Kiểm soát quyền lực

Thanh Quang 29/05/2016 08:21

Tại Hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII về công tác dân vận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trăn trở: Khi trao quyền lớn cho cán bộ thì ai là người kiểm soát quyền lực, và kiểm soát cách gì? Đây cũng là day dứt, băn khoăn của hơn 90 triệu dân cả nước. Nếu ai đó nắm quyền uy mà tâm trong lòng sáng, tất cả vì dân vì nước, bản lĩnh trí tuệ luôn đặt lợi ích quốc gia lên trên, thì đó là cái “phúc lớn” cho dân tộc. Nhưng một ai đó lợi dụng quyền uy, thu vén cá nhân, vụ lợi kéo bè kéo cánh, khuynh đảo, o bế, thao túng làm giàu thì rõ ràng đó là cái họa!  

Thêm một lần nữa chuyện lòng dân, sức dân, gần dân, tin dân, lắng nghe dân xuyên suốt trong tư duy của người đứng đầu Đảng ta, thấm sâu trong các nghị quyết và văn kiện của Đảng. Day dứt và trăn trở. Đau đáu, chất chứa cháy bỏng những lo toan! Nhắc lại chuyện lịch sử xưa về thời hậu Trần suy vong cũng chỉ vì mất lòng dân. Nhắc đến chuyện Hồ Quý Ly thất bại, cơ đồ tan vỡ cũng bởi xa rời dân, để lòng dân oán hận! Khi thuyền bị lật mới biết sức dân mạnh như nước! Nước có thể “chở thuyền”, nhưng nước cũng có thể “lật thuyền”!

Soi vào thực tế hôm nay còn đó bao việc chưa thể yên lòng. Cũng bởi một bộ phận cán bộ, đảng viên tha hóa, đục khoét, xéo đạp lên đời sống xã hội làm cho dân bất bình. Hãy nhìn lại tham nhũng ở đủ các lĩnh vực. Cứ ở đâu dính vào đất đai, bạc tiền là không thiếu những chiếc “vòi bạch tuộc” nhăm nhăm tìm cách thò vào. Rồi những nhức nhối trong chạy chọt ghế nọ, quyền kia, mua bán bằng cấp. Nhìn về các vụ đại án thì sao ghế nọ, chức kia ở ngành ngân hàng (NH) tay “nhúng chàm” nhiều thế? Âu cũng bởi chấm mút vào cái phần trăm, phết phẩy của khách hàng vay. Âu cũng bởi “ngoắc tay” với các phần tử bên ngoài với đủ chiêu moi két. Có tình trạng o bế không ít lãnh đạo NH tự cho mình như “ông vua con” không cần biết trời đất là gì không? Rõ ràng NHNN cần rà soát lại để “chỉnh tướng rèn quân”, nếu không muốn những núi nợ xấu mới lại “đội lên”! Rõ ràng đất nước rất cần hai tiếng “kỷ cương”! Bắt đầu từ chọn lọc nhân sự cao nhất cho quốc gia, đến tư lệnh bộ ngành, người đứng đầu các tỉnh huyện phải trong sạch. Có trong sạch thì dân mới tin. Bàn tay ai đó không sạch, dính đến dự án nọ, vụ việc kia, cái gì cũng dắt díu vợ con thu lợi thì nói ai nghe? Những kíp lãnh đạo mới ở các ngành, các tỉnh được chọn lựa công phu đang lăn xả vào thực tiễn để tháo gỡ khó khăn. Nhưng đã phơi ra chuyện đây đó những ì xèo của người tiền nhiệm, khi dự án công trình nào cũng có phần, cũng được chia. Thế mới hiểu những dự án phóng tay xài tiền ngân sách lãng phí giờ trơ ra giữa trời kia! Thế mới thấy những sân sau sân trước khuynh đảo thế nào?

Cứ nghĩ chỉ hối lộ người có quyền, có chức, cứ nghĩ cái sự “mua chuộc” cũng chỉ chức quyền lớn nhỏ ve vuốt, nịnh bợ với nhau. Ai hay giờ dân chả “ghế đứng, ghế ngồi” cũng có người đến hối lộ để bỏ qua cái sai phạm, rút lại đơn tố cáo.

Quyền lực trao đúng người đặt lợi ích vì dân vì nước, thì sự phục vụ dân, phụng sự dân tộc càng nhìn càng sáng ra. Nhưng quyền lực trao nhầm người thì hệ lụy khôn lường! Sẽ là đủ thao túng. Sẽ là những chiêu trò kiếm chác bạc tiền thu lợi riêng bất chấp kỷ cương. Cũng từ đó, dân mất niềm tin.

Quản lý giám sát quyền lực cách gì, là câu hỏi đâu dễ trả lời. Nhưng rõ ràng không thể không quản lý, giám sát khi mà tình trạng tham nhũng tiêu cực còn biến hóa không lường. Ai kiểm soát quyền lực, kiểm soát thế nào? Trong đội ngũ chống tham nhũng có tham nhũng ẩn náu không? Tất cả phải rà soát kỹ càng. Không gì tinh tường hơn tai mắt của dân, đó chính là những “kính hiển vi”, những camera soi tỏ hết, nhìn ra hết. Vấn đề là, mọi việc cần công khai để tai mắt người dân giám sát!

    Nổi bật
        Mới nhất
        Kiểm soát quyền lực
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO