Kiểm toán Nhà nước đã đóng góp tích cực vào thành tựu chung của công cuộc đổi mới, cải cách hành chính và phát triển kinh tế
Hoạt động của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) thời gian qua đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước, góp phần làm cho nền kinh tế phát triển lành mạnh hơn, có sức mạnh và sức “đề kháng” tốt hơn khi nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập nhanh và mạnh mẽ cùng các nền kinh tế khác trên thế giới. PHÓ TỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC (PTKTNN) LÊ MINH KHÁI đã khẳng định như vậy về những nỗ lực và hướng phát triển của ngành trong thời gian tới.
- Ngành Kiểm toán Việt Nam đã có đóng góp như thế nào vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước thời gian qua, thưa Ông?
PTKTNN Lê Minh Khái: Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã cung cấp kết quả kiểm toán phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý và giám sát của Đảng, QH, Chính phủ, HĐND và UBND các tỉnh; KTNN đã có những phát hiện và kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi văn bản QPPL sai quy định hoặc không phù hợp thực tế, đề xuất nhiều ý kiến có giá trị để hoàn thiện nhiều văn bản QPPL. Đây là những đóng góp thiết thực của KTNN với chức năng tư vấn của cơ quan kiểm tra tài chính nhà nước.
Thời gian qua, KTNN đã phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra góp phần tích cực vào việc đấu tranh phòng và chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, ngăn chặn thất thoát trong quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; chuyển nhiều hồ sơ, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân cho cơ quan điều tra, kiểm tra của Đảng, Thanh tra Chính phủ và thanh tra của các bộ, ngành để điều tra, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền… Thực hiện quy định của Luật KTNN và Nghị định số 91/2008/NĐ-CP ngày 18.8.2008 của Chính phủ, định kỳ KTNN họp báo, công bố công khai kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; đồng thời, đăng tải kết quả của cuộc kiểm toán trên Trang thông tin điện tử và Tạp chí Kiểm toán theo quy định. Việc công khai kết quả kiểm toán góp phần làm minh bạch tài chính, đã tạo được dư luận tốt cả trong nước và quốc tế. Ngoài ra, các báo cáo kiểm toán định kỳ, đột xuất đều được báo cáo, gửi, cung cấp đầy đủ, kịp thời cho QH, UBTVQH, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đơn vị được kiểm toán… theo quy định của pháp luật.
- Kinh tế đất nước hội nhập nhanh và mạnh mẽ đồng nghĩa với việc ngành Kiểm toán sẽ phải nỗ lực lớn hơn để bắt nhịp với hội nhập. Theo Ông, nhiệm vụ chính của Ngành trong thời gian tới là gì?
PTKTNN Lê Minh Khái: Có thể khẳng định, hơn 16 năm xây dựng và phát triển, KTNN đã đóng góp tích cực vào thành tựu chung của công cuộc đổi mới, cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách tài chính công, khẳng định vị trí, vai trò của KTNN trong sự nghiệp CNH - HĐH và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, so với yêu cầu ngày càng cao thì tổ chức và hoạt động KTNN vẫn còn những hạn chế và bất cập như quy mô kiểm toán còn rất nhỏ so với yêu cầu kiểm tra, kiểm soát các đối tượng sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao; chất lượng kiểm toán và tiến độ kiểm toán còn khoảng cách so với yêu cầu của Luật KTNN; Hiệu lực kiểm toán chưa cao, việc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán, nhất là việc xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân đối với các sai phạm chưa đầy đủ, nghiêm minh và kịp thời. Để khắc phục những hạn chế này, phát huy những thành tích đã đạt được cần đồng thời phát triển KTNN cả về số lượng và chất lượng.
Trong bối cảnh đẩy mạnh cải cách hành chính, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta và xu thế hiện đại hóa KTNN trên thế giới hiện nay, định hướng hiện tại cũng như lâu dài của KTNN là hết sức coi trọng phát triển về chất lượng. Chính vì vậy, ngày 19.4.2010 Chủ tịch QH đã ký ban hành Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020 theo Nghị quyết số 927/NQ-QH12, trong đó nêu rõ mục tiêu là Nâng cao năng lực hoạt động, hiệu lực pháp lý, chất lượng và hiệu quả hoạt động của KTNN như một công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; xây dựng KTNN có trình độ chuyên nghiệp cao, từng bước hiện đại, trở thành cơ quan kiểm tra tài chính công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế.
Để đạt được mục tiêu này, định hướng và những các giải pháp được xác định của ngành là tiếp tục hoàn chỉnh cơ sở pháp lý toàn diện cho tổ chức và hoạt động của KTNN; phát triển tổ chức bộ máy đủ cơ cấu và số lượng theo mô hình quản lý tập trung thống nhất như hiện nay; nâng cao chất lượng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ về số lượng, cơ cấu chuyên môn và cơ cấu ngạch hợp lý theo từng giai đoạn phát triển của ngành KTNN; nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả kiểm toán, đặc biệt chú trọng công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán; phát triển cơ sở vật chất và khoa học - công nghệ thông tin, đặc biệt chú trọng xây dựng, trang bị đầy đủ hệ thống trụ sở, phương tiện làm việc cho KTNN ở Trung ương và các KTNN khu vực; tích cực hội nhập và hợp tác quốc tế về kiểm toán theo hướng duy trì và củng cố các mối quan hệ và hợp tác hiện có, phát triển các hình thức hợp tác và đối tác mới; tham gia tích cực vào các hoạt động đào tạo quốc tế và các cuộc kiểm toán phối hợp với các đối tác nước ngoài.
- Hành lang pháp lý và chính sách của Nhà nước đã đủ mạnh chưa để cho ngành Kiểm toán Nhà nước phát triển, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, thưa Ông?
PTKTNN Lê Minh Khái: Được sự quan tâm của Đảng, QH, Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, địa phương và sự nỗ lực của ngành KTNN đã từng bước tạo dựng môi trường pháp lý cho hoạt động kiểm toán, với 3 mốc quan trọng là Nghị định số 70/CP ngày 11.7.1994 và Quyết định số 61/TTg ngày 24.1.1995; Nghị định số 93/2003/NĐ-CP ngày 13.8.2003; Luật KTNN được Quốc hội thông qua ngày 14.6.2005, Chủ tịch Nước ký Lệnh công bố ngày 24.6.2005 và có hiệu lực thi hành từ 1.1.2006. Luật Kiểm toán nhà nước được ban hành đã nâng cao địa vị pháp lý của KTNN; quy định đầy đủ và khá toàn diện về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của KTNN; lần đầu tiên, các vấn đề về giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán được quy định cụ thể, chi tiết trong Luật Kiểm toán nhà nước là cơ sở pháp lý rất quan trọng cho tổ chức và hoạt động KTNN, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Kiểm toán Nhà nước.
Tuy nhiên, trong thời gian tiếp theo cũng cần hoàn thiện hơn nữa cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN, cụ thể như nghiên cứu đề xuất bổ sung trong Hiến pháp vào thời điểm thích hợp một số điều khoản quy định về vị trí pháp lý, tính độc lập của cơ quan KTNN; đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức Chính phủ liên quan đến KTNN nhằm khẳng định KTNN là cơ quan kiểm tra tài chính nhà nước, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản để cụ thể hóa Luật KTNN; rà soát quy định về KTNN trong các luật, các văn bản có liên quan để bổ sung, sửa đổi nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ các quy định về tổ chức và hoạt động KTNN trong hệ thống pháp luật của Nhà nước.
- Xin cám ơn Ông!