Sổ tay:

Kiểm soát và xử lý rác thải vùng dịch

- Thứ Tư, 04/08/2021, 05:45 - Chia sẻ
Một trong những vấn đề khiến không ít địa phương và người dân quan tâm trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát mạnh đó là vấn đề xử lý nguồn rác thải, trong đó có rác thải y tế sao cho an toàn, không để phát sinh nguồn lây lan dịch bệnh.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện một số biện pháp cấp bách trong công tác bảo vệ môi trường, nhất là xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch bệnh Covid -19.

Theo đó, để xử lý loại chất thải này, hạn chế nguy cơ lây nhiễm, các địa phương cần cấp bách thực hiện các nội dung: Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở y tế, khu vực điều trị và chăm sóc bệnh nhân, khu cách ly thực hiện công tác thu gom, lưu giữ và chuyển giao chất thải sinh hoạt, chất thải y tế phát sinh; Sở Tài  nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Y tế, các cơ quan liên quan hướng dẫn các cơ quan, đơn vị liên hệ với các cơ sở có chức năng xử lý chất thải y tế nguy hại đã được cấp phép xây dựng phương án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế bảo đảm an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường...

Đến nay, hầu hết các tỉnh, thành phố đều thực hiện nghiêm theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đơn cử, TP. Hồ Chí Minh - một trong những “điểm nóng” dịch Covid-19 -  toàn bộ rác thải y tế tại các bệnh viện, trung tâm, phòng khám đa khoa đều do Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP. Hồ Chí Minh thu gom và xử lý theo quy trình nghiêm ngặt của chất thải nguy hại. Dẫu vậy, với lượng rác lớn thải ra liên quan đến Covid-19 (49 tấn/ngày) thì công suất của đơn vị này không thể xử lý xuể. Chính vì thế, hiện công ty này chỉ thu gom rác thải y tế và rác thải sinh hoạt tại khu vực do thành phố thực hiện cách ly người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19 tập trung. Còn đối với rác thải phát sinh từ quận huyện, những khu vực dân cư bị phong tỏa thì công ty không phụ trách thu gom.

Hầu hết rác thải sinh hoạt tại khu vực dân cư trên địa bàn thành phố do Công ty Dịch vụ công ích quận/huyện và một số công ty tư nhân đảm nhiệm. Trong khi đó, trên thực tế, các lực lượng thu gom rác này về trang thiết bị, phương tiện hầu như không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn phòng dịch bệnh Covid-19, mà phần lớn chỉ dùng để phục vụ hoạt động thu gom rác trong điều kiện bình thường, không có nguy cơ lây nhiễm bệnh. Thậm chí các lực lượng thu gom rác dân lập còn sử dụng phương tiện xe ba gác tự chế nên rác thải không được che đậy trong quá trình thu gom, vận chuyển.

Thực trạng trên không chỉ có riêng TP. Hồ Chí Minh mà diễn ra ở không ít các địa phương đang có dịch bùng phát mạnh. Điều này khiến dư luận không khỏi lo ngại nếu như việc thu gom rác thải sinh hoạt tại khu vực dân cư bị phong tỏa do có người nhiễm hoặc nghi nhiễm mà thiếu che đậy, khử khuẩn thì sẽ rất dễ dẫn đến nguy cơ phát tán mầm bệnh rộng ra trong cộng đồng.

Nhận định về vấn đề trên, các chuyên gia môi trường cho rằng, trước tình hình dịch Covid-19 đang lây lan nhanh chóng trong cộng đồng, việc xử lý rác thải sinh hoạt tại khu vực có người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19 cần được xem xét, có giải pháp phù hợp, bảo đảm an toàn. Việc thu gom và xử lý rác thải đối với khu vực này cũng cần được tuân thủ nghiêm các quy định.

Vậy nhưng, trong khi năng lực cũng như công suất xử lý rác thải nguy hại của các đơn vị thu gom và xử lý rác thải hiện nay tại nhiều địa phương còn hạn chế, để rác thải không là nguồn phát sinh lây bệnh rất cần phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân, tập thể trong gìn giữ, bảo vệ môi trường nói chung. Bởi chỉ cần một người dân không ý thức, có hành vi xấu như vứt khẩu trang, khạc nhổ bừa bãi... thì mọi nỗ lực đều không hiệu quả.

Hải Thanh