Theo Hiến pháp Mỹ, Tổng thống là nhân vật đứng đầu cơ quan hành pháp, cũng là nguyên thủ quốc gia đồng thời là tổng tư lệnh quân đội. Theo Hiến pháp Mỹ, Tổng thống đảm nhiệm hai chức năng, vừa là người đứng đầu Nhà nước vừa là người đứng đầu ngành hành pháp. Trong vai trò là người đứng đầu Nhà nước, Tổng thống Mỹ đại diện cho nước Mỹ ở cả trong lẫn ngoài nước. Với tư cách này, Tổng thống phải thực hiện hàng loạt nhiệm vụ lễ tân, như tiếp nhận thư ủy nhiệm của đại sứ các nước khác, chủ trì các bữa tiệc khánh tiết, khai mạc một số hoạt động văn hoá nghệ thuật và thể thao quan trọng. Trong vai trò là người đứng đầu ngành hành pháp, Tổng thống Mỹ cũng đồng thời là tổng tư lệnh các lực lượng lục quân, không quân, hải quân và lực lượng dự bị ở một số bang, có quyền điều hành lực lượng quốc phòng của mỗi tiểu bang.
Vai trò của ngành hành pháp là thi hành pháp luật. Do đó, trách nhiệm của Tổng thống là lãnh đạo quốc gia đi theo đúng những điều luật đã ghi trong Hiến pháp và các luật liên bang. Ngành hành pháp dưới quyền lãnh đạo của Tổng thống có khoảng bốn triệu nhân viên, trong đó có cả quân đội. Trong một hệ thống chính trị phân quyền, hai cơ quan lập pháp và tư pháp giữ quyền kiểm soát và cân bằng quyền hạn của Tổng thống. Ví dụ như trong quyền bổ nhiệm nhân sự, Tổng thống được quyền bổ nhiệm các chức vụ trong nội các, đại sứ và một số vị trí trong chính quyền liên bang. Tuy nhiên, các chức vụ này đều phải được Thượng viện chấp thuận.
Tổng thống cũng có quyền đề ra các điều lệ, quy định và chỉ thị gọi là Mệnh lệnh hành pháp (Executive order), có hiệu lực giống như luật của các cơ quan liên bang mà không cần phải thông qua Quốc hội.
Tuy Tổng thống không nằm trong ngành lập pháp, nhưng vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh một số điều luật, đặc biệt là lúc đảng chính trị của Tổng thống chiếm đa số tại lưỡng viện Quốc hội. Một trong những quyền hạn rất lớn về mặt lập pháp của Tổng thống là quyền phủ quyết. Tất cả các dự luật sau khi được thông qua tại Thượng Viện phải cần được Tổng thống ký thì mới chính thức trở thành đạo luật. Nếu Tổng thống phủ quyết, dự luật bị trả về cho Thượng viện. Quốc hội muốn vượt qua quyền phủ quyết của Tổng thống cho một dự luật, cần phải có sự biểu quyết với 2/3 số phiếu áp đảo và điều này thường vô cùng khó khăn.
![]() Tổng thống Obama ký ban hành luật |
Bên cạnh quyền phủ quyết, Tổng thống còn có trách nhiệm kiến nghị về một số dự luật để Quốc hội xem xét. Kiến nghị về dự luật của Tổng thống thường được thể hiện trong thông điệp liên bang đầu năm, trong dự thảo ngân sách và trong những kiến nghị cụ thể.
Về mặt quân sự, tuy Quốc hội có quyền tuyên chiến, nhưng việc lãnh đạo quân đội sẽ hoàn toàn thuộc về Tổng thống. Trong vị trí là tổng tư lệnh quân đội, Tổng thống có quyền hạn tối cao chỉ huy quân đội và đưa ra những chiến lược quân sự cần thiết. Ngược lại, Quốc hội có khả năng giới hạn quyền này của Tổng thống qua việc kiểm soát ngân sách quân sự. Bên cạnh đó, Tổng thống cũng là người hướng dẫn đường lối ngoại giao cho quốc gia. Do đó, thường phải chịu trách nhiệm cho chính sách đối ngoại trong nhiệm kỳ của mình.
Về mặt tư pháp, Tổng thống có quyền bổ nhiệm các chánh án tòa án liên bang, kể cả các thẩm phán trong các toà án tối cao, nhưng phải được Thượng nghị viện chấp thuận.
Tổng thống Mỹ còn được coi là nhà lãnh đạo tượng trưng cho chính đảng của mình. Các chương trình, các sáng kiến mà Tổng thống đưa ra thường phản ánh quan điểm của đảng mà mình là thành viên.
Tổng thống được coi là tiêu điểm của nền chính trị Mỹ. Tổng thống có quyền lực rất lớn trong lĩnh vực đối ngoại và quân sự, nhưng thường không mạnh trong các quyết sách về đối nội, vì còn phải tùy thuộc vào Quốc hội. Tổng thống thường chỉ đạt được những mục tiêu về chính sách đối nội khi thuyết phục được Quốc hội và các chính đảng rằng, lợi ích của họ trong trường hợp này là tương đồng.
Nếu Tổng thống, Phó Tổng thống phạm tội phản quốc, tội nhận hối lộ, hay các tội nghiêm trọng khác, Hạ nghị viện là cơ quan có quyền luận tội Tổng thống và Phó Tổng thống (và cả các viên chức cấp cao khác). Thượng nghị viện là cơ quan có quyền xét xử Tổng thống và Phó Tổng thống. Trong lịch sử nước Mỹ, đã có 2 Tổng thống bị luận tội, nhưng đều vượt qua được, đó là Tổng thống Andrew Johnson và Tổng thống Bill Clinton. Ngoài ra, còn có Tổng thống Richard M. Nixon đã từ chức trước khi bị luận tội vì vụ bê bối Watergate.