Chính trị

Kiểm soát quyền lực trong công tác xây dựng pháp luật

Hoàng Ngọc 15/05/2025 18:06

Các đại biểu đề nghị, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội cần tiếp tục thể chế hóa Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, nhằm tránh trục lợi chính sách trong công tác xây dựng pháp luật.

Chiều 15/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ Chín, thảo luận tại Tổ 17 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Tuyên Quang, Nam Định, Quảng Ngãi, Cà Mau), các ĐBQH đã cho ý kiến về dự thảo Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

to1701.jpg
Quang cảnh , thảo luận tại Tổ 17 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Tuyên Quang, Nam Định, Quảng Ngãi, Cà Mau). Ảnh: Hồ Long

Quy định rõ trách nhiệm của đối tượng thụ hưởng chính sách

Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, ĐBQH Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi) nhận thấy, các chính sách theo dự thảo Nghị quyết là rất thỏa đáng, nhằm tạo động lực làm việc, tinh thần khách quan, liêm chính, tránh tư tưởng lợi ích nhóm, phát triển hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn, giúp phát huy nguồn lực phát triển đất nước. Bởi lẽ, pháp luật là khởi điểm khơi thông các nguồn lực để phát triển.

Tuy nhiên, đại biểu lưu ý, dự thảo Nghị quyết cần quy định rõ trách nhiệm của các đối tượng thụ hưởng chính sách. Quyền lợi phải gắn với trách nhiệm.

b1.jpg
ĐBQH Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Về đối tượng thụ hưởng cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính cho công tác xây dựng pháp luật, theo đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương, phải rà soát theo quá trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật để xác định đầy đủ đối tượng và vai trò, nhiệm vụ của từng đối tượng tham gia, từ đó xác định đúng đối tượng được thụ hưởng chính sách.

Đại biểu đề nghị, dự thảo Nghị quyết cần nghiên cứu, bổ sung thêm các đối tượng được áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt tại địa phương gồm: ĐBQH chuyên trách ở địa phương, đại biểu HĐND cấp tỉnh hoạt động chuyên trách tại địa phương; công chức văn phòng tham mưu, giúp việc trực tiếp đại biểu Quốc hội, Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh; cán bộ, công chức tham mưu, giúp việc trực tiếp cho các Ban của HĐND cấp tỉnh tại Phụ lục I, ban hành kèm theo dự thảo Nghị quyết.

Lý do là bởi, đối với các dự án luật, dự thảo Nghị quyết được gửi về lấy ý kiến thì đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương phải tổ chức nghiên cứu, công chức phòng công tác Quốc hội là đơn vị tham mưu trực tiếp nội dung góp ý. Ở HĐND tỉnh thì các Ban của HĐND tỉnh đều thực hiện chức năng thẩm tra dự thảo Nghị quyết do UBND tỉnh trình; công chức phòng công tác HĐND là đơn vị trực tiếp tham mưu nội dung.

Xác định đúng, trúng đối tượng hưởng cơ chế, chính sách đặc biệt

ĐBQH Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) đề nghị, dự thảo Nghị quyết nên bổ sung đại biểu HĐND cấp tỉnh hoạt động chuyên trách tại địa phương là đối tượng được áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật ở địa phương.

d1.jpg
ĐBQH Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Đặng Ngọc Huy (Quảng Ngãi) lưu ý, cần rà soát để xác định đối tượng hưởng cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính cho công tác xây dựng pháp luật cho thật hợp lý, bảo đảm “có làm có hưởng”.

Đại biểu dẫn thực tế, “để phục vụ Kỳ họp Quốc hội, không chỉ các Vụ của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội mà các Vụ chuyên môn khác cũng tham gia như lên chương trình Kỳ họp Quốc hội… Hay ngay trong các Vụ của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội không phải ai cũng làm pháp luật cả, trong đó có cả người làm công tác văn thư”.

Đại biểu Đặng Ngọc Huy cũng đề nghị, dự thảo Nghị quyết cần tiếp tục thể chế hóa việc kiểm soát quyền lực trong công tác xây dựng pháp luật theo Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, nhằm tránh trục lợi chính sách trong công tác xây dựng pháp luật.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Kiểm soát quyền lực trong công tác xây dựng pháp luật
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO