tỷ đồng, bằng 3,07% GDP thực hiện.

Trong đó bội chi ngân sách Trung ương 287.397 tỷ đồng, giảm 129.836 tỷ đồng so với dự toán (417.233 tỷ đồng), bội chi ngân sách địa phương 5.916 tỷ đồng, giảm 19.084 tỷ đồng so với dự toán (25.000 tỷ đồng).

Kiến nghị sửa đổi, ban hành mới, hủy bỏ 198 văn bản

Đáng chú ý, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, qua kiểm toán đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc hủy bỏ một số nội dung không phù hợp của 198 văn bản gồm 1 Luật; 8 Nghị định; 5 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 27 Thông tư và 157 văn bản khác.

Trong đó có một số văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn bất cập, hạn chế gây khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong tổ chức, triển khai thực hiện (như: Thông tư số 96/2021/TT-BTC, Thông tư số 53/2022/TT-BTC; Thông tư số 46/2022/TT-BTC, Thông tư số 17/2022/TT-BLĐTBXH).

Trong lĩnh vực lâm nghiệp, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP chưa quy định cụ thể về thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng sang rừng khác; chi trả tiền theo nhiều lưu vực, nhiều đơn giá và đơn giá chênh lệch cao giữa các khu vực; chưa hướng dẫn cụ thể về thời gian điều phối tiền dịch vụ môi trường rừng cho Quỹ địa phương, cách tính định mức việc điều tiết cho các diện tích rừng có mức chi trả trên 1 ha từ nguồn tiền không xác định hoặc chưa xác định đối tượng nhận tiền; chưa quy định cơ sở nuôi trồng thủy sản, các hợp tác xã phải trả dịch vụ môi trường rừng theo quy định. Nghị định số 35/2019/NĐ-CP chưa quy định xử phạt đối với hành vi chậm nộp tiền trồng rừng thay thế...

Trong việc quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực khoa học, công nghệ, hiện chưa có quy định về khung số lượng các nhiệm vụ khoa học công nghệ và tổng mức kinh phí của từng Chương trình cấp Quốc gia. Chưa có cơ chế khuyến khích thúc đẩy các tổ chức, cá nhân đề xuất ý tưởng khoa học, nhiệm vụ khoa học công nghệ theo quy định của Luật Khoa học công nghệ. Cơ chế, chính sách về phát triển thị trường khoa học công nghệ…

Tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán đạt hơn 91%

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn, kết quả kiểm tra tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán trong năm 2023 cho thấy, đối với kiến nghị kiểm toán năm 2022 (niên độ kiểm toán năm 2021), đến 31.12.2023, các đơn vị đã thực hiện kiến nghị xử lý tài chính về tăng thu, giảm chi NSNN 31.719,05 tỷ đồng đạt tỷ lệ 91,69%; kiến nghị khác 30.566,16 tỷ đồng đạt tỷ lệ 82,72%.

Ngoài ra, đối với các kiến nghị kiểm toán trước năm 2022, trong năm 2023 các đơn vị được kiểm toán đã tiếp tục thực hiện thêm 10.302,89 tỷ đồng (trong đó kiến nghị tăng thu, giảm chi NSNN 3.417,2 tỷ đồng).

Số kiến nghị chưa thực hiện đến 31.12.2023 là 67.513,03 tỷ đồng do 4 nhóm nguyên nhân: (i) Nhóm nguyên nhân thuộc về đơn vị được kiểm toán 39.803,83 tỷ đồng chiếm 59%; (ii) Nhóm nguyên nhân thuộc về trách nhiệm của KTNN 283,07 tỷ đồng chiếm 0,4 %; (iii) Nhóm nguyên nhân thuộc về bên thứ 3 là 16.591,2 tỷ đồng chiếm 24,6 %; (iv) Nhóm nguyên nhân khác 10.834,93 tỷ đồng chiếm 16%.

Về sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, có 98/270 nội dung/văn bản đã được Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, các kiến nghị khác các đơn vị đang tiếp tục nghiên cứu sửa đổi theo quy định.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Trong đó, kiến nghị xử lý tăng thu giảm chi NSNN của Kiểm toán Nhà nước đối với niên độ ngân sách 2022 là 21.346,33 tỷ đồng; kiến nghị khác 28.595,09 tỷ đồng; sửa đổi hoàn thiện cơ chế chính sách của 198 văn bản.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cũng cho biết, Kiểm toán Nhà nước thống nhất với số liệu quyết toán NSNN năm 2022 do Chính phủ trình sau khi rà soát, thực hiện kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước là: thu cân đối NSNN 2.713.787 tỷ đồng;  chi cân đối NSNN 2.897.466 tỷ đồng; bội chi NSNN 293.313 tỷ đồng, bằng 3,07 % GDP thực hiện.

Ông đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết chỉ đạo các đơn vị thực hiện đầy đủ, kịp thời các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, dư nợ công đến 31.12.2022 là 3.557.668,28 tỷ đồng giảm 1,63% so với năm 2021, bằng 37,26% GDP. Các chỉ tiêu nợ công năm 2022 trong giới hạn cho phép của Quốc hội. Nợ công bình quân đầu người là 35,77 triệu đồng/người, giảm 0,94 triệu đồng/người so với năm 2021. 

Qua kiểm toán cho thấy, năm 2022 có 7 khoản vay ngân quỹ nhà nước của ngân sách trung ương đến hạn trả nợ phải gia hạn nợ 258.864,5 tỷ đồng, Bộ Tài chính phê duyệt gia hạn và ký hợp đồng gia hạn chậm từ 3 - 6 tháng kể từ ngày hết hạn.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Kiểm toán Nhà nước kiến nghị tăng thu, giảm chi ngân sách 21.346 tỷ đồng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO